Việc Type 075 biên chế cho Hạm đội Nam Hải sở dĩ được truyền thông quốc tế và khu vực quan tâm bởi loại tàu này từng được truyền thông Trung Quốc ca tụng là “đoạt đảo thần khí” (vũ khí thần thánh để đánh chiếm đảo bãi) được chế tạo cho mục đích “vũ thống Đài Loan” và “thu phục đảo bãi”. Mới đây, trong chuyên mục "Tin quốc phòng buổi sáng" kênh quân sự Đài CCTV của Trung Quốc đã công bố đoạn video về quá trình huấn luyện chiếc tàu tấn công đổ bộ Type 075 đầu tiên của Hải quân Trung Quốc khiến dư luận chú ý.
Tàu Hải Nam neo tại căn cứ Tam Á với các trực thăng Z-8 đậu trên boong (Ảnh: Đa Chiều). |
Theo trang tin Đa Chiều ngày 25/4, trong những hình ảnh do Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) của Trung Quốc công bố đã tiết lộ những hình ảnh hoạt động diễn tập trước đó của tàu tấn công đổ bộ Type 075, bao gồm máy bay trực thăng Z-8 cất và hạ cánh, tàu đổ bộ đệm khí Type 726A (NATO gọi là Yuyi-class LCAC) và các xe chiến đấu lội nước rời khỏi và quay trở lại tàu.
Tàu Hải Nam huấn luyện thả tàu đổ bộ đệm khí Type 726 (Ảnh: CCTV). |
Trước đó, vào ngày 23/4, nhân kỷ niệm 72 năm ngày thành lập Hải quân Trung Quốc, ông Tập Cận Bình đã trao cờ hiệu cho các tàu khu trục Type 055 Đại Liên, đổ bộ Type 075 Hải Nam và tàu ngầm chiến lược Type 094A Trường Chinh 18 tại căn cứ Tam Á ở Hải Nam; sau đó đích thân lên tàu đổ bộ tấn công Hải Nam duyệt đội ngũ, kiểm tra vũ khí trang bị, trao đổi với binh lính và ký vào nhật ký hàng hải của tàu.
Tàu đổ bộ đệm khí Type 726 quay về tàu mẹ Hải Nam (Ảnh: CCTV). |
Tàu Hải Nam dựa trên quy tắc đặt tên tàu của Trung Quốc, tàu sân bay và tuần dương hạm được đặt tên theo các đơn vị hành chính cấp tỉnh (khu tự trị). Chiếu tàu tấn công đổ bộ Type 075 đầu tiên được đặt tên là “Hải Nam”, trở thành con tàu thứ ba được đặt tên theo tỉnh; trước đó là hai tàu sân bay Liêu Ninh và Sơn Đông.
Xe chiến đấu lội nước huấn luyện rời tàu Hải Nam (Ảnh: CCTV). |
Theo dữ liệu Trung Quốc đã công bố công khai, tàu tấn công đổ bộ Hải Nam (số hiệu 31) là loại tàu tấn công đổ bộ Type 075 đầu tiên được đưa vào trang bị. Nó có chiều dài 237 m, rộng 36 m, mớn nước 8,5 m và tốc độ 23 hải lý/giờ. Lượng giãn nước ước tính khoảng 40.000 tấn, có thể chở 30 trực thăng với 6 trực thăng cất cánh cùng lúc, được trang bị các xe tăng lội nước chở quân series K63, xe tăng tấn công đổ bộ tốc độ cao ZTD-05 hoặc xe chiến đấu bộ binh lội nước Type 05. Về vũ khí, nó sẽ được trang bị 2 pháo tầm gần 30mm và 2 hệ thống phóng tên lửa phòng không tầm gần HaiHongqi-10 (HHQ-10).
Xe chiến đấu lội nước quay về tàu Hải Nam (Ảnh: CCTV). |
Tàu Hải Nam được đưa vào biên chế nhằm cập nhật hệ thống năng lực tác chiến đổ bộ của Hải quân PLA, vốn chủ yếu là các tàu vận tải cỡ lớn kiểu cũ. Tàu Hải Nam được khởi đóng vào năm 2018 và hạ thủy tháng 9/2019. Chuyến thử nghiệm trên biển đầu tiên đã được tiến hành vào năm 2020 và bàn giao cho Hạm đội Nam Hải hôm 23/4/2021.
Các máy bay trực thăng trên boong tàu Hải Nám (Ảnh: CCTV). |
Về khả năng tác chiến: tàu Hải Nam có sàn đáp rất lớn, được bố trí 7 điểm cất cánh, có thể huy động ít nhất 6 máy bay trực thăng cất cánh cùng lúc. Theo các bản tin đã được truyền thông Trung Quốc tiết lộ, máy bay trực thăng trên tàu mà nó mang theo có thể là máy bay trực thăng cỡ trung Z-8, là loại máy bay trực thăng vận tải cấp trung đội, mỗi chiếc có thể chở một trung đội bộ binh với đầy đủ trang bị. Ngoài ra, nó còn có thể chở loại trực thăng đổ bộ đường không thân rộng Z-8L. Trực thăng Z-8L có sức chở mạnh hơn, có thể mang theo xe chiến đấu bộ binh địa hình cơ động cao Shanmiao. Loại xe chiến thuật này có thể được trang bị tên lửa chiến thuật và pháo binh để nâng cao khả năng tấn công hỏa lực của bộ đội đổ bộ đường không.
Xe chiến đấu bộ binh Shanmiao đổ bộ từ trực thăng Z-8LTĐB (Ảnh: 163.com). |
Giới quan sát nước ngoài cho rằng dòng trực thăng Z-8C chỉ là một bước quá độ. Máy bay trực thăng trên tàu mà Hải Nam được trang bị trong tương lai sẽ là loại trực thăng đa năng Z-20, tức là loại Z-20 trực thăng đa năng chiến thuật chuyên dùng cho tàu sân bay, có thể chở một tiểu đội bộ binh tiêu chuẩn cùng với các vũ khí được trang bị tăng cường. Máy bay trực thăng dùng cho tàu sân bay Z-20 có tính năng tốt, khả năng cơ động mạnh, được trang bị hệ thống gây nhiễu và cảnh giới báo động mối đe dọa hoàn chỉnh, có khả năng sống sót trên chiến trường mạnh mẽ.
Đặc biệt, cần lưu ý, trực thăng đa năng đổ bộ đường không Z-20 có cánh ngắn ở cả hai bên với giá treo dưới cánh, có thể mang các tên lửa chống tăng, tên lửa không đối không, dàn phóng rocket và đại bác để yểm trợ hỏa lực cho bộ đội đổ bộ đường không.
Ông Tập Cận Bình trao hạm kỳ cho Hạm trưởng tàu Hải Nam (Ảnh: Đa Chiều). |
Ngoài ra, tàu Hải Nam cũng có thể mang trực thăng vũ trang Z-10 sản xuất trong nước để thực hiện các nhiệm vụ như hộ tống, chống tăng, tấn công chính xác mục tiêu trên bộ.
Các loại tàu đổ bộ Type 071 và Type 072 trước đây được biên chế trong Hải quân PLA tập trung vào hoạt động đổ bộ đường thủy, chủ yếu vận chuyển binh lính, xe tăng chiến đấu chủ lực, xe chiến đấu bộ binh lội nước thông qua tàu đổ bộ đệm khí, đồng thời hỗ trợ việc sử dụng máy bay trực thăng. Tàu tấn công đổ bộ Type 075 có thể chở tối đa khoảng 30 máy bay trực thăng, chiếm ưu thế về sức mạnh trên không; vì vậy nó còn được gọi là "tàu sân bay trực thăng". Việc đưa nó vào hoạt động được cho là đã mang lại cho lực lượng Thủy quân lục chiến Trung Quốc khả năng đổ bộ thẳng đứng nhanh chóng.
Ông Tập Cận Bình lên tàu Hải Nam thị sát (Ảnh: Đa Chiều). |
Một số thông số kỹ thuật của tàu Hải Nam (31):
Khởi đóng: 2018; hạ thủy 9/2019; vào biên chế: 23/4/2021
Dài 250m, rộng 36m, mớn nước 8,5m
Nhiên liệu: diesel; động cơ CODAD
Tốc độ lớn nhất: 23 hải lý/h
Hệ thống trinh sát: 3 radar đối không H/LJQ-38 và radar phản ứng nhanh tầm gần và trung bình
Trang bị vũ khí: 2 hệ thống tên lửa phòng không tầm gần trên hạm HHQ-10; 2 hệ thống pháo phòng không tầm gần 11 nòng H/PJ-11 cỡ 30mm.
Khả năng mang: ít nhất 30 trực thăng Z-20, Z-10 và máy bay không người lái.