Trong 6 tháng đầu năm 2024, tăng trưởng tín dụng tương đối thấp so với kỳ vọng. Điều này đã tạo nên những quan ngại nhất định đối với triển vọng tăng trưởng trong những tháng cuối năm.
Để làm rõ hơn vấn đề này, VietTimes đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Phạm Thế Anh, Trưởng khoa Kinh tế học – Đại học Kinh tế Quốc dân.
Tâm lý phòng thủ rủi ro vẫn phổ biến
- Tín dụng 5 tháng đầu năm chỉ tăng 2,4%, bất ngờ tháng 6 tăng tới 3,6%, đưa tăng trưởng 6 tháng lên 6%. Ông đánh giá như thế nào về màn bứt tốc của tín dụng trong tháng 6?
PGS.TS Phạm Thế Anh: Điều này không gây ngạc nhiên, bởi đó gần như là một “thông lệ”, một thủ thuật về con số. Lần gần nhất chúng ta nhìn thấy điều này chính là giai đoạn cuối năm 2023, khi tổng tăng trưởng tín dụng 11 tháng chỉ là 9,15%, nhưng tháng 12 đột ngột tăng tới 4,35%, qua đó kéo tăng trưởng cả năm lên 13,5%.
Nói tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm 2024 là một dạng “bản cũ soạn lại” cũng không phải là quá lời. Bởi vậy, tôi cho rằng nếu muốn đánh giá độ “thực” của tăng trưởng tín dụng trong 6 tháng đầu năm 2024, chỉ nên nhìn vào con số tăng trưởng trong 5 tháng, đừng nhìn vào con số của tháng 6.
Một khía cạnh khác mà chúng ta có thể dùng làm góc soi chiếu để đánh giá độ “thực” của tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm 2024 đó là phản ứng của cộng đồng doanh nghiệp trong việc tiếp cận vốn. Thời gian qua, tình trạng doanh nghiệp “than” khó tiếp cận vốn vẫn còn khá phổ biến, dù cho vấn đề cũng nằm ở phía doanh nghiệp.
- Như vậy, nếu chỉ nhìn vào con số tăng trưởng tín dụng trong 5 tháng đầu năm 2024, có thể thấy cầu tín dụng khá yếu ớt. Theo ông, đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này?
PGS.TS Phạm Thế Anh: Tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm chủ yếu là xuất khẩu và FDI. Trong khi đó, đầu tư công chậm lại còn đầu tư của khu vực tư nhân khá yếu, nên cầu tín dụng chưa thể tăng mạnh.
Lĩnh vực hút tín dụng mạnh mẽ nhất trong những năm qua là bất động sản cũng trở nên yếu ớt trong nửa đầu năm 2024. Nguyên nhân là số lượng dự án được cấp phép triển khai vẫn hết sức ít ỏi. Phần nhiều doanh nghiệp không có dự án đủ điều kiện để triển khai nên không có cầu vay ngân hàng. Số có dự án để triển khai thì doanh nghiệp cũng tìm đến các kênh khác để hút vốn, ví dụ như trái phiếu doanh nghiệp, ghi nhận cho thấy thị trường này đã hồi phục đáng kể so với năm 2022.
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng tìm cách vay vốn từ công ty chứng khoán bằng cách thế chấp cổ phiếu (cho vay margin). Quan sát của tôi cho thấy dư nợ cho vay và số dư tiền gửi tại các công ty chứng khoán đều tăng cao trong khi thanh khoản của thị trường vẫn ở mức thấp. Điều này hàm ý dư nợ tại các công ty chứng khoán nhiều khả năng chủ yếu là từ các “deal” lớn của các ông chủ/các cổ đông lớn của doanh nghiệp, chứ không phải chủ yếu từ các nhà đầu tư cá nhân.
- Trong bối cảnh như vậy, ông nhìn nhận thế nào về triển vọng tăng trưởng tín dụng các tháng cuối năm 2024?
PGS.TS Phạm Thế Anh: Gốc của tăng trưởng tín dụng là tăng trưởng đầu tư của khu vực tư nhân, khả năng tiêu dùng của người dân. Nhìn vào kinh tế Việt Nam hiện tại, có thể thấy triển vọng khôi phục của đầu tư tư nhân trong các tháng cuối năm là không nhiều. Tâm lý phòng thủ trước các rủi ro của môi trường đầu tư, kinh doanh vẫn rất cao. Trong khi đó, sức mua của người dân chưa có nhiều cải thiện. Với nguồn cung hạn chế, giá bán lại rất cao, khả năng mua nhà của người dân cũng đang bị thách thức, khó lòng tạo ra sự bùng nổ nào.
Về vĩ mô, với đặc thù của một nền kinh tế mở, Việt Nam phải trông cậy vào diễn biến của các nền kinh tế lớn trên thế giới. Hiện nay, các nền kinh tế lớn như Mỹ, EU, Trung Quốc đang có nhiều biến động, rủi ro suy thoái hiện hữu mà biểu hiện là các ngân hàng trung ương lớn đang hạ lãi suất. Vậy, khả năng kinh tế Việt Nam tăng trưởng mạnh trong năm nay là không nhiều.
Với các yếu tố như vậy, tôi cho rằng tăng trưởng tín dụng năm nay sẽ không có đột biến nào.
Phải xây dựng cơ chế giám sát sở hữu chéo
- Lãi suất là một trong những yếu tố tác động tới khả năng tăng trưởng tín dụng. Hiện nay, lãi suất đang có xu hướng tăng. Theo ông, lãi suất sẽ tăng với mức độ như thế nào trong thời gian tới? Và điều này sẽ tác động thế nào tới tăng trưởng tín dụng?
PGS.TS Phạm Thế Anh: Mặt bằng lãi suất hiện tại vẫn đang thấp hơn so với giai đoạn trước Covid-19. Lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng hiện chỉ khoảng 5% – 5,5% thôi, khá lý tưởng.
Lãi suất quả thực đã định hình xu hướng tăng, tuy nhiên, tôi cho rằng mức tăng này sẽ không mạnh, bởi nhiều nguyên nhân.
Một là giai đoạn trước đó, lãi suất ở Việt Nam đã được “ép” xuống mức rất thấp, nên đến giai đoạn này, thị trường điều chỉnh tăng để tìm điểm cân bằng là bình thường.
Hai là sức ép lạm phát không lớn. Theo tôi, đỉnh lạm phát đã rơi vào 1 – 2 tháng trước, tức lạm phát đang và sẽ giảm dần. Nguyên nhân là sức mua trong nước không mạnh, trong khi cung ứng hàng hóa tốt hơn nhiều, chưa kể hàng hóa Trung Quốc đang tràn vào với giá rẻ hơn do kinh tế nước này suy yếu và Nhân dân tệ mất giá. Áp lực lạm phát không lớn, kể cả khi đã tăng lương cơ bản. Đây là yếu tố khiến lãi suất không tăng mạnh trong những tháng cuối năm.
Nhìn rộng ra, một số ngân hàng trung ương lớn trên thế giới đã bắt đầu cắt giảm lãi suất. Mỹ nhiều khả năng sẽ cắt giảm lãi suất, được kỳ vọng sẽ diễn ra trong tháng 9/2024. Vì thế, áp lực tăng lãi suất để bảo vệ tỷ giá cũng giảm bớt.
Một điều lưu ý khác là định hướng điều hành chính sách tiền tệ hiện nay của Việt Nam tương đối nhất quán là cung cấp thanh khoản cho thị trường, không để xảy ra cú sốc thanh khoản. Hệ thống sẵn sàng cấp vốn cho doanh nghiệp và người dân, miễn là đủ điều kiện. Song vấn đề là doanh nghiệp có đủ điều kiện vay vốn hay không.
- Tăng trưởng tín dụng liên quan mật thiết tới tăng trưởng GDP. Vậy với triển vọng tăng trưởng tín dụng như vậy, tăng trưởng GDP năm nay sẽ thế nào?
PGS.TS Phạm Thế Anh: Tăng trưởng GDP năm nay sẽ dựa vào xuất khẩu, đặc biệt là của khối FDI, và đầu tư công. Tôi cho rằng với những gì đang có, Việt Nam có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP đã đề ra.
- Khuyến nghị của ông đối với nhà điều hành về chính sách tiền tệ?
PGS.TS Phạm Thế Anh: Nếu lãi suất ở mức thấp quá lâu, thị trường tài sản sẽ có những biến động lớn. Thực tế là chúng ta cũng đã trông thấy những biến động đó trong thời gian qua. Đây là điều nhà điều hành phải lưu ý. Tôi cho rằng không có khuyến nghị cố định nào cho một giai đoạn phức tạp như hiện tại, song về cơ bản, việc duy trì một mức lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng quanh mốc 6% có thể là một lựa chọn phù hợp.
Mặt khác, tôi nhấn mạnh mục tiêu quan trọng hiện nay là phải xây dựng được cơ chế giám sát rủi ro liên quan đến sở hữu chéo và nợ xấu trong hệ thống ngân hàng. Nợ xấu đang tăng lên. Những gì đang được phô bày chưa phải là những gì đang xảy ra, do Thông tư 02 đang tạo ra một bức rèm che đi nợ xấu. Trong điều hành, lo xa thì đỡ phải nghĩ gần. Vì vậy nhà điều hành nên tính các phương án cho tương lai từ bây giờ.
- Xin cảm ơn ông!
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu