Báo chí Nga chí trích Trung Quốc:

Lấy cắp kỹ thuật không gian của Nga và chiến lược “Một vành đai, một con đường” là mối đe dọa lớn nhất đối với Nga

VietTimes -- Báo chí Nga đang tới tấp chỉ trích Trung Quốc lấy cắp kỹ thuật không gian của Nga, coi việc lấy cắp kỹ thuật này và chiến lược "Một vành đai, một con đường" của Trung Quốc là mối đe dọa lớn nhất đối với Nga.
Báo Nga cho rằng phi thuyền Thần Châu là bản nhái của tàu Soyuz
Báo Nga cho rằng phi thuyền Thần Châu là bản nhái của tàu Soyuz

Vào dịp Mỹ tuyên bố thành lập và đưa lực lượng tác chiến không gian mà họ gọi là “Binh chủng bộ đội Vũ trụ” vào hoạt động từ trước năm 2020, truyền thông Nga mới đây đã đăng bài chỉ trích Trung Quốc phá hoại địa vị bá chủ không gian của Nga thông qua việc ăn cắp kỹ thuật không gian của họ. Trên thực tế, sau cuộc gặp gỡ cấp cao Trump – Putin tại Helsinki, báo chí Nga bắt đầu tới tấp đăng bài phê phán đồng minh cũ Trung Quốc – một điều hiếm thấy xưa nay.

Phi thuyền Thần Châu của Trung Quốc
Phi thuyền Thần Châu của Trung Quốc 

Phi thuyền “Thần Châu” là bản nhái ăn cắp kỹ thuật Nga

Theo trang web “Defence One” chuyên đăng tải các thông tin về các vấn đề quốc phòng và an ninh quốc gia của Mỹ ngày 5/8, báo chí Nga mới đây đã tới tấp chỉ trích Trung Quốc lấy cắp kỹ thuật không gian của nước họ.

Hãng tin “Lenta” trong một bài báo nhan đề “Sự nghiệp phi hành của nước Nga”, với tiêu đề phụ “Trung Quốc lấy cắp cơ mật không gian của Nga đến mức không còn gì để lấy nữa”, trong đó viết: việc Trung Quốc lấy cắp kỹ thuật không gian của Nga mới là mối đe dọa lớn nhất đối với Nga.

Phi thuyền Soyuz của Nga
Phi thuyền Soyuz của Nga

Vào cuối những năm 1990, có chuyên gia Nga xác nhận, Trung Quốc đã có được toàn bộ kỹ thuật về phi thuyền chở người vào không gian của Liên Xô cũ thông qua con đường không chính thức. “Lenta” đưa tin, Trung Quốc thông qua hành vi gián điệp, sách lược sao chép để phá hoại địa vị bá chủ không gian khi xưa của người Nga. “Trung Quốc tìm mọi cách tìm hiểu kỹ thuật liên quan đến việc đưa người vào không gian. Chính vì thế, phi thuyền không gian “Thần Châu” (không mang theo người) họ phóng lần đầu thực tế chính là bản sao của con tàu “Soyuz” của Nga”.

Tờ báo Nga cay đắng: hiện nay Bắc Kinh đã lấy cắp hết mọi kỹ thuật không gian của Nga rồi; thứ duy nhất còn lại là kỹ thuật động cơ tên lửa “RD-180” thì Trung Quốc cũng đã đang phỏng chế.

Hãng thông tấn chính thức RIA Novosti hôm 31/7 cũng đăng bài nhan đề: “Trung Quốc đề nghị Nga giám định động cơ siêu trọng kiểu mới”, trong đó cho biết, trước yêu cầu của Trung Quốc, các chuyên gia Nga đã bày tỏ cự tuyệt vì loại động cơ hạng 500 tấn mà Trung Quốc “nghiên cứu” ra giống hệt loại “RD-180” của Nga.

Báo Nga tập trung phê phán Trung Quốc – điều hiếm có xưa nay

Ngoài các hãng truyền thông chính thống phê phán Trung Quốc lấy cắp kỹ thuật không gian, gần đây nhiều báo chí Nga cũng tới tấp lên tiếng phê phán Trung Quốc. Đây được coi là điều hiếm có vì truyền thông Nga hầu như đều do chính phủ kiểm soát.

Hồi đầu tháng 8, tờ báo lớn “Độc lập” của Nga đã đăng bài dài phê phán kế hoạch “Một vành đai, một con đường” của Trung Quốc. Bài báo viết, Trung Quốc càng tích cực thúc đẩy “Một vành đai, một con đường”, càng vung tiền đầu tư thì các hoạt động chống lại chính sách của Trung Quốc ở những nơi ven con đường đó càng gia tăng. Bài báo còn viện dẫn quan điểm của các chuyên gia phân tích cho rằng, Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng của họ ở Trung Á đã uy hiếp nghiêm trọng đến lợi ích của nước Nga tại khu vực này.

Theo Lenta, kỹ thuật tên lửa đẩy siêu mạnh RD-180 của Nga cũng đang bị Trung Quốc phỏng chế
Theo Lenta, kỹ thuật tên lửa đẩy siêu mạnh RD-180 của Nga cũng đang bị Trung Quốc phỏng chế

Ngày 10/7, Bắc Kinh tuyên bố cho các quốc gia Ả rập Trung Đông vay 20 tỷ USD, lập tức trang mạng “Sự thật” của Đảng Cộng sản Nga hôm 12/7 đã đăng bài bình luận với nhan đề “Bắc Kinh uy hiếp lợi ích nước Nga”, cho rằng hành động này của Bắc Kinh nhằm tới mục địch lâu dài là đánh bật thế lực của Nga và Mỹ ra khỏi Trung Đông.

Cuối tháng 7, tạp chí chính luận chủ yếu “Mặt cắt” của Nga đã đăng bài dài phê phán việc Trung Quốc định xây dựng tuyến đường sắt cao tốc ở Nga. Bài báo phân tích chỉ ra nguy cơ mà Nga phải đương đầu qua hạng mục này, Nga không những sa vào cạm bẫy nợ nần mà còn bị phụ thuộc lâu dài vào Trung Quốc về mặt kỹ thuật.

Trung tuần tháng 7, hai nhà lãnh đạo Mỹ, Nga đã có cuộc hội đàm tại Helsinki, nội dung có liên quan đến Trung Quốc. Sau cuộc hội đàm, ông Donald Trump bày tỏ “rất, rất hài lòng” về cuộc gặp gỡ này, Giới bình luận quốc tế cho rằng, một trong số những đề tài chủ yếu mà hai bên thảo luận là làm thế nào để đối phó với Trung Quốc.