Hơn trăm giảng viên trường Đại học Hùng Vương bị cho thôi việc

Đại học Hùng Vương TP HCM vừa ra quyết định chấm dứt hợp đồng lao động với 82 cán bộ, giảng viên và thông báo điều này với 26 trường hợp còn lại.
Hơn trăm giảng viên trường Đại học Hùng Vương bị cho thôi việc

Trao đổi với PV ngày 8/3, một lãnh đạo trường Đại học Hùng Vương TP HCM cho biết, ông Đặng Thành Tâm với tư cách Chủ tịch HĐQT nhà trường đã ký quyết định chấm dứt hợp đồng lao động với 79 cán bộ, giảng viên. Những người này đồng ý nhận đầy đủ trợ cấp theo quy định để thôi hợp đồng lao động từ ngày 5/4.

Ông Tâm cũng có động thái tương tự với 3 cán bộ đến tuổi hưu là ông Nguyễn Mộng Giao (Phó hiệu trưởng), Vũ Văn Nhỡ (Trưởng phòng Hành chính – Tổng hợp) và ông Trịnh Vũ Dũng (Trưởng ban Trung cấp chuyên nghiệp và doanh nghiệp kiêm Chủ tịch công đoàn cơ sở)

Ngoài ra, Đại học Hùng Vương cũng ra thông báo với 26 cán bộ, giảng viên còn lại về việc sẽ chấm dứt hợp đồng trong thời gian tới nhưng những người này không chấp nhận.

"Việc đưa ra các quyết định không đột ngột mà có thông báo và thỏa thuận giữa HĐQT nhà trường và cán bộ, giảng viên từ trước Tết Nguyên đán 2016", lãnh đạo Đại học Hùng Vương khẳng định.

Trụ sở Đại học Hùng Vương TPHCM trên đường Nguyễn Trãi, quận 5, TP HCM. Ảnh:Mạnh Tùng

Trụ sở Đại học Hùng Vương TPHCM trên đường Nguyễn Trãi, quận 5, TP HCM. Ảnh:Mạnh Tùng

Ông này cho hay, đã 4 năm trường không được tuyển sinh, hiện không còn nguồn thu. Những năm qua, thu không đủ chi dẫn đến lỗ trầm trọng, thâm hụt vốn pháp định do cổ đông đầu tư. Trong khi đó, việc nâng vốn điều lệ phải được đại hội đồng cổ đông thông qua và UBND TP HCM công nhận HĐQT.

Cụ thể, theo báo cáo của nhà trường với Liên đoàn Lao động TP HCM, ngày 10/12/2015, ông Đặng Thành Tâm đã có văn bản gửi Đảng ủy và công đoàn trường về phương án sử dụng lao động.

Nhà trường mời người lao động tự nguyện thỏa thuận chấm dứt hợp đồng, đồng thời đảm bảo các khoản lương, trợ cấp theo đúng quy định. Đại học Hùng Vương cũng cam kết với người lao động sẽ phối hợp với Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Đại học Hùng Vương ký hợp đồng lao động với số cán bộ, giảng viên này. Dù chấm dứt hợp đồng lao động nhưng họ sẽ được làm việc tại Đại học Hùng Vương nhằm duy trì hoạt động.

"Hiện, trường chỉ còn 50 sinh viên, công tác xin chỉ tiêu tuyển sinh cho năm 2016 chưa thể thực hiện được nên hoạt động giảng dạy, các công tác bổ trợ khác hầu như không còn", ông này nói.

Trong khi đó, một trong những người bị chấm dứt hợp đồng lao động với Đại học Hùng Vương, ông Nguyễn Mộng Giao (Phó hiệu trưởng) cho rằng các quyết định trên là sai luật. Bởi nhiệm kỳ của HĐQT Đại học Hùng Vương đã hết từ hồi cuối tháng 6/2015 nên chức vụ Chủ tịch HĐQT của ông Tâm không còn hiệu lực.

Theo ông Giao, ngay cả khi còn là Chủ tịch HĐQT của trường thì ông Tâm vẫn phải triệu tập cổ đông để xin ý kiến thông qua mới được đưa ra các quyết định trên.

Hồi đầu năm 2012, Bộ Giáo dục - Đào tạo có quyết định ngừng tuyển sinh đối với Đại học Hùng Vương TP HCM với lý do “mất đoàn kết nghiêm trọng trong bộ máy lãnh đạo dẫn đến mất khả năng điều hành hoạt động của nhà trường, mâu thuẫn nội bộ kéo dài ảnh hưởng đến uy tín của nhà trường và môi trường giáo dục”.

Hiện, với 50 sinh viên còn lại, trong năm 2015 đến tháng 4 năm nay, dự kiến nguồn thu của trường chỉ vào 325 triệu đồng.

Theo VnExpress