Ở Hàn Quốc, nhiều người tin rằng chiều cao là yếu tố giúp con người thành công hơn trong cuộc sống. Niềm tin này đã thúc đẩy các bậc phụ huynh tìm đến những liệu pháp hormone, thực phẩm chức năng và nhiều biện pháp khác với hy vọng con mình có thể phát triển chiều cao tối ưu.
Tuy nhiên, việc quá đề cao chiều cao đã làm dấy lên những lo ngại về sự ám ảnh ngoại hình ngày càng gia tăng trong xã hội.
"Có muốn con bạn cao thêm 10cm không?", đó là câu hỏi trên một biển quảng cáo tại khu vui chơi nhảy bạt lò xo ở ngoại ô Seoul. Người ta tin rằng việc nhảy sẽ kích thích sự phát triển của xương, điều này giải thích vì sao các môn thể thao như bóng rổ hay bóng chuyền lại thu hút sự quan tâm của nhiều người.
Một bà mẹ ở Ulsan cho biết, ba năm tới là "thời điểm vàng" để con trai bà – hiện đang học lớp 6 – đạt được chiều cao mong muốn. Vì chồng bà không cao, gia đình liên tục nhắc nhở bà phải ăn uống đủ chất trong thời kỳ mang thai để giúp con phát triển tốt hơn. "Tôi sợ rằng nếu con trai tôi thấp hơn bạn bè, gia đình sẽ quy trách nhiệm cho tôi", bà chia sẻ.
Cùng với những bà mẹ khác, bà thường xuyên trao đổi về chế độ dinh dưỡng giàu protein và giờ giấc sinh hoạt hợp lý để giúp con cao hơn. Quảng cáo về các loại thực phẩm chức năng hứa hẹn tăng chiều cao có mặt khắp nơi, từ phòng khám nhi đến hiệu thuốc và các trung tâm giáo dục...
Một lựa chọn phổ biến khác là tiêm hormone. Liệu pháp này được bảo hiểm chi trả trong trường hợp trẻ có vấn đề về tăng trưởng. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh sẵn sàng bỏ tiền túi để tiêm cho con mỗi ngày, với chi phí khoảng 100.000 won (khoảng 74 USD) cho mỗi lần tiêm.
“Tôi không chắc phương pháp này có hiệu quả hay không”, người mẹ ở Ulsan thừa nhận. “Chúng tôi đều hiểu rằng đây là một khoản rủi ro, nhưng chẳng ai dừng lại.”
Những bài kiểm tra để dự đoán chiều cao tối đa của trẻ cũng đang rất thịnh hành. Một bà mẹ ở Seoul kể rằng bà đã phải đợi suốt một năm để có lịch hẹn sau khi con gái bà – đang học lớp 3 – bày tỏ mong muốn được cao như các thần tượng K-Pop mà cô bé thường xem trên YouTube.
Buổi kiểm tra này có chi phí khoảng 30.000 won và bao gồm chụp X-quang tay, chân và đánh giá các sụn tăng trưởng. Sau khi nghe bác sĩ dự đoán con gái bà sẽ có chiều cao trung bình khi trưởng thành, hai mẹ con đã thở phào nhẹ nhõm.
“Bạn sẽ rất tự ti nếu như không có chiều cao lý tưởng”, bà mẹ này chia sẻ. “Tôi không muốn con gái mình phải chịu áp lực về ngoại hình”.
Áp lực về chiều cao xuất phát một phần từ các tiêu chuẩn cũ về chiều cao trong nhiều ngành nghề. Trước năm 2007, nam giới muốn làm cảnh sát phải cao ít nhất 167 cm, trong khi nữ giới phải cao từ 157 cm trở lên.
Hãng hàng không Korean Air yêu cầu nữ tiếp viên phải có chiều cao tối thiểu 162 cm cho đến năm 2014. Thậm chí ở thời điểm hiện tại, nam giới ở Hàn Quốc vẫn có thể được miễn nghĩa vụ quân sự nếu không đạt chiều cao nhất định.
“Mọi người thường nói rằng nếu không đủ cao, bạn sẽ không được đi lính”, một người đàn ông 49 tuổi ở Seoul kể lại. “Hồi đi học, tôi thường bị trêu chọc vì lùn, và đến giờ tôi vẫn luôn tự ti về chiều cao của mình”.
Theo thời gian, chiều cao của người Hàn Quốc đã tăng lên. Nam sinh trung học cơ sở vào năm 2023 trung bình cao hơn 7,4 cm so với mười năm trước, trong khi nữ sinh cao hơn 3,3 cm. Học sinh tiểu học và trung học phổ thông cũng có xu hướng cao hơn so với các thế hệ trước.
Ở Hàn Quốc, cả trẻ em lẫn người lớn đều phải cạnh tranh trong mọi khía cạnh của đời sống, từ trình độ học vấn cho đến công việc, và ngoại hình cũng là một yếu tố quan trọng không thể bỏ qua.
Việc quá chú trọng vào ngoại hình đã dẫn đến nhiều hệ lụy xã hội. Vào tháng 3 vừa qua, Bộ An toàn Thực phẩm và Dược phẩm Hàn Quốc đã phát hiện 259 trường hợp quảng cáo sai lệch liên quan đến chiều cao trẻ em trên mạng. Họ đã đưa ra nhiều cảnh báo về những chứng nhận giả mạo và các tuyên bố gây hiểu lầm về hiệu quả của các sản phẩm.
Tháng 8/2023, thành phố Daejeon đã gây tranh cãi khi thông qua đạo luật trợ cấp chiều cao đầu tiên của cả nước, với ngân sách hàng năm là 3,7 tỷ won để hỗ trợ thực hiện các bài kiểm tra chiều cao cho học sinh tiểu học. Dù nhiều phụ huynh và trường học đã chỉ trích rằng luật này khiến việc chú trọng quá mức vào ngoại hình càng trở nên trầm trọng, nhưng nó vẫn được thông qua với lý do cải thiện sức khỏe cho trẻ em.