Hàng rào điện tử McNamara trong chiến tranh Việt Nam điều hành thế nào?

 Từ 1968 đến 1973, quân đội Mỹ chi khoảng 1 tỉ USD/năm cho hoạt động của hàng rào điện tử McNamara dọc vĩ tuyến 17 và đường mòn Hồ Chí Minh nhằm ngăn chặn tiếp tế của miền Bắc cho miền Nam. Nhưng hoạt động điều hành hàng rào này cùng các cảm biến trong rừng núi Trường Sơn lại nằm tận Thái Lan.
Thả cảm biến loại cắm sâu trong lòng đất từ trực thăng xuống rừng núi Trường Sơn - Ảnh: Không lực Mỹ
Thả cảm biến loại cắm sâu trong lòng đất từ trực thăng xuống rừng núi Trường Sơn - Ảnh: Không lực Mỹ

Theo Gizmodo ngày 24.9, hoạt động điều hành mạng lưới cảm biến điện tử của Mỹ mang mật danh là Igloo White, do máy tính điều khiển và theo thời gian thực, lần đầu tiên thiết lập trong chiến tranh Việt Nam qua hàng rào điện tử McNamara.

Những kinh nghiệm mà người Mỹ có được trong chiến tranh Việt Nam sau đó được áp dụng xây hàng rào điện tử dọc biên giới với Mexico để ngăn chặn nạn buôn lậu ma tuý, hay nhập cư lậu.

Điều hành hoạt động của hàng rào điện tử McNamara ở vĩ tuyến 17 tại Việt Nam không phải do lính Mỹ ở Nam Việt Nam thực hiện mà lại ở tận căn cứ không quân Nakhon Phanom tại Thái Lan, trong các khu nhà gắn đầy máy tính và máy lạnh, giải mã tất cả tiếng động do hàng ngàn cảm biến rải dọc biên giới Việt Nam và Lào ghi lại và truyền về.

Sau khi giải mã, các chuyên viên máy tính này sẽ quyết định rằng đó có phải là tiếng động của một đoàn xe tải của bộ đội Bắc Việt Nam hay chỉ là tiếng động của cư dân Việt Nam ở khu vực gây ra, để gọi máy bay bay đến ném bom.

Chương trình Igloo White với các cảm biến điện tử thu thập tiếng động là con đẻ của nhóm Jasons, được cơ quan phát triển vũ khí ARPA (nay là DARPA) đỡ đầu, gồm 45 nhà khoa học của các đại học nổi tiếng tại Mỹ.

Nhóm này cho rằng để chặn đứng việc miền Bắc Việt Nam hỗ trợ cho miền Nam Việt Nam chống Mỹ, cần cắt đứt việc tiếp tế bằng xe tải dọc đường mòn Hồ Chí Minh.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khi đó là Robert McNamara nghĩ rằng xây một hàng rào kiên cố cắt ngang vĩ tuyến 17 là đủ chặn việc tiếp tế này, nhưng nhóm Jasons đề xuất gắn kèm các cảm biến nghe ngóng tiếng động, và từ đó tạo nên hàng rào điện tử McNamara.

"Hàng rào điện tử McNamara" gồm hai thành phần chính là hàng rào chống xâm nhập xây dọc theo vĩ tuyến 17, từ biển Đông tới biên giới Lào; và một “hàng rào” khác gồm các thiết bị cảm biến điện tử thả xuống dọc đường mòn Hồ Chí Minh, nhằm theo dõi quá trình vận chuyển, tiếp tế của miền Bắc qua con đường này.

Căn cứ Nakhon Phanom ở Thái Lan là nơi bố trí các đơn vị của Mỹ chuyên giải mã tiếng động và các tín hiệu của cảm biến gửi về. Khu vực phục vụ việc giải mã này hoàn tất năm 1967, rộng gần 19.000 m2, lớn nhất Đông Nam Á với các máy tính hiện đại nhất lúc đó như IBM 360 và màn hình IBM 2260.

Tuy nhiên để phục vụ việc truyền tín hiệu từ hàng ngàn cảm biến về Thái Lan, Không lực Mỹ phải duy trì 7 - 24 máy bay thường xuyên trên bầu trời để thu tín hiệu từ cảm biến, rồi truyền về Thái Lan.

Hàng rào điện tử McNamara trong chiến tranh Việt Nam điều hành thế nào? ảnh 1

Trung tâm giải mã tín hiệu cảm biến của quân đội Mỹ tại căn cứ không quân Nakhon Phanom,Thái Lan, với máy tính IBM 360/65 năm 1970 - Ảnh: Không lực Mỹ

Hàng rào điện tử McNamara trong chiến tranh Việt Nam điều hành thế nào? ảnh 2

Còn đây là phòng điều khiển - Ảnh: Không lực Mỹ

Những cảm biến ban đầu có giá từ 2.000 USD/cái (tương đương 14.000 USD giá ngày nay) và hoạt động rất kém, pin hết sau 2 tuần. Nhiều cảm biến ném từ máy bay xuống là hư hỏng luôn. Sau này các cảm biến xài pin lithium nên thời gian hoạt động lâu hơn, đến 2 tháng.

Hàng loạt cảm biến khác được thử nghiệm và phát triển, có loại nguỵ trang như cái cây (cây nhiệt đới) và có loại cắm sâu xuống lòng đất. Có loại chỉ nghe tiếng động, loại khác dò kim loại (xem có súng ống gì trong khu vực) và loại thì thu bắt tín hiệu radio. Cũng có loại đánh hơi người từ mùi nước tiểu và phân.

Những cảm biến này cũng gây ra lắm vấn đề, chẳng hạn cảm biến đánh hơi kim loại thì không phân biệt được binh lính mang súng với một người dân mang cuốc xẻng. Loại nghe tiếng động xe tải thì chẳng biết xe địch hay xe ta…

Bộ đội Bắc Việt Nam phát hiện các cảm biến này và đánh lừa quân Mỹ bằng cách mang nhiều lon đựng nước tiểu treo đầy quanh các cảm biến dò hơi người ở khu vực vô hại, để máy bay Mỹ bay đến đó mà ném bom.

Hàng rào điện tử McNamara trong chiến tranh Việt Nam điều hành thế nào? ảnh 3

Các cảm biến của Mỹ thả xuống đường mòn Hồ Chí Minh - Ảnh: Bảo tàng Không quân Mỹ

Chẳng ai trong quân đội Mỹ muốn hơn 1 tỉ USD/năm bỏ ra cho các cảm biến điện tử của hàng rào điện tử McNamara là vô ích. Vì vậy Không lực Mỹ nói rằng nhờ mạng lưới cảm biến này mà họ đã tiêu diệt hơn 75.000 xe tải của Bắc Việt Nam (?), nhưng CIA đánh giá rằng thời điểm đó miền Bắc chỉ có khoảng 6.000 xe tải!

Nhiều ý kiến chỉ trích Igloo White nên đến những năm đầu thập niên 1970 hệ thống cảm biến điện tử bắt đầu bị hạn chế hoạt động.

Ngày nay kinh nghiệm của hàng rào điện tử McNamara được Mỹ áp dụng xây hàng rào ngăn người vượt biên và buôn lậu ma tuý từ Mexico vào Mỹ, với các cảm biến kết hợp máy bay không người lái và camera. Nhưng điều hành lần này không phải là quân đội mà là lực lượng hải quan và biên phòng.

Hàng rào điện tử McNamara trong chiến tranh Việt Nam điều hành thế nào? ảnh 4

Máy bay Batcat EC-121R do Lockheed chế tạo đang thu thập tín hiệu từ cảm biến để truyền về Thái Lan - Ảnh: Không lực Mỹ

Hàng rào điện tử McNamara trong chiến tranh Việt Nam điều hành thế nào? ảnh 5

Hàng rào điện tử McNamara trong chiến tranh Việt Nam điều hành thế nào? ảnh 6

7

Bút mềm đánh dấu vị trí cảm biến ghi nhận trên màn hình máy tính IBM 2250, cuối những năm 1960 - Ảnh: Không lực Mỹ

Theo Thanh Ni