Hồn Việt của ‘quái kiệt AI’ Lê Viết Quốc

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Ít ai biết, ‘quái kiệt’ AI Lê Viết Quốc từng bị loại khỏi lớp chuyên Toán. Ông đặt tên con gái đầu là Victoria, với chữ ‘V’ để nhắc nhở về quê hương Việt Nam.

Le Viet Quoc 2.jpg

Mở đầu bài phát biểu tại lễ tốt nghiệp khóa cử nhân đầu tiên của Đại học Fulbright Việt Nam (FUV), hôm 24/6, tiến sĩ Lê Viết Quốc bày tỏ ngưỡng mộ sự can đảm của các phụ huynh và gia đình của các em sinh viên chuẩn bị tốt nghiệp của khóa 2023. Bởi họ đã gửi gắm tương lai của con mình vào một trường đại học, mà theo ông Quốc, vẫn còn non trẻ.

“Sự can đảm đó đã nhận được kết quả tuyệt vời, là 95 em sinh viên đã sẵn sàng tốt nghiệp, đã được chuẩn bị tốt những kỹ năng để biết cách nắm lấy các cơ hội và không ngần ngại trước những thách thức trong tương lai”, thành viên của Hội đồng Tín thác FUV nói bằng chất giọng Huế đặc trưng.

‘Người Việt thầm lặng ở Google’ kể rằng, ông và vợ đã đặt tên cho đứa con gái đầu lòng là Victoria – với chữ cái đầu ‘V’ để nhắc nhở về Việt Nam. Victoria sẽ được trải nghiệm dịch vụ giáo dục hàng đầu thế giới – điều mà ông và thế hệ trước luôn mơ ước cho con cái mình. Nhưng đối với ‘quái kiệt’ AI Lê Viết Quốc, ông vẫn cảm thấy thiếu thứ gì đó.

“Lớn lên ở Mỹ, có rủi ro là Victoria sẽ không bao giờ biết về câu chuyện của cha tôi, sẽ không hiểu nguồn cội, văn hóa của chúng ta, ý nghĩa của việc sống sót sau chiến tranh, hay trải nghiệm niềm vui của Tết cổ truyền, hay Truyện Kiều.

Tôi chắc rằng tôi không phải người duy nhất có những lo lắng như vậy về con cái. Nói thực là, tôi nghĩ trong khán phòng này ngày hôm nay, có nhiều bậc cha mẹ cũng cảm thấy tương tự khi gửi con cái họ học tập tại một trường đại học trẻ ít tiếng tăm được đặt tên theo một cựu chính trị gia người Mỹ”, ông Quốc bộc bạch.

Ông Lê Viết Quốc thừa nhận, ban đầu khá hoài nghi khi được ông Tommy Vallely và bà Đàm Bích Thủy lần đầu tiên chia sẻ tham vọng về Đại học Fulbright Việt Nam. Nhưng sau khi tìm hiểu, ông Quốc bắt đầu có chung tầm nhìn với họ.

Ông cho rằng, Fulbright sẽ tạo cơ hội cho những người trẻ tuổi - những người như ông 20 năm trước, ước mơ tìm ra những cách thức mới đóng góp cho nhân loại, dù là bằng công nghệ hay những cách khác, như thông qua chính sách công, doanh nghiệp hay nghệ thuật. Bên cạnh đó, nền giáo dục của Fulbright cũng tìm cách đảm bảo rằng người Việt không quên cội nguồn của mình, và điều gì khiến Việt Nam trở thành độc nhất.

“Tôi tin rằng nền giáo dục của FUV là điều mà Việt Nam và sinh viên Việt Nam cần. Trong bối cảnh có nhiều sự thay đổi nhanh chóng về công nghệ nói chung và AI nói riêng, có kiến thức rộng, biết cách học tập và làm việc với người khác, và cách giao tiếp chính là những kỹ năng sống còn để thích nghi và định hướng trong thế giới hiện đại”, ông Quốc nói.

Le Viet Quoc 3.jpg

Từng bị loại khỏi lớp chuyên Toán

“Ước mơ của cha tôi là tôi tốt nghiệp trung học, điều mà ông chưa làm được. Và rằng, tôi phải có bằng đại học”, ông Lê Viết Quốc nhớ lại, đồng thời nhìn nhận bản thân rất may mắn trong quá trình học tập và đạt một số thành tích vượt xa kỳ vọng của gia đình.

“Tôi tốt nghiệp trung học mà cha tôi chưa thể tốt nghiệp, và có bằng tiến sĩ của Đại học Stanford, cách đây đúng 10 năm. Hiện tại tôi làm việc tại Google, trong mảng trí tuệ nhân tạo (AI), một lĩnh vực có tiềm năng làm thay đổi toàn nhân loại”, ông kể.

Là chuyên gia hàng đầu về AI, ông Lê Viết Quốc cũng trải qua không ít khó khăn và thất bại.

“Tôi từng bị loại khỏi lớp chuyên Toán ở trường Quốc học Huế, trượt kỳ thi tiếng Anh đầu tiên để đủ điều kiện vào một trường đại học Úc - trường đại học mà tôi theo học hóa ra không phải là trường tốt nhất trong lĩnh vực mà tôi quan tâm. Dự án đầu tiên tôi thực hiện tại Đại học Stanford thất bại đến mức tôi suýt bỏ dở bằng tiến sĩ. Hai dự án đầu tiên của tôi tại Google cũng nếm mùi thất bại”, ông Quốc nói.

Đối mặt với khó khăn, ông Lê Viết Quốc tự nhủ rằng bản thân vẫn còn may mắn hơn nhiều so với thế hệ đi trước. Bởi ông được sinh ra trong thời bình, chưa từng phải bật dậy giữa đêm bởi tiếng súng và bom đạn, chưa phải chật vật mưu sinh để lo toan cho gia đình.

Cảm thấy may mắn và lạc quan đã tạo cho Lê Viết Quốc sức mạnh và sự dũng cảm để vượt qua khó khăn, theo đuổi những dự án đầy tham vọng.

Ông cũng nhắn nhủ tới các tân cử nhân: “Sau khi rời Fulbright, các bạn sẽ sớm nhận ra rằng cuộc sống đầy lúc thăng trầm, như câu nói “Đời không như mơ”, và các bạn sẽ phải đối diện với nhiều chướng ngại. Hãy cố gắng tận dụng chúng, tìm ra những cơ hội trong thách thức”.

AI sẽ tạo ra những phát minh mới với cấp độ số nhân

Khi còn là một đứa trẻ, ông Lê Viết Quốc bị ấn tượng bởi bức ảnh Neil Armstrong đang đi những bước đầu tiên trên Mặt Trăng.

“Tại sao loài người lại có thể đặt chân lên Mặt Trăng? Chúng ta không phải là loài động vật nhanh nhất, không phải loài khỏe nhất và thậm chí còn không biết bay”, Lê Minh Quốc tự hỏi. Sau đó, cậu nhận ra rằng, con người có thể tới được Mặt Trăng chính nhờ trí thông minh, và rồi bắt đầu mơ ước chế tạo những cỗ máy thông minh để giúp nhân loại tiến bộ, tạo ra những phát minh mới với tốc độ cấp số nhân.

“Chính ước mơ đó đã đưa tôi rời khỏi quê hương ở Huế để đi trên hành trình tới Australia, Đức và Mỹ, dấn thân vào hành trình nghiên cứu và phát triển AI. Tính đến hiện tại, tôi đã làm việc trong lĩnh vực AI được hơn 20 năm, và tôi vẫn lấy nguồn cảm hứng từ khả năng công nghệ này giúp thế giới trở thành nơi tốt đẹp hơn”, ông Quốc nói.

Ông tin rằng AI có thể cách mạng hóa nhiều lĩnh vực trong cuộc sống, từ y tế, giao thông cho tới giáo dục, kể như: Chẩn đoán các loại bệnh một cách chính xác và hiệu quả hơn so với bác sĩ con người; Giải quyết một số vấn đề cấp thiết nhất của thế giới.

AI cũng có nhiều ứng dụng trong lĩnh vực giáo dục. Nó cho phép cung cấp những giải pháp học cá nhân hóa dành cho sinh viên, bao gồm những trường hợp có hoàn cảnh đặc biệt, hỗ trợ sinh viên ở những vùng xa xôi hẻo lánh.

Ông Lê Viết Quốc không kỳ vọng máy móc sẽ thay thế được vai trò vô giá của một giáo viên con người tận tụy. Tuy vậy, ông cũng tin rằng, AI sẽ tạo nên nhiều thách thức cho xã hội.

“Sở hữu những cỗ máy còn thông minh hơn chúng ta thì sẽ như thế nào? Sẽ ra sao nếu chúng ta không còn là giống loài thông minh nhất hành tinh?”, ông Quốc đặt vấn đề.

Chỉ cách đây vài năm, khó ai có thể tưởng tượng được về những bước đột phá mới đây như ChatGPT. Và trong tương lai gần, những đổi mới gây tiếng vang trên toàn thế giới sẽ sớm trở nên lỗi thời. Với những công nghệ trước đây, như động cơ đốt trong, điện, hay điện tổng hợp hạt nhân, nhân loại đã mất nhiều thập kỷ, thậm chí cả thế kỷ, để thích nghi và học hỏi.

Con người có thể sẽ phải đối mặt với những xáo trộn đột ngột và khôn lường hơn bởi tốc độ phát triển thần tốc của công nghệ và AI. Những đột phá tiếp theo rất có thể đến từ một cá nhân hay tổ chức mà chúng ta chưa từng nghe đến.

“Tôi hy vọng các bạn có thể tận dụng AI bởi nó có thể tạo ra cơ hội mới cho thế hệ này, và các quốc gia như Việt Nam", ông Quốc nhấn mạnh./.