LG và câu chuyện đổi mới để sống “thọ” hơn

Tính bền vững đã giúp cho LG trở thành tập đoàn lớn thứ tư Hàn Quốc trong 70 năm qua. Ngày nay, LG vẫn đang không ngừng đổi mới để có thể tồn tại lâu dài trên thương trường.
Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Theo Korea Herald, đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường toàn cầu, người khổng lồ điện tử Hàn Quốc có thể tự hào về những gì đã đạt được ngày hôm nay, bao gồm di sản vật chất cũng như niềm tin lớn lao của khách hàng.  

Vào năm 1947, LG chỉ là một công ty hóa học. Hiện tại LG là một tập đoàn chế tạo và kinh doanh đa dạng các sản phẩm từ thiết bị gia dụng cho đến các hệ thống lưu trữ điện với doanh thu hàng năm là 150 nghìn tỷ won (131 tỷ USD). Tuy nhiên, từ năm 2013 đến nay, lợi nhuận của tập đoàn đã ngừng gia tăng, vẫn chỉ quanh quẩn ở mốc 150 nghìn tỷ won. Điều này đã làm dấy lên câu hỏi liệu sự tăng trưởng của LG đã đạt tới đỉnh?

Đứng trước thực trạng này, Chủ tịch tập đoàn LG Koo Bon-moo đã truyền đi một thông điệp sâu sắc tới các nhân viên của mình rằng hãng cần phải đổi mới và thay đổi để tồn tại bền vững trong 30 năm tiếp theo. Vào năm 2047 tập đoàn LG sẽ "thượng thọ" 100 tuổi.

Ông Koo Bon-moo nói: "Các công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chẳng hạn như trí tuệ nhân tạo, sẽ làm thay đổi cuộc chơi, thay đổi các trật tự sang một hình thức mới. Chúng ta phải áp dụng những công nghệ và ý tưởng mới nhằm phá vỡ khuôn mẫu có sẵn".

Trong cuộc họp dài 20 tiếng đồng hồ với các Giám đốc bộ phận diễn ra vào tháng trước, Koo Bon-joon, Phó Chủ tịch LG Corp - công ty mẹ nắm giữ cổ phần trong tập đoàn LG, cũng đã kêu gọi các CEO tìm cách đổi mới bản thân và thay đổi các chiến lược kinh doanh trong quá khứ, cho dù các chiến lược này đã mang lại nhiều lợi nhuận cho hãng.

"Môi trường kinh doanh trong và ngoài nước, đặc biệt là sự cạnh tranh trên thị trường đã thay đổi, đặt chúng ta vào những tình huống khó khăn hơn trước rất nhiều. Nếu cứ mãi dựa vào những thành công trong quá khứ mà không thay đổi, chúng ta sẽ không thể phát triển bền vững", ông Koo Bon-joon nói.

Tập đoàn LG đang trao nhiều quyền hành hơn vào tay Phó Chủ tịch Koo Bon-joon. Ông vốn là em trai của Chủ tịch tập đoàn. Trong một cuộc cải tổ bộ máy quản lý vào cuối năm ngoái, Bon-joon đã được trao quyền điều hành các hoạt động của tập đoàn, trong khi Chủ tịch có vai trò mang tính nghi thức nhiều hơn. Một số người nói rằng vị chủ tịch lớn tuổi muốn thực hiện một sự thay đổi trong hàng ngũ quản lý, và ông cũng muốn em trai mình đứng ra chèo lái công ty trước khi con trai của ông là Koo Kwang-mo sẵn sàng tiếp nhận.

Không giống như các gia đình chaebol (đại tập đoàn) khác, LG giữ nguyên truyền thống trao quyền lãnh đạo cho con trai cả, tránh việc tranh giành quyền lực không cần thiết.

Để dọn dường cho một sự thay đổi, LG đã quyết định bán đi các đơn vị kinh doanh yếu kém và tìm cách tối đa hóa sự phối hợp giữa các công ty con trong tập đoàn. Tháng trước, LG đã bán cổ phần kiểm soát trong LG Siltron (một công ty sản xuất đế bán dẫn) cho tập đoàn SK Group. Thương vụ trị giá 620 tỷ won này đã đánh dấu chấm hết cho mảng kinh doanh chip của LG, mở đường cho tập đoàn này tìm kiếm những cơ hội mới.

Đến năm 2020, LG đã lên kế hoạch thành lập một bộ phận nghiên cứu phát triển có tên là "Công viên Khoa học LG". Bộ phận này sẽ kết hợp tinh hoa của 11 công ty con của LG trong đó có LG Electronics, LG Display, Innotek, Chemical và CNS để tạo ra một động lực tăng trưởng mới cho tập đoàn. Dự kiến LG sẽ đầu tư 4 nghìn tỷ won cho bộ phận này, để giúp tăng cường sức mạnh tổng hợp của các chi nhánh.

Cuối năm ngoái, sự sáp nhập giữa LG Chemical (công ty sản xuất pin) và Life & Science (công ty dược phẩm) cho thấy chiến lược của tập đoàn muốn khai thác thị trường thuốc tương tự sinh học (biosimilar). LG Electronics và Innotek dự kiến cũng sẽ có sự kết hợp để sản xuất các thiết bị có chức năng và công nghệ tiên tiến. LG U+ (nhà mạng lớn thứ ba Hàn Quốc) và LG CNS (nhà cung cấp giải pháp năng lượng) cũng sẽ hợp tác với nhau để phát triển các thiết bị và dịch vụ hoạt động trên nền tảng Internet Vạn vật (Internet of Things).

Bộ phận chế tạo xe hơi nằm trong công ty LG Electronics cũng có tương lai rất hứa hẹn. Bộ phận này đã ký một hợp đồng với General Motors để cung cấp phụ tùng cho mẫu xe điện Chevrolet Bolt. LG Electronics cũng đã ký một bản ghi nhớ với tập đoàn Volkswagen để cùng phát triển một nền tảng dịch vụ kết nối xe hơi.

Các nhà quan sát cho rằng trong những năm tới LG cần có những động thái quyết liệt hơn trong chiến lược kinh doanh vốn đang bị chỉ trích là thiếu tích cực và không rõ ràng.

Yang Hyung-mo, một nhà phân tích của eBest Investment and Securities nhận định: "LG dường như đang tìm cách cải tổ nội bộ để đảm bảo một sự tăng trưởng vững chắc trong tương lai, thay vì tích cực mở rộng hoạt động kinh doanh. Định hướng chiến lược của họ đã trở nên rõ ràng hơn".

Ông Yang cho rằng LG cũng đang tìm kiếm cơ hội để trở thành nhà cung cấp giải pháp năng lượng sinh thái thân thiện với môi trường, bên cạnh tư cách là nhà sản xuất thiết bị công nghệ cao và nhà chế tạo pin.

LG đã mở rộng sự hiện diện của mình trong lĩnh vực năng lượng tái tạo bằng cách cơ cấu lại các sản phẩm và dịch vụ của các công ty con. LG đã kết hợp sản phẩm pin của LG Chemical với các tấm năng lượng mặt trời của LG Electronics cùng với hệ thống giám sát năng lượng của LG CNS để tạo ra một dự án kinh doanh có tên gọi là "giải pháp năng lượng tổng thể".

Theo Báo Diễn Đàn Đầu Tư