Hà Tĩnh "đội sổ" về xếp hạng công khai ngân sách cấp tỉnh trên cổng thông tin điện tử

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Được sự tài trợ của Oxfam, Trung tâm Phát triển và Hội nhập (CDI) và Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam (VESS) đã tiến hành nghiên cứu Chỉ số Công khai Ngân sách cấp tỉnh 2021 (POBI 2021).
Chỉ số Công khai Ngân sách cấp tỉnh POBI 2021 được công bố ngày 28/6/2022 tại Hà Nội
Chỉ số Công khai Ngân sách cấp tỉnh POBI 2021 được công bố ngày 28/6/2022 tại Hà Nội

Việc công bố về POBI 2021 được tổ chức tại Hà Nội hôm nay, 28/9/2022. Theo Ban tổ chức, các số liệu được thu thập cơ bản từ những số liệu công khai trên website của 63 tỉnh, thành phố ở Việt Nam.

Khảo sát POBI đã được tiến hành liên tục từ năm 2017, riêng năm 2021, khảo sát bao gồm 3 trụ cột: Minh bạch ngân sách, sự tham gia của người dân trong chu trình ngân sách và trách nhiệm giải trình.

Năm 2021 có 31 tỉnh, thành phố đã công khai đầy đủ tài liệu và thông tin về ngân sách nhà nước, tăng 4 tỉnh so với năm 2020. Số tỉnh công khai tương đối đầy đủ là 24 tỉnh. Số tỉnh công khai chưa đầy đủ và công khai ít lần lượt là 6 và 2 tỉnh.

Những nghiên cứu này được thực hiện trên cơ sở pháp lý của Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Tiếp cận Thông tin, Luật Quản lý Nợ công, Luật Đầu tư công và thông lệ quốc tế về công khai minh bạch ngân sách.

Theo xếp hạng của POBI 2021, Bà Rịa – Vũng Tàu là tỉnh đứng đầu xếp hạng với 98,59 điểm. Khánh Hoà xếp thứ hai với 92,69 điểm và Lai Châu xếp thứ ba với 91,99 điểm. Xếp cuối cùng là Bình Phước với 5,19 điểm. Hà Tĩnh là thuộc nhóm ít công khai thông tin, chỉ với 9, 14 điểm.

Kết quả khảo sát POBI 2021 cho thấy 100% cổng thông tin điện tử của các Sở Tài chính đều có thư mục riêng về công khai ngân sách. Hầu hết các tài liệu đều được công bố dưới dạng file Word hoặc Excel và dễ dàng trong việc sử dụng. Riêng chỉ có danh mục dự án đầu tư công năm 2022 vẫn còn tới 19 tỉnh công khai dưới dạng file ảnh hoặc định dạng PDF gây khó khăn cho việc sử dụng tài liệu.

Theo Luật Công nghệ Thông tin thì địa chỉ email được công khai trên cổng thông tin của Sở Tài chính để trao đổi, cung cấp thông tin cho cá nhân và tổ chức. Có 11/63 tỉnh, thành phố phản hồi các câu hỏi yêu cầu cung cấp thông tin của các nhóm nghiên cứu gửi email liên hệ được công khai trên cổng thông tin của Sở Tài chính. Trong đó có 7 phản hồi nhận được trong 15 ngày và 4 phản hồi nhận được trong vòng 16 – 30 ngày.

Có tới 49/63 Sở Tài chính không hề phản hồi và có 2 tỉnh không gửi được email được công khai trên cổng thông tin là Đắc Nông và Lào Cai. Riêng tỉnh Quảng Trị, tại thời điểm tiến hành khảo sát, Sở Tài chính tỉnh này không có địa chỉ email công khai.

Thay mặt nhóm nghiên cứu, PGS. TS. Vũ Sỹ Cường cho biết, kết quả POBI 2021 không có sự cải thiện đáng kể trong việc công khai các tài liệu về ngân sách so với năm 2020. Thậm chí mức độ sẵn sàng của một số tài liệu còn có xu hướng giảm. Do đó, các tỉnh cần khắc phục và công khai ngay các tài liệu bắt buộc phải công bố theo đúng quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và Luật Tiếp cận Thông tin.

Tham dự sự kiện này, ĐBQH Bùi Đặng Dũng – Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội cho biết, ngân sách nhà nước thực chất là từ tiền thuế của người dân và doanh nghiệp. Vì thế, việc công khai ngân sách đương nhiên là việc phải làm của các bộ ngành và địa phương. Theo ông, những nghiên cứu về POBI 2021 được công bố hôm nay rất có giá trị cho các cơ quan dân cử là Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp trong trách nhiệm giám sát ngân sách nhà nước.

Kết luận hội thảo, TS. Nguyễn Đức Thành – Giám đốc VESS - khẳng định đây là những số liệu giá trị để nhóm nghiên cứu gửi tới Quốc hội, Chính phủ, với mong muốn ngân sách nhà nước ngày càng công khai và minh bạch hơn.

Giám đốc VESS cũng cho biết thêm là trong ít ngày nữa, Chỉ số Công khai Ngân sách cấp bộ MOBI 2021 do CDI và VESS nghiên cứu sẽ được công bố và như vậy, Quốc hội cùng Chính phủ sẽ có một tài liệu giá trị về ngân sách và chi tiêu của các bộ ngành.