Ngoài việc xin lỗi công khai, người dân chịu án oan cần được đền bù thỏa đáng |
"Nhất nhật tại tù" bằng 5 ngày tại ngoại!
Liên quan đến bồi thường oan sai, ông Trần Việt Hưng, Phó cục trưởng Cục bồi thường nhà nước (Bộ Tư pháp) cho biết: Luật TNBTN sửa đổi làm rõ hơn các thủ tục trong yêu cầu bồi thường theo hướng công khai minh bạch, nâng cao trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong việc bồi thường, hỗ trợ người dân thu thập tài liệu chứng cứ chứng minh thiệt hại,...
Tuy nhiên, việc hoàn trả chi phí thiệt hại vẫn chỉ mang tính chất tượng trưng. Việc hoàn trả chỉ mang tính nâng cao tinh thần trách nhiệm trong thực hiện công vụ của công chức. Và cũng không làm người công chức đó rụt rè trong việc đưa ra các quyết định trong quá trình thực hiện công vụ để đảm bảo hiệu quả công việc. Và để đảm bảo quyền công dân chứng minh thiệt hại của mình, trong dự thảo mới quy định quá trình xác minh, thương lượng người bị thiệt hại vẫn có thể đưa ra chứng cứ, chứng minh thiệt hại của mình.
Về mức bồi thường, theo ông Trần Việt Hưng, luật mới nâng cao mức bồi thường thiệt hại từ 3 ngày lương/ngày phạt tù thì nay nâng lên 5 ngày lương/ngày phạt tù. "Mức bồi thường này trên thực tế không đáp ứng được mức thiệt hại mà người bị thiệt hại phải gánh gánh chịu. Việc nâng lên mức bồi thường cũng hi vọng bù đắp được phần nào tổn thất cho người bị thiệt hại" - Phó cục trưởng Cục bồi thường nhà nước chia sẻ.
Một trong những nội dung được các đại biểu quan tâm trong dự thảo Luật là việc tạm ứng kinh phí bồi thường cho người bị hại. Theo đó, ngay sau khi thụ lý hồ sơ yêu cầu bồi thường, người giải quyết bồi thường xác định một khoản tiền cho các thiệt hại có thể tính được ngay thì có trách nhiệm đề xuất Thủ trưởng cơ quan giải quyết bồi thường tạm ứng kinh phí để chi trả một phần khoản tiền đó cho người yêu cầu bồi thường…"Đây là một phương án tối ưu, đang được lấy ý kiến rộng rãi để hoàn thiện và bổ sung vào luật. Việc người bị hại được tạm ứng tiền bồi thường oan là rất cần thiết để đưa vào luật. Vì hầu hết người bị oan sai, bị hại sau thời gian thụ án khi ra tù đều rất khó khăn về kinh tế vì vậy việc tạm ứng này sẽ giúp hỗ trợ cuộc sống cho họ"- ông Trần Việt Hưng cho biết thêm.
Dân đang phải "bơi" trong biển văn bản Luật!
Phát biểu tại sự kiện, GS.TS Lê Minh Tâm, Phó chủ tịch Hội luật gia Việt Nam cho biết: So với thực tế hiện nay, Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (gọi tắt là TNBTNN) còn nhiều bất cập và hạn chế. Để khắc phục cần điều chỉnh các vấn đề liên quan đến về phạm vi các lĩnh vực hoạt động có trách nhiệm bồi thường của nhà nước; về chủ thể và yếu tố lỗi của chủ thể trong quan hệ trách nhiệm bồi thường nhà nước; về căn cứ xác định trách nhiệm bồi thường của nhà nước; về nguyên tắc, trình tự, thủ tục giải quyết việc bồi thường của nhà nước; về trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ gây ra thiệt hại….
"Luật hiện nay có quá nhiều quy định nên người dân đang phải bơi trong biển văn bản, gây phiền hà, kéo dài thời gian chi trả bồi thường do người thi hành công vụ thực hiện sai"- GS.TS Lê Minh Tâm bày tỏ.
Còn luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch thường trực Trọng tài thương mại Luật gia Việt Nam cho rằng, luật TNBTNN năm 2009 với trình tự thủ tục bồi thường chưa chặt chẽ, thiếu tính toàn diện, thủ tục rườm rà, chưa tạo điều kiện thuận lợi cho người bị thiệt hại cũng như cơ quan có trách nhiệm giải quyết bồi thường…Hầu như chưa có vụ việc nào cấp kinh phí bồi thường, chi trả tiền bồi thường đúng thời hạn.
"Trường hợp “người tù thế kỷ” Huỳnh Văn Nén với vụ án oan sai đi vào lịch sử ngành tố tụng hình sự Việt Nam. Ngày 11/4/2016, ông Nén người duy nhất tại Việt Nam 2 lần bị kết án oan trong 2 vụ giết người và ngồi tù oan 17 năm đã gửi đơn tới TAND tỉnh Bình Thuận yêu cầu bồi thường thiệt hại số tiền 18 tỷ đồng. Nhưng cho đến nay trải qua nhiều thủ tục phức tạp, nhiều lần thương lượng nhưng ông Nén vẫn chưa nhận được mức bồi thường thỏa đáng để bù đắp và khắc phục những thiệt hại về mọi mặt mà ông và gia đình phải gánh chịu suốt 17 năm.
Nếu thủ tục còn phức tạp rườm rà không được sửa đổi thì vô hình chung luật pháp đã trở thành rào cản cho người dân thực hiện quyền dân chủ của mình, điều này đi ngược lại với tinh thần của Hiến pháp 2013”- Luật sư Nguyễn Văn Hậu nhấn mạnh.