Khó có chiến tranh liên Triều

Trong khi cuộc đàm phán nhằm xoa dịu tình hình bước sang ngày thứ ba hôm 24-8 vẫn chưa rõ kết quả, báo Rodong Shinmun, cơ quan ngôn luận chính thức của Đảng Lao động Triều Tiên, chỉ trích Hàn Quốc và Mỹ bằng 6 trang báo, đồng thời kêu gọi người dân chuẩn bị cho chiến tranh, đoàn kết bảo vệ chế độ.
Binh sĩ Hàn Quốc canh gác tại một trạm kiểm soát gần biên giới với Triều Tiên hôm 24-8 Ảnh: REUTERS
Binh sĩ Hàn Quốc canh gác tại một trạm kiểm soát gần biên giới với Triều Tiên hôm 24-8 Ảnh: REUTERS

Đối với Triều Tiên, việc để diễn ra một cuộc xung đột quân sự toàn diện là tự sát !

Báo Rodong Shinmunkhẳng định Seoul đã đẩy tình hình chính trị trên bán đảo lên đến mức độ nguy hiểm theo kế hoạch cùng Mỹ xâm lấn Triều Tiên. Trong khi đó, hãng thông tấn KCNA cho biết phía Hàn Quốc đã đặt toàn bộ cơ quan chính phủ vào tình trạng báo động khẩn cấp và cấm các nhân viên quân sự rời vị trí. Để đối phó, theo KCNA, hơn 1 triệu thanh niên Triều Tiên đăng ký nhập ngũ kể từ khi nhà lãnh đạo Kim Jong-un đặt quân đội ở tiền tuyến trong tình trạng chiến tranh hôm 22-8.

Hôm 24-8, các nguồn tin quân sự Hàn Quốc tố 20 tàu đệm khí đổ bộ của Triều Tiên đã ra đến vùng biển cách đường biên giới trên Hoàng Hải chỉ 60 km. Về phần mình, Hàn Quốc tuyên bố đang cùng Mỹ cân nhắc thời điểm đưa máy bay ném bom chiến lược B-52 và tàu ngầm hạt nhân của Mỹ sang Hàn Quốc. Cùng ngày, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye cứng rắn tuyên bố sẽ tiếp tục chương trình phát thanh qua loa dọc biên giới nếu Triều Tiên không công khai xin lỗi về vụ nổ mìn khiến 2 binh sĩ Hàn Quốc bị thương vào đầu tháng này.

Dù đây không phải lần đầu hai miền Triều Tiên “khẩu chiến” nhưng theo hãng tin AP, lần này có không ít khác biệt.

Nhiều năm qua, Triều Tiên đã nhiều lần cất lên điệp khúc đe dọa nhấn chìm láng giềng “trong biển lửa” nhưng Hàn Quốc vẫn bình yên. Tuy nhiên, vụ đấu pháo vài ngày trước đó cho thấy Bình Nhưỡng có thể hiện thực hóa lời đe dọa tấn công các loa phát thanh tuyên truyền của Seoul ở biên giới. Nguy cơ mọi chuyện vượt ngoài tầm kiểm soát càng tăng bởi Tổng thống Park Geun-hye đã ra lệnh cho quân đội đáp trả mạnh hơn nếu bị tấn công.

Cảm giác lo ngại còn xuất phát từ sự không chắc chắn của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Hãng tin AP nhận định: Ông Kim Jong-un không có đủ kinh nghiệm, sự khôn khéo và cố vấn tốt như 2 nhà lãnh đạo tiền nhiệm Kim Nhật Thành và Kim Jong-Il - những bậc thầy của chính sách “bên miệng hố chiến tranh”. “Họ biết cách chơi trò chơi nguy hiểm, đẩy những lời hăm dọa và khiêu khích lên đỉnh điểm căng thẳng - nhưng chưa đến mức nổ ra xung đột - để đạt được nhượng bộ và viện trợ” - bài viết nhận định.

Thế nhưng, vẫn có những dấu hiệu quan trọng cho thấy căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên sẽ xuống thang. Tuy được đánh giá là nhân vật không thể đoán trước, nhà lãnh đạo Kim Jong-un trước sau như một luôn giữ vững quan điểm: Sự lãnh đạo của dòng họ Kim phải được bảo vệ. Do đó, Triều Tiên sẽ không làm bất cứ điều gì gây nguy hại cho vị trí đầy quyền lực mà dòng họ Kim đã có được từ khi thành lập nhà nước vào năm 1948.

Ngoài ra, đối với Bình Nhưỡng, việc để diễn ra một xung đột quân sự toàn diện là tự sát trong khi 28.000 binh sĩ Mỹ đóng quân ở Hàn Quốc còn vũ khí của Triều Tiên lại thua kém về công nghệ và hiệu quả. Hơn nữa, với việc 80.000 quân Mỹ và Hàn Quốc đang tham gia cuộc tập trận thường niên “Người bảo vệ tự do Ulchi”, đây rõ ràng không phải là thời điểm thích hợp để gây chiến.

Biên giới Trung - Triều cũng nóng?

Đại sứ quán Hàn Quốc ở Bắc Kinh hôm 24-8 ban bố cảnh báo đi lại, khuyên công dân mình không đến các khu vực ở Trung Quốc giáp biên giới Triều Tiên. Cảnh báo trên được đưa ra sau khi cư dân mạng Trung Quốc đăng tải hình ảnh xe bọc thép và xe tăng đi qua các đường phố tại TP Diên Cát, tỉnh Cát Lâm. Khu vực này được xem là trung tâm thương mại trọng điểm giữa Trung Quốc và Triều Tiên, cách biên giới 2 nước chưa đến 30 km.

Theo NLĐ