Huawei vừa công bố mức phí bản quyền cho tất cả lĩnh vực mà công ty đang sở hữu, bao gồm thiết bị cầm tay 4G và 5G, thiết bị Wi-Fi 6 và các sản phẩm IoT, tại sự kiện thường niên về đổi mới sáng tạo và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của Huawei - Bridging Horizons Of Innovations 2023.
Cụ thể, mỗi thiết bị cầm tay 4G và 5G sẽ có mức phí bản quyền tối đa lần lượt là 1,5 USD và 2,5 USD. Mỗi thiết bị người dùng Wi-Fi 6 sẽ có phí bản quyền là 0,5 USD. Với mỗi thiết bị IoT Centric sẽ có phí bản quyền là 1% trên giá bán thực tế, giới hạn ở mức 0,75 USD; còn phí cho mỗi thiết bị IoT nâng cao sẽ dao động trong khoảng 0,3-1 USD.
Được biết, cuối tháng 6/2023, Huawei đã đòi tiền bản quyền sáng chế từ hơn 30 công ty vừa và nhỏ tại Nhật. Việc này giúp Huawei gia tăng doanh thu, trong bối cảnh việc kinh doanh của họ vẫn còn bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt của Mỹ.
Tiền bản quyền bằng sáng chế không bị hạn chế thương mại nên đây có thể là một nguồn thu ổn định cho Huawei. Công ty đã thành lập một trung tâm chiến lược sở hữu trí tuệ tại Nhật Bản để giám sát hoạt động kinh doanh sản phẩm trí tuệ (IP) của mình ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, bao gồm Singapore, Hàn Quốc, Ấn Độ và Australia.
Huawei đã đầu tư dài hạn cho việc nghiên cứu và phát triển (R&D). Trong 10 năm qua, họ đã đầu tư 140,55 tỉ USD cho R&D.
Được biết, thông qua các bằng sáng chế, tổng số tiền bản quyền mà Huawei thanh toán gấp khoảng 3 lần tổng số tiền bản quyền thu được. Doanh thu giấy phép năm 2022 của Huawei lên tới 560 triệu USD.
Tính đến nay, Huawei đã ký gần 200 giấy phép bằng sáng chế song phương. Ngoài ra, hơn 350 công ty đã nhận được giấy phép sử dụng bằng sáng chế của Huawei thông qua mô hình liên kết thương mại hóa sáng chế.