Hàng loạt vấn đề liên quan đến giáo dục được đại biểu đề nghị làm rõ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Trong phiên làm việc việc Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV, diễn ra chiều nay (1/11), nhiều đại biểu yêu cầu làm rõ hàng loạt nội dung liên quan đến giáo dục, sách giáo khoa và quy định về bộ máy tổ chức của cơ sở giáo dục.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa - Đoàn ĐBQH TP HCM - nêu ý kiến thảo luận nội dung liên quan đến sách giáo khoa. (ảnh quochoi.vn)
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa - Đoàn ĐBQH TP HCM - nêu ý kiến thảo luận nội dung liên quan đến sách giáo khoa. (ảnh quochoi.vn)

Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV, chiều nay (1/11), tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về các vấn đề KT - XH.

Làm rõ câu chuyện về sách giáo khoa

Tại phiên họp, đại biểu Trương Trọng Nghĩa - Đoàn ĐBQH TP HCM – cho rằng, chủ trương xã hội hóa sách giáo khoa là nhằm tranh thủ khai thác chất xám, kinh nghiệm của các chuyên gia, học giả, các nhà khoa học giáo dục, các nhà giáo để soạn thảo các sách giáo khoa phục vụ cho cải cách giáo dục. Đồng thời huy động tiềm lực kinh tế của xã hội.

“Xã hội hóa đang được tiến hành tốt như vậy thì ban đầu bao giờ cũng có những trục trặc nhất định. Nếu nay lại đề xuất Bộ GD&ĐT biên soạn bộ sách giáo khoa nữa thì liệu có giải quyết được những vấn đề mà hiện nay là đang đặt ra hay không?”- đại biểu Trương Trọng Nghĩa nhấn mạnh

Để giải quyết các vấn đề về giá, đại biểu Trương Trọng Nghĩa đề xuất, có thể đề ra giải pháp để khắc phục như: trợ cấp hay huy động để cho mượn sách giáo khoa, ủng hộ các đối tượng chính sách vùng sâu, vùng xa, mà không phải thay thế bằng cách có thêm một bộ sách giáo khoa của Nhà nước.

Còn đại biểu Quốc hội Đinh Công Sỹ - Đoàn ĐBQH tỉnh Sơn La - thì cho rằng, kinh phí chi cho thực hiện nhiệm vụ đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông đã được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đề cập. Tuy nhiên, với trách nhiệm của mình và đảm bảo tính trung thực, kinh phí này cần được tổng hợp số liệu báo cáo của Chính phủ để các đại biểu Quốc hội và Bộ trưởng Bộ GD&ĐT được biết và chịu trách nhiệm hoàn toàn trước những thông tin này.

Tham gia phát biểu tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Thị Lan - Đoàn ĐBQH TP Hà Nội - cho biết, nhiều cử tri là giảng viên, giáo viên trường đại học đề nghị Chính phủ quan tâm đầu tư một cách thích đáng, hiệu quả hơn cho giáo dục đại học.

Theo đại biểu Lan, trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số, hợp tác quốc tế sâu rộng, nguồn nhân lực chất lượng cao, vai trò của trường đại học càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.
Tuy nhiên, so với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới, đầu tư công cho giáo dục đại học ở nước ta rất thấp. Kinh phí nghiên cứu, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo dành cho sinh viên, giảng viên ở các trường đại học còn quá ít, trong khi đó, hoạt động nghiên cứu khoa học chính là sức sống của trường đại học.

“Đề nghị Chính phủ rà soát, đánh giá lại, hoàn thiện thêm khung khổ pháp lý, các quy định, các văn bản liên quan hỗ trợ cho các trường đại học tự chủ, tháo gỡ vướng mắc về thể chế, chính sách, giúp các trường đại học phát triển, đóng góp nguồn nhân lực chất lượng cao, sản phẩm khoa học công nghệ phục vụ quốc kế, dân sinh”- đại biểu Lan ý kiến.

dai bieu lan.png
Đại biểu Nguyễn Thị Lan - Đoàn ĐBQH TP Hà Nội (ảnh quochoi.vn)

Phát biểu tranh luận về vấn đề Hội đồng trường, đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình - đề nghị Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan chức năng xem xét lại tính hợp lý quy định về hội đồng trường hiện nay.

Đại biểu Dung cho rằng, Hội đồng trường hiện nay chưa phát huy được vai trò trong đơn vị của mình, đôi khi còn tăng thêm thủ tục, tính rườm rà trong việc thực hiện.

“Hội đồng trường hiện nay mới chỉ quy định trong các trường công, có tổ chức cơ sở Đảng, các hoạt động của nhà trường thì cần Nghị quyết của Đảng ủy. Trước đây khi chưa có Hội đồng trường thì một số đề án, hoạt động trình thẳng cho UBND tỉnh cho ý kiến.
"Tuy nhiên, bây giờ phải qua Hội đồng trường cho ý kiến mà phần lớn thành phần này lại trùng lắp với thành phần của Đảng ủy, của Hội đồng giáo dục và khoa học cũng như một số Hội đồng chuyên môn khác. Do đó, cần xem xét lại tính hiệu quả của hội đồng trường hiện nay”- đại biểu Dung ý kiến.

Cần có cơ chế để ngăn chặn tình trạng lạm thu

Đứng góc độ chất lượng giáo dục trong giai đoạn hiện nay, đại biểu Nguyễn Minh Tâm - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình – nêu rõ: Những ngày qua, dư luận xôn xao về việc lạm thu trong các trường học. Quảng Bình là tỉnh khó khăn, nhưng qua nghiên cứu, khảo sát, để chia sẻ khó khăn của người dân, HĐND tỉnh Quảng Bình đã thông qua Nghị quyết miễn, giảm học phí cho năm học 2023 - 2024 cho học sinh đã được dư luận đồng tình.
Trước đó, HĐND tỉnh cũng đã ban hành danh mục các khoản thu dành cho nhà trường với mức thu rõ ràng, phù hợp nên Quảng Bình hạn chế được tình trạng lạm thu.

“Tuy nhiên, không phải địa phương nào cũng rõ cơ chế này, nhưng dù phù hợp, đây chỉ là giải pháp tạm thời, bởi lẽ không giải quyết được việc tăng nguồn thu cho giáo dục sẽ xảy ra tình trạng "thấp chỗ này, phình chỗ kia". Chính sách ưu việt của việc miễn, giảm kéo dài thời gian tăng học phí sẽ không bù đắp nổi với những khoản chi phí phát sinh mà phụ huynh phải đánh giá”- đại biểu Nguyễn Minh Tâm nhấn mạnh.

dai bieu tam.png
Đại biểu Nguyễn Minh Tâm - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình (ảnh quochoi.vn)

Vì vậy, đại biểu Tâm đề nghị Chính phủ sớm nghiên cứu có lộ trình phù hợp để cân đối giữa mức tăng học phí và các quy định để đảm bảo hài hòa quyền lợi cho các cơ sở giáo dục và phụ huynh. Qua đó đảm bảo chất lượng giáo dục, đặc biệt là giáo dục công lập trong giai đoạn hiện nay...

Ngoài ra, để đảm bảo nguồn lực giải quyết những khó khăn, đại biểu đề nghị Chính phủ, Quốc hội tiếp tục quan tâm đầu tư, bố trí ngân sách cho lĩnh vực giáo dục đảm bảo theo quy định tại Nghị quyết 34 của Quốc hội.