Chỉ mất 3-4 tiếng để hoàn thành
ThS. BS. Hoàng Văn Tâm - Phó Trưởng Khoa Điều trị nội trú ban ngày, Bệnh viện Da liễu Trung ương - cho biết, ghép tế bào thượng bì tự thân không qua nuôi cấy là phương pháp dùng tế bào thượng bì gồm: tế bào hắc tố, tế bào gai, một số tế bào gốc của chính cơ thể người bệnh để ghép vào tổn thương bạch biến.
Để thực hiện phương pháp này, các bác sĩ sẽ lấy da ở vùng hông hoặc mặt trước đùi theo tỉ lệ 1/5 (ví dụ vùng bạch biến cần được ghép có diện tích là 10 cm² thì cần lấy 2 cm² ở vùng trước đùi). Nếu tổn thương rộng tỉ lệ này có thể là 1/10.
Sau đó, miếng da này sẽ được đưa vào trong dung dịch, qua các công đoạn sẽ tách lấy tế bào thượng bì, nuôi dưỡng, đếm tế bào để ghép vào vùng da bị bạch biến (vùng da này sẽ được bào mòn bằng tay hoặc dùng laser). Tế bào ghép vào sẽ được dùng gạc cố định lại và tháo ra trong vòng 1 tuần.
Theo BS. Hoàng Văn Tâm, phương pháp này được chỉ định thực hiện với các trường hợp bệnh nhân mắc bệnh bạch biến ổn định ít nhất 1 năm (trong vòng 1 năm bạn không có tổn thương mới nào hoặc tổn thương cũ không lan rộng). Cùng với đó, bệnh nhân không có hiện tượng Kobner, không xuất hiện tổn thương bạch biến ở vùng chấn thương và không có tiền sử sẹo lồi do chấn thương.
Mỗi bệnh nhân bị bệnh bạch biến sẽ mất khoảng 2-4 tiếng để hoàn thành xong tất cả quy trình thực hiện phương pháp tùy vào diện tích tổn thương.
Bệnh nhân bạch biến sau 3 tháng điều trị. Ảnh: Bệnh viện Da liễu Trung ương
|
BS. Tâm khẳng định phương pháp ghép tế bào thượng bì tự thân không qua nuôi cấy là một phương pháp khá an toàn, ít tác dụng phụ. Tuy nhiên, sau khi thực hiện, người bệnh có thể gặp một số tác dụng phụ như: sẹo lồi, nhiễm khuẩn, tăng sắc tố sau viêm,… Tỷ lệ gặp tác dụng phụ sẽ liên quan tới việc lựa chọn bệnh nhân cũng như kinh nghiệm của các bác sĩ.
Đế thời điểm hiện tại, sau khi tiến hành ghép da cho khoảng hơn 100 bệnh nhân, ekip phẫu thuật ghép của Bệnh viện Da liễu Trung ương đã làm chủ được hoàn toàn kĩ thuật và hạn chế tối đa tác dụng phụ.
Hiệu quả lên tới 80%
Khi thực hiện phương pháp, bệnh nhân sẽ được gây tê tại chỗ với tổn thương nhỏ. Với tổn thương rộng ở da hoặc đối tượng thực hiện là trẻ em các bác sĩ có thể thực hiện gây mê. Với phương tiện hiện đại, Bệnh viện Da liễu Trung ương có đội ngũ gây mê hồi sức giàu kinh nghiệm với quy trình gây tê, gây mê riêng cho kỹ thuật này.
Phương pháp ghép tế bào thượng bì tự thân không qua nuôi cấy đạt hiệu quả rất cao có thể lên tới 70-80%, đặc biệt khi bệnh nhân bị bạch biến đoạn và thường rất ít tái phát với bạch biến đoạn, còn với bạch biến thể thì tỷ lệ tái phát cao hơn, từ 10-20%.
Thông thường, mỗi bệnh nhân chỉ cần ghép 1 lần, tuy nhiên người bệnh cũng có thể ghép hơn 1 lần để tăng hiệu quả điều trị.
BS. Tâm cho biết, phương pháp ghép tế bào thượng bì tự thân không qua nuôi cấy thường đạt hiệu quả sau 1-2 tháng, tối đa sau 6-12 tháng. Vì thế, người bệnh không nên quá lo lắng khi đã ghép được 2 tháng mà chưa thấy kết quả. Để đạt hiệu quả điều trị cao, người bệnh có thể kết hợp điều trị bằng ánh sáng trị liệu.
Chi phí điều trị phương pháp này dao động từ 25-35 triệu tùy diện tích tổn thương của bệnh nhân. Sau điều trị, bệnh nhân có thể hoạt động và làm việc bình thường.
Trước đây có một số bệnh viện đã sử dụng phương pháp ghép tế bào thượng bì tự thân cho sẹo bỏng. Tuy nhiên, việc áp dụng cho bệnh nhân bạch biến vẫn còn hạn chế do vật tư chưa có đầy đủ, nhất là gạc collagen khô chưa có hãng nào đăng kí ở Việt Nam.
Bên cạnh đó, máy laser hay ánh sáng trị liệu (tia cực tím, excimer) thì chỉ bệnh viện chuyên khoa Da liễu mới có. Ngoài ra, dung dịch nuôi tế bào, máy đếm tế bào và tỉ lệ sống chết của tế bào được ekip làm tiến hành rất kĩ, đem lại nhiều hy vọng cho bệnh nhân.
Bệnh bạch biến là một loại bệnh da liễu thường gặp mà trong đó các tế bào sắc tố da bị phá hủy từ đó làm thay đổi màu da. Bệnh biểu hiện thông qua những dát, mảng giảm sắc tố so với vùng da xung quanh, không ngứa, không đóng vảy, giới hạn rõ. Đây là bệnh lành tính, không lây, và có ảnh hưởng nhiều về mặt thẩm mỹ. Tại Việt nam chưa có thống kê chính thức về tỷ lệ mắc bệnh. Theo thống kê có 1% dân số ở Mỹ mắc bệnh bạch biến. Bệnh bạch biến gồm 2 thể chính: thể khu trú và thể lan tỏa Ở thể khu trú, bệnh nhân bị các tổn thương sau: Bạch biến từng điểm (Focal vitiligo) - một hoặc nhiều dát giảm sắc tố ở một vị trí; bạch biến thể đoạn (Segmental vitiligo) - tổn thương là một hoặc nhiều dát giảm sắc tố, phân bố theo đường đi của dây thần kinh, bệnh chủ yếu gặp ở trẻ em; thể niêm mạc (Mucosal vitiligo) - bệnh chỉ có tổn thương ở niêm mạc. Ở thể lan tỏa, bệnh nhân bị tổn thương ở các ngón tay, chân và quanh các hốc tự nhiên ở mắt; các mảng giảm sắc tố riêng rẽ và phân bố rộng rãi; tổn thương trên da rải rác toàn thân. Khi bị bạch biến toàn thể, da của bệnh nhân bị giảm sắc tố toàn bộ hoặc gần như toàn bộ cơ thể, thường phối hợp với các hội chứng nội tiết. Hiện, nguyên nhân chính gây bệnh bạch biến đến nay vẫn chưa biết rõ nên chưa có biện pháp điều trị đặc hiệu cho căn bệnh này. |
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu