Hóa chất trong kem và xịt chống nắng có thể ngấm vào máu người

VietTimes -- Kem và xịt chống nắng là công cụ hữu hiệu để chống lại cái nắng ngày Hè, phòng chống bệnh ung thư da. Tuy nhiên, các chuyên gia nghiên cứu của FDA chỉ ra các loại hợp chất hóa học chống tia UV "chỉ dùng trên da" lại rất dễ ngấm vào máu.
Ảnh minh họa: Health Magazine
Ảnh minh họa: Health Magazine

Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã tiến hành thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên trên 24 tình nguyện viên (12 nam và 12 nữ), với 4 nhãn hiệu kem và xịt chống nắng khác nhau trên thị trường.

Đội ngũ nguyện viên được yêu cầu sử dụng các loại dược phẩm này 4 lần/ngày (theo khuyến cáo từ nhà sản xuất) trên 75% cơ thể, tương đương lượng kem và xịt cần dùng khi mặc đồ bơi. Trong 3-4 ngày, các nhà nghiên cứu thu thập mẫu máu của các tình nguyện viên liên tục sau mỗi vài giờ, để phân tích sự hiện diện của các hợp chất chống tia UV.

“Mọi người luôn nghĩ rằng những sản phẩm chống nắng chỉ tồn tại trên da và cơ thể sẽ không hấp thụ được”, Giám đốc quản lý dược phẩm không kê toa của FDA, bà Theresa Michele nói.

Tuy nhiên, nhóm của bà đã phát hiện những loại hóa chất chống nắng phổ biến ở tất cả tình nguyện viên chỉ sau vài giờ. Hơn nữa, các hợp chất hóa học này vẫn tồn tại trong máu tới 3 ngày.

Được biết, 24 tình nguyện viên tham gia thử nghiệm không tiếp xúc với nhiệt và ánh sáng mặt trời. Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu cũng không phát hiện một số thành phần hóa học “chỉ dùng trên da” như oxit kẽm hay oxit titan ngấm vào máu người dùng.

Theo kết luận của FDA công bố trên tạp chí JAMA, các loại hóa chất trong kem chống nắng gian sử dụng có thể thẩm thấu qua da và tích tụ trong máu người dùng theo thời gian. Tuy nhiên, FDA vẫn tỏ ra thận trọng: “Cần nghiên cứu sâu hơn để xác định ý nghĩa lâm sàng của phát hiện vừa qua về cơ chế hấp thụ các loại hóa chất chống nắng”.

Nhận định về nghiên cứu này trên Live Science, Tiến sĩ Kanade Shinkai của Đại học California cho rằng mặc dù các phân tử lọc ánh sáng mặt trời xâm nhập vào hệ thống tuần hoàn không có nghĩa là chúng không an toàn.

Điểm mấu chốt là chắc chắn là ánh nắng mặt trời sẽ gây ung thư da, trong khi khoa học biết rất ít về các hóa chất chống nắng. “[Mọi người] vẫn nên sử dụng kem chống nắng”, Tiến sĩ Shinkai khẳng định.

Vậy dùng kem chống nắng thế nào cho an toàn?

Ảnh minh họa: Live Science
Ảnh minh họa: Live Science
  • Chọn loại kem hoặc xịt chống nắng có chỉ số SPF (Sun Protection Factor) tối thiểu 30+, cùng khả năng chống nước và bảo vệ phổ rộng.
  • Thoa kem hoặc xịt chống nắng ít nhất 20 phút trước khi ra ngoài.

  • Sử dụng nhiều nhất 5ml cho mỗi cánh tay, chân, lưng, ngực và mặt. Tối đa khoảng 35ml cho toàn thân.

  • Kem và xịt chống nắng nên được sử dụng thường xuyên, cứ sau mỗi 2 giờ ngoài trời.

  • Dùng khăn lau có thể làm giảm khả năng bảo vệ của kem chống năng.

  • Hạn chế ra ngoài trời từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều vì đây là khoảng thời gian tia nắng mặt trời mạnh nhất (chỉ số UV > 3).

Theo Live Science