Theo kế hoạch này, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước TP.Hà Nội trong năm nay là ứng dụng CNTT, xây dựng hệ thống thông tin trong các lĩnh vực giáo dục; đất đai; đô thị; giao thông; văn hóa thể thao; du lịch; quản lý đầu tư, tài chính; quản lý đơn thư, khiếu nại tố cáo toàn Thành phố; và y tế.
Đánh giá về kết quả thực hiện nhiệm vụ trọng tâm kể trên trong các tháng đầu năm nay, đại diện Sở TT&TT Hà Nội - cơ quan thường trực Ban chỉ đạo ứng dụng CNTT TP.Hà Nội cho biết, một số hệ thống thông tin đã được xây dựng đạt quy mô lớn và có hiệu quả với số người tham gia hệ thống nhiều, số lượng người truy cập đông và số lượng hồ sơ được xử lý lớn; các phần mềm, hệ thống thông tin khác đang được các đơn vị tiếp tục khai thác, sử dụng hiệu quả để đảm bảo không làm gián đoạn hoạt động điều hành, phục vụ công dân, doanh nghiệp.
Cụ thể, với lĩnh vực giáo dục, trên cơ sở kết quả triển khai thành công hệ thống tuyển sinh đầu cấp trực tuyến của năm ngoái, trong năm nay, Sở GD&ĐT Hà Nội đã triển khai ứng dụng tại 2.620 đơn vị trường học. Đến nay, đã có hơn 250.000 gia đình tham gia với trên 6,2 triệu lượt truy cập vào Cổng tuyển sinh đầu cấp trực tuyến. Tỷ lệ hồ sơ đăng ký trực tuyến năm 2017 của cả 3 cấp đạt 70,68% (khối mầm non đạt 74,21%, khối lớp 1 đạt 72,32% và khối lớp 6 đạt 68,07%), tăng gần 15% so với năm ngoái.
Theo Sở TT&TT Hà Nội, Sở GD&ĐT cũng đang triển khai hệ thống sổ điểm điện tử cho 2.762 trường, đã cập nhật được trên 1,8 triệu học sinh, cấp hơn 73.505 tài khoản cho cho người sử dụng và có trên 16.485.482 lượt truy cập hệ thống; triển khai thí điểm phần mềm sổ liên lạc điện tử tại một số trường; triển khai và đưa vào sử dụng chính thức phần mềm quản lý kết quả giáo dục tiểu học tại 752 trường tiểu học trên địa bàn Thành phố.
Đối với lĩnh vực y tế, Sở Y tế đang đã triển khai ứng dụng quản lý hồ sơ sức khoẻ điện tử cho nhân dân Thành phố; đã thí điểm tại 20 xã, phường của 5 quận, huyện gồm Long Biên, Ba Đình, Nam Từ Liêm, Gia Lâm, Sóc Sơn. Đến nay, đã khởi tạo 1.436 tài khoản và thiết lập được 859.062 hồ sơ điện tử.
Bên cạnh đó, thời gian qua, Sở Y tế cũng đã triển khai thí điểm hệ thống quản lý tầm soát ung thư sớm trên địa bàn Thành phố tại Bệnh viện Xanh-pôn, Trung tâm kỹ thuật cao và tiêu hóa Hà Nội và các phường thuộc các quận/huyện Đống Đa, Thanh Trì, Long Biên, Sóc Sơn và cập nhật thông tin của 114.998 mẫu xét nghiệm; đồng thời Sở đang tổ chức khảo sát để triển khai mở rộng Hệ thống quản lý khám chữa bệnh toàn thành phố.
Trong lĩnh vực Tài nguyên và Môi trường, cũng theo đại diện Sở TT&TT Hà Nội, hiện Thành phố đã hoàn thành triển khai cung cấp thông tin về hệ thông quan trắc môi trường không khí tại 10 điểm, hệ thống quan trắc chất lượng nước Hồ Tây, hệ thống quan trắc lượng mưa và bản đồ úng ngập trên Cổng giao tiếp điện tử Thành phố. Riêng với cơ sở dữ liệu về đất đai, Thành phố hiện đang chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ việc đo vẽ và chỉnh lý bản đồ, tạo lập cơ sở dữ liệu.
Còn với việc triển khai xây dựng hệ thống quản lý đơn thư, khiếu nại tố cáo, UBND TP.Hà Nội đã ban hành Kế hoạch triển khai mở rộng phần mềm tới các cơ quan, đơn vị của Thành phố trong năm 2017. Đến nay, Thanh tra Thành phố đã triển khai tạo lập các tài khoản người dùng, phối hợp với Văn phòng UBND Thành phố và Sở TT&TT thành lập tổ công tác triển khai mở rộng phần mềm và lập dự toán kinh phí thực hiện.