Đây là những chỉ đạo mới nhất của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long tại cuộc họp trực tuyến sáng nay, 5/2, với 11 địa phương có dịch COVID-19.
Thay đổi phương thức cách ly với trẻ dưới 5 tuổi
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, thời gian qua cả nước đã thực hiện nghiêm việc cách ly tập trung. Tuy nhiên, để giúp các gia đình có trẻ em phải cách ly yên tâm, Bộ Y tế đề nghị các địa phương cần phải phân loại hai nhóm trẻ để thực hiện cách ly.
Nhóm trẻ dưới 5 tuổi có thể thực hiện cách ly tại nhà nghiêm ngặt do chính quyền địa phương chịu trách nhiệm và có điều kiện đi kèm như: chỉ được một người trông; người trông phải có sức khỏe tốt và gia đình đó không có người già, không có bệnh nền. Việc này, Bộ Y tế đã thực hiện tại Cẩm Giàng, Hải Dương và một số địa phương khác có hiệu quả.
Với trẻ trên 6 tuổi, áp dụng mô hình phân kỳ cách ly tập trung. Trẻ sẽ được áp dụng cách ly tập trung trong 7 ngày đầu và lấy mẫu ngày thứ 1, thứ 3 và ngày thứ 7. Khi trẻ có kết quả âm tính, trẻ sẽ được cách ly tại nhà theo quy định rất nghiêm ngặt với sự giám sát của chính quyền địa phương.
Các địa phương báo cáo tình hình dịch với Bộ trưởng Bộ Y tế |
Tuy nhiên, Bộ trưởng nhấn mạnh: Chính quyền địa phương là đơn vị cuối cùng quyết định việc cách ly tại nhà của trẻ.
Ngay sau chỉ đạo của Bộ trưởng Y tế, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền cho biết Hà Nội đang cách ly tập trung 60 trẻ tại Trường Tiểu học Xuân Phương và 116 người khác, trong đó có cả người thân các bé.
Với việc thay đổi về việc cách ly với trẻ theo chỉ đạo của Bộ Y tế, ngay hôm nay, Hà Nội sẽ cho xét nghiệm lại với các trẻ này, nếu âm tính có thể đưa các con trở về trước Tết nguyên đán và được cách ly nghiêm ngặt tại nhà.
Đề nghị xử lý bệnh nhân không hợp tác
Ông Nguyễn Khắc Hiền cho biết đến 8h sáng nay, Hà Nội đã có 23 ca dương tính. Trong đó, một trường hợp liên quan đến Quảng Ninh, còn lại liên quan đến Hải Dương. Đặc biệt có 5 trường hợp trực tiếp đi từ Hải Dương về lây cho 17 người khác Ông Hiền cũng báo cáo với Bộ trưởng về việc BN 1883 khai y tế không thành khẩn, gây khó khăn trong việc truy vết, dẫn đến chậm có biện pháp xử lý.
Theo ông Hiền, BN 1883 di chuyển nhiều với lịch trình tương đối phức tạp, đặc biệt khai báo thông tin y tế không thành khẩn, nên gây khó khăn trong chỉ đạo, truy vết. Việc bệnh nhân không hợp tác khi khai báo y tế đã dẫn đến việc xử lý chậm. Vì thế, ông Hiền đề nghị có biện pháp xử lý với các trường hợp quanh co không khai báo hoặc khai báo không thành khẩn.
BN 1883 là công chứng viên tại văn phòng công chứng số 3, Duy Tân, Cầu Giấy. Ngày 4/2, CDC Hà Nội phát hiện thêm một ca dương tính là F1 của bệnh nhân này, nên đã khoanh vùng cách ly toàn bộ tòa nhà 88 Láng Hạ. Ông Hiền cho biết cả đêm qua, ngành y tế đã tiến hành truy vết, tăng cường 5 tổ lấy mẫu từ Thanh Trì sang hỗ trợ y tế Đống Đa lấy mẫu xét nghiệm toàn bộ người dân ở đây, tổng 934 mẫu.
Với kết quả xét nghiệm, Hà Nội sẽ trích xuất, truy vết để có phương án cách ly từng tầng hay cả tỏa nhà.
Ca dương tính mới nhất của TP là bệnh nhân nữ, 48 tuổi, F1 của BN 1866- là vợ của bệnh nhân này, đã được cách ly tập trung.
Cuộc họp trực tuyến giữa Bộ Y tế và các địa phương |
Về ca xử lý ngày 4/2 tại nhà 88 Láng Hạ, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long đánh giá Hà Nội đã xử lý nhanh gọn, bài bản và hiệu quả. Bộ trưởng cũng yêu cầu xét nghiệm nhanh toàn bộ khu dân cư, có thể giải phóng một số khu vực, tiến hành cách ly theo tầng hoặc nơi bệnh nhân đi đến. Hà Nội cần truy vết triệt để, giảm thiểu tác động đến người dân ở vùng xa khu vực đó.
Tăng tốc xét nghiệm
Trước đây, Bộ Y tế đã chỉ đạo các địa phương xét nghiệm gộp mẫu, thường là gộp 5 mẫu. Tuy nhiên, để đẩy nhanh tốc độ xét nghiệm, Bộ trưởng yêu cầu Quảng Ninh và Hải Dương có thể gộp tới 15-16, gộp mẫu gia đình. Nhóm mẫu nào có trường hợp dương tính sẽ lập tức cách ly toàn bộ và tiến hành lấy mẫu làm lại lần thứ 2 để xác định ca dương tính.
"Tổng số hộ gia đình tại Hạ Long là 30 nghìn hộ, nhưng khuyến cáo của chúng tôi là lấy ở khu có người nhiễm trước, rồi mới lấy rộng ra các hộ khác. Các Viện sẽ hỗ trợ địa phương làm gộp mẫu”- Bộ trưởng nhấn mạnh.
Hiện nay nhiều địa phương gặp khó khăn trong lưu thông hàng hóa trong khi Tết Nguyên đán cận kề, ảnh hưởng lớn tới cuộc sống của nhiều người dân. Vì thế, Bộ Y tế đề nghị các địa phương nếu có công suất xét nghiệm tự bảo đảm được thì có thể cho lưu thông, vận chuyển hàng hóa từ khu vực có dịch ra ngoài thông qua kiểm soát chặt chẽ dịch và người chuyên chở hàng hóa.
Với những tài xế vận chuyển hàng hóa thì phải xét nghiệm hai ngày/lần. Trong lúc vận chuyển phải áp dụng các biện pháp phòng chống dịch; hạn chế tiếp xúc với người khác; ghi chép lại người và địa điểm mình giao hàng… để sớm giải tỏa hàng hóa. Biện pháp này vừa bảo đảm công tác phòng, chống dịch, vừa bảo đảm lưu thông hàng hóa cho người dân trong dịp Tết nguyên đán.
Không được “ngăn sông cấm chợ”, nhưng Bộ trưởng cũng nhấn mạnh: Địa phương nào để xảy ra dịch trong việc này sẽ phải chịu trách nhiệm.
Khẩn trương hỗ trợ Điện Biên chống dịch
Với sự xuất hiện 6 ca dương tính với virus SARS-CoV-2 vào sáng nay, Điện Biên trở thành tỉnh thứ 11 trên cả nước có dịch COVID-19. Các ca bệnh đều xác định được nguồn lây từ Hải Dương.Hiện F1 đã đượccách ly tập trung.
Điện Biên cho biết vào dịp Tết, người lao động, học sinh, sinh viên trở về địa phương nhiều, công tác truy vết F1, F2 khó khăn vì địa bàn rộng, đa số người dân là đồng bào dân tộc thiểu số, nhận thức hạn chế, người dân chưa tự giác khai báo. Bên cạnh đó, năng lực xét nghiệm ở địa phương không đáp ứng yêu cầu. Do đó, Điện Biên đề nghị Bộ Y tế chi viện cả về trang thiết bị lẫn chuyên gia.
Bộ trưởng Bộ Y tế lưu ý dịch tại Điện Biên là do di chuyển từ Hải Dương lên. Thực tế, có hiện tượng một số nhà xe gom khách từ vùng có dịch đi các địa phương khác và trốn cách ly. Điều này rất nguy hiểm, vì thế, các địa phương phảihết sức lưu ý.
Trước diễn biến mới này ở Điện Biên, Bộ Y tế yêu cầu Bệnh viện Bạch Mai vàViện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cử ngay cán bộ lên hỗ trợ Điện Biên. Còn về trang thiết bị, dụng cụ phòng hộ, Điện Biên cần có văn bản gửi về Bộ Y tế để xuất cấp.
Theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Y tế, 14h chiều nay, 5/2, các chuyên gia, bác sĩ của 2 đơn vị trên phải lên ngayĐiện Biên. Đồng thời, Bộ trưởng cũngyêu cầu Điện Biên tiếp tục tăng cường truy vết kỹ lưỡng, tránh bị bỏ sót, vì Điện Biên có tính khác biệt là không thể quây cả khu mà phải áp dụng chủ yếu là truy vết, cách ly. Phải đẩy nhanh xét nghiệm ưu tiên F1. Với trường hợp F2 thì cách ly tại nhà.