Đêm 10/7 Nhà Văn hóa Trung tâm Hà tĩnh với sức chứa 700 chỗ ngồi đã phải gồng mình chống đỡ với gần 1000 khán giả…Có lẽ lâu lắm rồi ở đây mới có một sự kiện văn hóa có nhiều người tham gia đến vậy.
Dự đêm công diễn có sự tham gia của những nhân chứng sống đã từng chiến đấu ở Ngã ba Đồng Lộc như Anh hùng La Thị Tám, Anh hùng Uông Xuân Lý, Anh hùng Nguyễn Tri Ân, các cựu thanh niên xung phong và đông đảo người dân tham dự.
Vở kịch Khoảng trời con gái tái hiện lại những khoảng khắc của 10 cô gái tại Ngã Ba Đồng Lộc Anh hùng
|
Vở kịch được xây dựng theo hướng tích hợp để tận dụng có hiệu quả các thể loại nghệ thuật và phương tiện kỹ thuật hiện đại; cố gắng tái hiện chân thật sự thật lịch sử như nó vốn có; sử dụng tối đa ngôn ngữ địa phương và những thủ pháp nghệ thuật ẩn kín đến mức giản dị, trong sáng nhất”.
Khi cánh màn nhung sân khấu được mở, sự xuất hiện của những nhân vật Tiểu đội 4, đại đội 2, tổng đội 55 Thanh niên xung phong có tên tuổi 10 cô gái thanh niên xung phong đã hy sinh ở Ngã Ba Đồng Lộc đã làm cả Nhà hát lặng im đầy xúc động… và cứ thế khi mỗi hồi, mỗi cảnh trên sân khấu thay đổi đã làm cho khán giả không kìm nỗi nước mắt.
Nghệ sĩ Nhân dân Hồng Lựu khi ra giới thiệu chương trình đã nghẹn ngào không nói nên lời phải mất gần một phút sau mới giới thiệu tiếp được. Tôi cũng đã từng xem nhiều tác phẩm nghệ thuật, cũng đã xúc động rơi nước mắt, nhưng có lẽ đây là lần đầu tiên tôi có cảm xúc đến vậy…
Với ngôn ngữ địa phương cùng sự phản ánh chân thật về những người anh hùng mà gần gũi giản dị, mộc mạc đã tạo cho người xem một tình cảm đặc biệt…Nhìn sang hàng ghế bên cạnh, tôi thấy chị nữ Anh hùng La Thị Tám nước mắt đầm đìa cùng sự sụt sùi của những đại biểu cựu thanh niên xung phong ngồi bên cạnh. Sau vở diễn tôi có gặp lại chị La Thị Tám, chị nói thật tuyệt vời, thật xúc động; chị như được sống lại những năm tháng hào hùng đó, vở kịch phản ánh rất chân thật.
Bà Ngô Thị Bé, một cựu thanh niên xung phong nói với tôi: Tôi khóc suốt từ đầu đến cuối vở kịch, nước mắt cứ tự chảy ra, ôi thương lắm những đồng đội của tôi… Còn bà Nguyễn Thị Hằng 62 tuổi thi nói: Tôi là người đã sống ở Đồng Lộc những năm ác liệt đó, tôi thấy vở kịch đã phản ánh đúng như những gì đã diễn ra.
Đêm diễn tối 12/7 tại chính ngã ba Đồng Lộc, một không gian rộng mở thoáng đảng với sức chứa hàng chục ngàn người, vậy mà cũng gần như kín. Nghe tin có văn công về diễn về 10 cô gái Đồng lộc nên bà con các xã, huyên gần đó đã tranh thủ cơm nước sớm từ chiều để đến xem chương trình. Cũng như đêm trước tại đây khán giả im phăng phắc xúc động như nuốt từng lời ca, lời thoại và nhiều người không kìm nén nỗi những giọt nước mắt cứ tuôn trào.
Sự hi sinh đầy dũng cảm của 10 cô gái đã trở thành biểu tượng của lòng dũng cảm, ý chí kiên cường cho thế hệ mai sau học tập và noi theo
|
Cảm nhận chung của mọi người khi xem xong vở diễn đều nói thật xúc động, chân thật, các anh chị diễn viên hát rất hay. Đặc biệt trong hai đêm diễn đều có sự có mặt của các cựu thanh niên xung phong ngã ba Đồng lộc, các anh hùng lực lượng vũ trang đã từng sống chiến đấu tại đây và thân nhân của 10 cô gái hy sinh tại Ngã ba oanh liệt này.
Ban Tổ chức chương trình đã trao các phần quà cho một số cựu TNXP và người thân của 10 cô gái. Nhà hát dân ca Nghệ An tặng thân nhân 10 cô gái mỗi gia đình 1 triệu đồng.
10 cô gái hy sinh ở ngã ba Đồng Lộc
|
Có thể nói “Khoảng trời con gái” của tác giả Nguyễn Sĩ Đại do Viện nghiên cứu Truyền thông văn hóa dân tộc thực hiện với hình thức xã hội hóa đúng dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng Ngã ba Đồng Lộc do Nhà hát dân ca Nghệ an biểu diễn đã để lại cho nhân dân Hà Tĩnh nói chung và huyện Can Lộc nói riêng một sự biết ơn trân trọng. Vở kịch đã thực sự chinh phục được khán giả Hà Tĩnh.
Tác giả Nguyễn Sĩ Đại, quê ở Phú Lôc, Can Lộc. Ông là TS Văn học, nguyên là Phóng viên Cao cấp báo Nhân dân, hiện là Thành viên Hội đồng Thẩm định Truyền hình Nhân dân; Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội. Ông là người từng đội bom đạn ở quê mình thập kỷ 60, từng sống với Tổng đội Thanh niên xung phong 55, là chiến sỹ quan đội. Đây chính là đề tài máu thịt, là chất thơ, là tình yêu chảy trong huyết quản của Nguyễn Sĩ Đại. |