Liên quan đến Sơn Trà, cử tri yêu cầu công khai, dân chủ và cầu thị
Hồ Xuân Mai
VietTimes -- Trong 4 vấn đề lớn mà cử tri Đà Nẵng đang đặc biệt quan tâm thì Quy hoạch, bảo tồn và phát triển tại bán đảo Sơn Trà là một trong những vấn đề nổi cộm cần được giải quyết công khai, dân chủ và cầu thị tại kỳ họp thứ 4, HĐND TP Đà Nẵng.
Công khai và dân chủ các vấn đề liên quan đến Sơn Trà
Sáng 5/7, HĐND TP Đà Nẵng khóa IX, nhiệm kỳ 2016-2021 đã khai mạc kỳ họp thứ 4 với nhiều nội dung. Trong đó, vấn đề về Quy hoạch, bảo tồn và phát triển tại bán đảo Sơn Trà tiếp tục được quan tâm, đề xuất ý kiến.
Theo bà Đặng Thị Kim Liên, Chủ tịch UBMT TQ Việt Nam TP Đà Nẵng, một vấn đề được cử tri quan tâm, đóng góp ý kiến tại Kỳ họp HDND TP Đà Nẵng lần này là công tác quy hoạch, bảo tồn và phát triển tại bán đảo Sơn Trà. “Cử tri và nhân dân mong muốn chính quyền thành phố có chiến lược đầu tư phát triển du lịch tại bán đảo Sơn Trà một cách bền vững, phát triển phải đi đôi với bảo vệ đa dạng sinh học, bảo tồn các loài động vật quý hiếm và đảm bảo quốc phòng an ninh".
Theo bà Đặng Thị Kim Liên, Chủ tịch UBMT TQ Việt Nam TP Đà Nẵng, một vấn đề được cử tri quan tâm, ý kiến tại Kỳ họp HDND TP Đà Nẵng lần này là công tác quy hoạch, bảo tồn và phát triển tại bán đảo Sơn Trà
Ủy ban MTTQ TP đồng tình với quan điểm xác định bán đảo Sơn Trà là lá phổi xanh, là tài sản vô giá của Đà Nẵng, có vị trí đặc biệt quan trọng về quốc phòng an ninh, bảo tồn thiên nhiên và tiềm năng du lịch. Mọi tác động lên bán đảo Sơn Trà đều phải được nghiên cứu trên cơ sở khoa học và đặc biệt chú trọng yếu tố nhân văn, đồng thời đảm bảo tính công khai, dân chủ và cầu thị. Việc quy hoạch, phát triển tại bán đảo Sơn Trà phải theo hướng bền vững, đảm bảo sự hài hòa giữa bảo tồn và phát triển.
Đề nghị chính quyền thành phố khẩn trương rà soát lại tất cả các dự án đã được cấp phép tại bán đảo Sơn Trà theo hướng phải đáp ứng cả ba yêu cầu: phát triển kinh tế du lịch, đảm bảo quốc phòng an ninh và đảm bảo môi trường sinh thái bao gồm môi trường sinh trưởng của voọc chà vá chân nâu được xem là hình ảnh nhận diện Đà Nẵng tại Tuần lễ Cấp cao APEC”, bà Đặng Thị Kim Liên, Chủ tịch UBMT TQ Việt Nam TP Đà Nẵng nói.
Liên quan đến vấn đề vệ sinh môi trường, cử tri Đà Nẵng tiếp tục kiến nghị giải quyết, di dời các cơ sở sản xuất nằm xen lẫn trong khu dân cư gây ô nhiễm môi trường về tiếng ồn, khói bụi, nước thải, mùi hôi… “Đã nhiều lần kiến nghị nhưng việc giải quyết di dời nhưng vẫn còn rất chậm, ảnh hưởng xấu đến sinh hoạt và sức khỏe người dân, nhất là các cơ sở sản xuất đá mỹ nghệ, mộc, cơ khí, gò hàn, thạch cao, sơn, nhuộm... Cử tri mong muốn chính quyền thành phố đẩy nhanh tiến độ quy hoạch và xây dựng các cụm công nghiệp nhỏ, khu vực ngành nghề sản xuất tập trung, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường tại khu dân cư”, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam TP Đà Nẵng đề đạt.
Công trình an sinh cần được quan tâm hơn
Theo báo cáo của Uỷ ban MTTQ Việt Nam TP Đà Nẵng, liên quan đến các vấn đề cử tri quan tâm thì có 57/96 ý kiến cử tri phản ảnh về việc TP Đà Nẵng cần đẩy mạnh đầu tư các công trình phục vụ dân sinh. Cụ thể là các công trình trường học, đường nội bộ, nhà sinh hoạt cộng đồng, hệ thống điện chiếu sáng, hệ thống thoát nước trong các khu dân cư cũ, hoàn thiện và khớp nối hạ tầng đô thị cho các khu dân cư mới để nhân dân ổn định cuộc sống, tránh tình trạng “nắng bụi, mưa lầy”.
Bên cạnh đó, vấn đề xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng cho người dân dù đã nêu tại nhiều kỳ họp nhưng chưa được giải quyết dứt điểm. Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Đà Nẵng đề nghị UBND TP rà soát, phê duyệt quy hoạch để các quận, huyện triển khai xây dựng mạng lưới nhà sinh hoạt cộng đồng đáp ứng nhu cầu chính đáng của người dân.
Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ thị sát dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng Biển Tiên Sa băm nát một góc rừng Sơn Trà gây bức xúc dư luận
Đối với vấn đề khám chữa bệnh của người dân, cử tri yêu cầu TP đầu tư nâng cấp các cơ sở y tế, hạn chế tình trạng quá tải tại các bệnh viện lớn. Nhất là tại Bệnh viện Đà Nẵng và Bệnh viện Phụ sản-Nhi luôn trong tình trạng quá tải. Đặc biệt, tại Bệnh viện Phụ sản - Nhi quy định 600 giường bệnh, chỉ tiêu kế hoạch được giao 900 giường nhưng hiện nay số giường bệnh đã tăng lên 1.675 giường. Trong khi đó, các bệnh viện quận, huyện có số bệnh nhân điều trị nội trú tương đối thấp. Điều này một phần do tâm lý người dân muốn đến khám chữa bệnh ở bệnh viện lớn, thiếu tin tưởng bệnh viện quận, huyện; một phần do thiếu sự đầu tư trang thiết bị cho cơ sở y tế tuyến dưới và tâm lý một bộ phận y bác sĩ muốn làm việc tại bệnh viện tuyến trên.
“Vì vậy, cử tri mong muốn thành phố đầu tư trang thiết bị và nâng cao chất lượng đội ngũ y bác sĩ các bệnh viện quận, huyện, đồng thời mở rộng các bệnh viện lớn, đảm bảo việc khám chữa bệnh cho người dân, nhất là khẩn trương triển khai thi công giai đoạn 2 Bệnh viện Phụ sản – Nhi”, bà Đặng Thị Kim Liên, Chủ tịch UBMT TQ Việt Nam TP Đà Nẵng nhấn mạnh.
Trước những vấn đề trên, Ủy ban UBMT TQ Việt Nam TP Đà Nẵng đề nghị UBND TP Đà Nẵng và các sở, ngành có liên quan nghiên cứu, giải quyết và thông báo cho Ủy ban Mặt trận thành phố và cử tri, nhân dân biết, theo dõi, giám sát đúng với quy định của pháp luật. Tránh tình trạng HĐND đã có nghị quyết, UBND đã có quyết định, đã chỉ đạo nhưng các sở, ngành, cơ quan chức năng hành động thiếu quyết liệt để giải quyết những bức xúc của người dân, cho nên nhiều vấn đề đã có giải pháp xử lý cụ thể nhưng tiến độ thực hiện lại quá chậm so với cam kết làm suy giảm niềm tin của cử tri và nhân dân.
Cụ thể theo phát biểu của bà Đặng Thị Kim Liên, Chủ tịch UBMT TQ Việt Nam TP Đà Nẵng
Cụ thể theo phát biểu của bà Đặng Thị Kim Liên, Chủ tịch UBMT TQ Việt Nam TP Đà Nẵng
Cụ thể theo phát biểu của bà Đặng Thị Kim Liên, Chủ tịch UBMT TQ Việt Nam TP Đà Nẵng