Theo quyết định này, tổ công tác có nhiệm vụ nắm bắt tình hình thực hiện ở các địa phương, ý kiến, kiến nghị, phản ánh của người dân và doanh nghiệp; phối hợp với các địa phương giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc cấp giấy chứng nhận; Kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật đối với các cơ quan, tổ chức trong việc cấp giấy chứng nhận.
Đồng thời phát hiện những khó khăn, vướng mắc để báo cáo và đề xuất với Bộ trưởng các giải pháp tháo gỡ trong việc cấp giấy chứng nhận cho các địa phương; kiến nghị sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật để ban hành theo thẩm quyền hoặc báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền.
Tổ công tác liên ngành tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ.
Tổ công tác được chia làm 3 tổ: Tổ thứ nhất do Lãnh đạo Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường làm Trưởng đoàn, thực hiện thanh kiểm tra tại các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Bắc Ninh, Phú Thọ, Hải Phòng; Tổ thứ hai do Lãnh đạo Vụ Pháp chế (Bộ Tài nguyên và Môi trường) làm Tổ trưởng triển khai tại các tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Ngãi, Bình Thuận và Tổ thứ ba do Lãnh đạo Tổng cục Quản lý Đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường) làm Tổ trưởng. Tổ thứ ba sẽ thực hiện thanh tra trên địa bàn các tỉnh, thành phố: TP.HCM, Bà Rịa – Vũng Tàu, Cần Thơ, Long An và Bình Dương.
Trong quá trình làm việc, Tổ công tác phải có sự phối hợp chặt chẽ với Cấp ủy đảng, Chính quyền và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp để tạo sự đồng thuận cao trong quá trình giải quyết các vướng mắc, đòi hỏi chính đáng của nhân dân; tạo không khí phấn khởi, tin tưởng của nhân dân vào chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước về đất đai.
Đảm bảo quyền được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của người dân. |
Các thành viên Tổ công tác đặc biệt phải am hiểu lĩnh vực đất đai và các lĩnh vực liên quan đến đất đai như quản lý quy hoạch, quản lý nhà ở. Khi đến làm việc với các tỉnh, thành phố, phải có sự tham gia của Sở Tài nguyên và Môi trường và Văn phòng Đăng ký đất đai các địa phương đó.
Các thành viên Tổ công tác ngoài việc làm việc trực tiếp với cơ quan cấp giấy chứng nhận để nắm bắt những thông tin dựa trên báo cáo, sổ sách còn cần phải tiếp xúc, làm việc trực tiếp với người dân, những người đang có nhu cầu, hoặc đang làm “sổ đỏ”.
Đoàn có trách nhiệm cấp sổ đỏ cho nhân dân để đảm bảo việc bảo vệ quyền lợi cho doanh nghiệp và người dân vì cấp sổ đỏ là quyền sở hữu đất đai và nhà ở cũng như đảm bảo các quyền lợi khác của người dân. Bộ trưởng yêu cầu khắc phục triệt để tình trạng doanh nghiệp, hoặc người dân đang sử dụng đất mà không được cấp Giấy chứng nhận.
Đặc biệt, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, phải làm rõ đâu là những vấn đề nhũng nhiễu của đội ngũ công chức, viên chức đang làm việc trong lĩnh vực này. Cần làm rõ đâu là nguyên nhân đến từ cơ chế, chính sách liên quan đến những văn bản quy phạm pháp luật, những thủ tục hành chính khiến tình trạng khó khăn trong cấp giấy chứng nhận. Từ đó, nếu xác định nguyên nhân gây khó khăn, nhũng nhiễu là do cán bộ công chức, viên chức thì xử lý ngay những cá nhân đó. Nếu xác định nguyên nhân đến từ cơ chế chính sách thì kiên quyết thay đổi cho phù hợp.
Trước đó, trong cuộc họp khẩn với các cơ quan chuyên môn của Bộ TN&MT về việc rà soát chấn chỉnh trong thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến đất đai chiều ngày 4/5, Bộ trưởng Trần Hồng Hà chỉ đạo khẩn trương lập Tổ công tác để giải quyết tháo gỡ các vướng mắc trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
Theo đó, Bộ trưởng Trần Hồng Hà chỉ đạo Tổng cục Quản lý đất đai chủ trì, khẩn trương tham mưu trình Bộ thành lập Tổ công tác liên ngành với sự tham gia của các Bộ: Tài chính, Xây dựng, Tư pháp; Thanh tra Bộ TN&MT, Vụ Pháp chế - Bộ TN&MT và các đơn vị có liên quan.
Theo Tin tức