Trong những năm tháng chiến tranh đó, tình báo Liên Xô cũng như tình báo Đức Quốc xã đã sử dụng trò chơi điện đài để tìm ra ý đồ thực sự của đối phương, cung cấp cho đối phương những thông tin sai lệch về những kế hoạch tác chiến của mình. Trong cuộc đấu trí đầy cam go này, chiến thắng đã thuộc về những sĩ quan tình báo Liên Xô. Một trong những gương mặt tiêu biểu của tình báo Liên Xô là điệp viên hai mang Aleksandr Demyanov.
Khi còn nhỏ, Aleksandr Demyanov sống ở Leningrad, nay là Saint-Peterburg, sau đó sống ở nước ngoài, mà chủ yếu là ở Đức nên rất thông thạo tiếng Đức – và điều này tác động rất nhiều tới sự nghiệp sau này của anh. Một yếu tố nữa góp phần hình thành một sĩ quan tình báo tương lai Aleksandr Demyanov, đó là ngay từ khi còn nhỏ, cậu bé Sasha (tên gọi thân mật của Aleksandr) rất đam mê kỹ thuật, Sasha có thể ngồi hàng giờ để tháo ra, lắp vào các thiết bị, như: radio, máy ảnh v.v…
Sau khi tốt nghiệp phổ thông, Sasha theo học tại Đại học tổng hợp Saint-Peterburg, chuyên nghành Kỹ sư vô tuyến, dưới con mắt của các nhân viên Bộ dân ủy nội vụ Liên Xô (NKVD), sau này là Bộ nội vụ (MVD) của Liên Xô, nay thuộc Liên bang Nga, Sasha – một thanh niên trẻ với tác phong lịch lãm, ngoại ngữ tiếng Đức lưu loát, am hiểu về kỹ thuật – hội tụ gần như đủ những phẩm chất của một nhân viên tình báo. Từ giữa thập niên 30 của thế kỷ trước, Aleksandr Demyanov mang mật danh Heine.
Nhiệm vụ đầu tiên cấp trên giao cho Heine là thâm nhập giới văn nghệ sĩ Moscow. Để thực hiện được điều này, Heine được bố trí làm thợ điện cho hãng Mosfilm – niềm kiêu hãnh một thời của nền điện ảnh Xô Viết. Với ngoại hình chỉn chu, đầy sức cuốn hút, Heine đã tạo dựng rất nhiều mối quan hệ và hòa nhập tương đối tốt với giới điện ảnh thủ đô.
Cũng trong thời điểm đó, các nhân viên của Abver – cơ quan tình báo quân sự Đức Quốc xã cũng đang tích cực trà trộn trong giới văn nghệ sĩ Thủ đô để tìm kiếm và thiết lập các mối quan hệ. Các nhân viên của Abver đã để mắt tới “anh thợ điện điển trai Heine”, chớp lấy cơ hội, Aleksandr Demyanov đã nhiệt tình đón nhận và củng cố lòng tin mà Abver đã giành cho mình.
Không lâu sau, Abver đã xác định Aleksandr Demyanov – tức Heine – là điệp viên đầy triển vọng và có thể làm việc lâu dài cho Abver. Trong những năm Thế chiến II, Heine là một trong những nhân vật chủ trốt trong trò chơi điện đài do cơ quan mật vụ Liên Xô tiến hành với tình báo Đức Quốc xã, một trong những trò chơi đó là chiến dịch “Tu viện”.
Trò chơi với tổ chức “Prestol” (Ngai vàng)
Tháng 2/1942, Aleksandr Demyanov nhận nhiệm vụ : vượt qua chiến tuyến Gzhatska, (nay là thành phố Gagarin, tỉnh Smolensk) sang đầu hàng quân Đức, bãi mìn do lực lượng công binh Liên Xô bố trí bỗng phát nổ, chút nữa thì Điệp viên Heine hy sinh oan uổng.
Đức Quốc xã rất thận trọng tiếp đón vị khách đào ngũ từ phía Hồng quân Liên Xô. Tiếp đó là triền miên những đợt hỏi cung, Heine một mực trung thành, rằng: “Tôi – Aleksandr Demyanov - là một thành viên của một tổ chức quân chủ bí mật “Prestol”, tổ chức này nằm trong khuôn viên của một nhà thờ Novodevichy. Đây là một tổ chức hoạt động bí mật, có tư tưởng chống đối nhà nước Xô Viết, các thành viên của Prestol luôn trung thành với Đức Quốc xã, vì vậy, cơ quan tình báo Đức có thể sử dụng Prestol như một đạo quân thứ 5 để gây bất ổn tình hình trong hậu phương của Liên Xô. Hiện nay, Prestol rất cần vũ khí và thuốc nổ, và mong muốn thường xuyên liên lạc với cơ quan tình báo Đức Quốc xã, Prestol đã giao nhiệm vụ cho tôi vượt biên sang đây để thiết lập quan hệ với các anh để phối hợp thực hiện những ý tưởng này”.
Sau khi điều tra rất kỹ lưỡng, nhân viên tình báo Đức quyết định tuyển dụng Aleksandr Demyanov (Heine), đặt cho Heine bí danh là Maks. Tình báo Đức bố trí một khóa đào tạo nghiệp vụ đặc biệt cho Maks, kết thúc khóa học, điệp viên Maks được tung trở lại hậu phương của Liên Xô với nhiệm vụ: phối hợp cùng Prestol tăng cường hoạt động chống phá nhà nước Xô Viết, thực hiện các hành vi phá hoại các công trình công nghiệp, giao thông. Đức Quốc xã đặt nhiều hy vọng vào tổ chức Prestol, và hứa sẽ tích cực hỗ trợ về tiền bạc và vũ khí cho tổ chức bí mật này. Trên thực tế, đây là kịch bản do mật vụ Liên Xô bố trí Aleksandr Demyanov diễn xuất.
Những chiến công đầu tiên của điệp viên Heine
Tháng 4/1942, theo địa chỉ mà điệp viên Maks (chính là Heine của Liên Xô) đã cung cấp, tình báo quân sự Đức đã gửi cho anh những thông tin đầu tiên, dĩ nhiên những thông tin này sau đó đã thông qua cùng với cơ quan phản gián Liên Xô, nhờ những thông tin đó mà mật vụ Liên Xô đã bắt giữ được hơn 20 tên điệp viên của Đức Quốc xã, thu được 2 triệu rup cùng rất nhiều vũ khí điện đài và các loại giấy tờ giả.
Đồng thời, Maks cũng thường xuyên thông báo về Berlin, rằng tổ chức Prestol hoạt động rất tích cực trong hậu phương Xô Viết, thí dụ như tháng 9/1942, những chiến binh của Prestol đã tiến hành hoạt động khủng bố phá hoại đường sắt ở thành phố Gorky – nay là Nizhny Novgorod (Nga). Trên thực tế đó chỉ là một tai nạn thông thường và không để lại hậu quả gì nghiêm trọng.
Một tháng sau, Maks lại cung cấp cho Berlin một thông tin về vụ nổ tại nhà máy chế tạo máy bay ở Sibiri, và tất nhiên đây cũng là “tác phẩm” của Prestol. Trên thực tế, sự việc ở đây hoàn toàn chẳng có liên quan gì tới cái gọi là Prestol, mà thực chất là việc giải phóng mặt bằng – đánh sập tòa nhà cũ để xây dựng tòa nhà mới – nằm trong chương trình cải tạo nhà máy của quân đội Liên Xô.
Để Đức Quốc xã tin tưởng 100%, điệp viên Aleksandr Demyanov đã phối hợp với cơ quan phản gián Liên Xô cho đăng trên báo Sự thật hình ảnh về vụ nổ để giải phóng mặt bằng đó.
Nghệ thuật moi thông tin
Không lâu sau đó, Maks báo về Berlin rằng anh được điều chuyển công tác về bộ tổng tham mưu của Hồng quân, với vị trí là sĩ quan thông tin. Để tránh trường hợp các thông tin có “độ vênh”, Aleksandr Demyanov cũng đề nghị lãnh đạo của Hồng quân Liên Xô đưa mình vào bộ tổng tham mưu thật. Từ đây, lòng tin, uy tín của anh đối với tình báo Đức Quốc xã nổi như cồn.
Berlin trong bụng khấp khởi mừng vui, rằng: “từ nay, vậy là ta có thể nhận được những nguồn tin quý giá từ lãnh đạo quân sự tối cao của Liên Xô rồi”.
Từ thời điểm đó, rất nhiều thông tin sai lệch được Aleksandr Demyanov gửi về Berlin, nhiều thông tin trong số đó đến nay vẫn chưa được giải mã hết. Dưới đây là một trong những thông tin nghi binh có giá trị mà anh đã gửi cho quân Đức:
Ngày 4/11/1942, điệp viên Maks báo về cho tình báo quân sự Đức rằng: sau 10 ngày nữa, Hồng quân Liên Xô sẽ huy động lực lượng mạnh để tổ chức tấn công trên phương diện quân phía Tây – khu vực thị trấn Rzhev, tỉnh Tver của Nga. Nguồn tin để nghi binh Berlin này được giữ kín đến mức, ngay chính trong nội bộ Bộ Quốc phòng Liên Xô không phải ai cũng được biết, thậm trí ngay cả tư lệnh phương diện quân phía Tây Georgy Zhukov, người trực tiếp chỉ huy chiến dịch “Sao hỏa” cũng không hề hay biết. Zhukov cứ đinh ninh rằng: đây là trận đánh quan trọng và kết cục của nó có liên quan tới số phận của nhà nước Xô Viết, và kiên quyết điều quân xung phong, bất chấp sự hao tổn.
Về phía phát xít Đức, khi được Maks báo về như vậy, Adolf Hitler đã kịp thời dồn quân về khu vực Rzhev để tổ chức phòng thủ chặt chẽ và đẩy lùi các cuộc tấn công của Zhukov. Thế nhưng, kế hoạch đích thực mà Liên Xô muốn thực hiện đó là : tiến hành tổng phản công trên hướng Stalingrad – nay là Volgogra, một thành phố nằm bên bờ sông Volga của Nga – và trên hướng tấn công chính này quân Đức đã gặp rất nhiều bất ngờ, và không thể xác định được đâu là toan tính đích thực của chính quyền Xô Viết.
Năm 1943, cơ quan tình báo Liên Xô tiến hành chiến dịch nghi binh về tình hình chiến sự trên hướng vòng cung Kursk. Thực tế , Hồng quân Liên Xô tập trung phòng thủ trên hướng Orlovsky và Belgorod, không để cho Hitler nắm được con số cụ thể trên hai hướng này, điệp viên Aleksandr Demyanov nhiều lần báo cáo về Berlin rằng: Moscow đã dồn tổng lực trên hướng Kursk, và những nguồn tin này đã thôi thúc Đức Quốc xã tổ chức cuộc tấn công trên hướng Kursk mùa Hè năm 1943. Và kết quả là ngày 5/7/1943, sau khi tổ chức tiến công trên hướng Orlovsky và Belgorod được một tuần, quân Đức buộc phải co về phòng thủ.
Mùa xuân 1944, chảo lửa Korsun–Shevchenkovsky (hữu ngạn sông Dnepr - Ukraine) trở thành mồ chôn 10 sư đoàn quân Đức, cũng là kết quả của chiến dịch nghi binh do tình báo Liên Xô phát động. Sau khi Hitler nắm được thông tin do tình báo Liên Xô cung cấp, rằng: trên hướng Korsun – Shevchenkovsky, Hồng quân Liên Xô sẽ không tập trung sức mạnh tấn công, dẫn tới quân đội Đức đã lơ là phòng thủ. Trên thực tế, Hồng quân Liên Xô đã tăng cường lực lượng, tiến hành bao vây, chia cắt, đập tan 11 sư đoàn của tập đoàn quân phía Nam của quân đội Đức Quốc xã.
Trong cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại của Liên Xô, trò chơi điện đài của tình báo Liên Xô có quy mô lớn nhất là chiến dịch “Berezina”, trong chiến dịch này vai trò chủ chốt vẫn thuộc về Aleksandr Demyanov.
Diễn biến cụ thể của chiến dịch “Berezina”như sau: trong chiến dịch Bagration ở Belarus tháng 8/1944, sau khi đập tan Tập đoàn quân Trung tâm của quân đội Đức Quốc xã, với 25 sư đoàn bị tiêu diệt, giải phóng hoàn toàn lãnh thổ Belarus, Hồng quân Liên Xô tiếp tục tiến về phía Tây, nhưng trong các khu rừng của Belarus còn lại một nhóm binh lính và sĩ quan của Đức bị bắt làm tù binh, tình báo Liên Xô quyết định sử dụng nhóm tàn quân này vào chiến dịch Berezina.
Tình báo Liên Xô đã dựng lên một kịch bản để lừa tình báo quân sự của Đức. Theo kịch bản đó, thì trong số quân Đức đang bị bắt làm tù binh trong rừng của Belarus , có trung tá Gerkhard Sherkhorn, nguyên là trung đoàn trưởng, đang chỉ huy nhóm tàn quân của Đức, tìm cách phá vòng vây. Gerarkh Sherkhorn được đưa về khu vực Berezina, đây cũng chính là địa điểm được cho là căn cứ của tàn quân Đức đang bị bao vây, xung quanh căn cứ này được tình báo Liên Xô dựng hàng rào, bên trong thậm chí còn xây dựng sân bay dã chiến để tiếp nhận các máy bay vận tải. Sau khi đã dàn dựng, bố trí xong, điệp viên Aleksandr Demyanov báo cáo về Berlin rằng: “Hiện nay trong các cánh rừng của Belarus còn rất đông binh lính và sĩ quan của Quân đội Đức, có thể sử dụng lực lượng này để hoạt động, chống phá hậu phương Xô Viết”. Berlin yêu cầu cung cấp thông tin cụ thể về số lượng quân và khả năng tác chiến của họ.
Một tuần sau, Maks báo cáo về Berlin: “Số lượng còn vài nghìn người, rất nhiều người bị thương, tinh thần chiến đấu rất cao, nhưng rất thiếu vũ khí đạn dược”. Ngày 16/9/1944, Hitler đã cử người đến Minsk để trực tiếp gặp Gerarkh Sherkhorn, kịch bản đã diễn ra thuần thục, tới mức Berlin hoàn toàn tin rằng họ vẫn còn một lực lượng đang bị bao vây trong rừng, sẵn sàng nhận lệnh để thay đổi diễn biến chiến sự.
Không lâu sau đó, Quân đội Đức đã tiếp viện vũ khí và 8 bộ điện đài, cơ quan phản gián Liên Xô đã tiếp nhận số hàng này. Chiến dịch Berezina còn được tiếp tục đến khi kết thúc Thế chiến II. Mãi về sau, khi các tài liệu được giải mã thì người Đức mới hiểu rằng: không có đơn vị nào của Đức bị bao vây trong rừng Belarus, đó chỉ là kết quả của trò chơi điện đài do sĩ quan tình báo Liên Xô Aleksandr Demyanov thực hiện.
Huyền thoại về điệp viên hai mang Aleksandr Demyanov của Liên Xô trong Thế chiến II