Trong danh sách này có Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Xanh Pôn, BVĐK Đức Giang, BV Thanh Nhàn, BVĐK Đống Đa, BV Việt Nam - CuBa, BV Phụ sản Hà Nội, BV Mắt Hà Nội, BV Thận Hà Nội, BV Tim Hà Nội, BV Phổi Hà Nội, BV Ung bướu Hà Nội vv…
Đây là những đơn vị sự nghiệp tự đảm bảo chi phí hoạt động thường xuyên, ngân sách nhà nước không hỗ trợ hoặc cấp chi thường xuyên.
Cùng với giao quyền tự chủ, Sở Y tế Hà Nội cũng chỉ đạo các bệnh viện chủ động sắp xếp, kiện toàn, tổ chức lại đảm bảo bộ máy tinh gọn, có cơ cấu hợp lý nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ sự nghiệp công, tăng nguồn thu sự nghiệp cho đơn vị và tiết kiệm chi, nâng mức tự chủ tài chính.
Các bệnh viện cũng phải thực hiện quy định công khai; giải trình hoạt động và số liệu thu, chi khi lập phương án tự chủ tài chính của đơn vị trước cơ quan chủ quản, cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan kiểm toán, thanh tra, kiểm tra theo quy định của pháp luật. Định kỳ hàng năm, đơn vị có trách nhiệm báo cáo đánh giá về kết quả thực hiện cơ chế tự chủ tài chính cho Sở Y tế theo quy định.
Trong kế hoạch chuyển các đơn vị sự nghiệp công lập sang tự chủ tài chính giai đoạn 2023-2025, ngành y tế Hà Nội phấn đấu đến năm 2025, nâng mức tự chủ chi thường xuyên của 37 đơn vị, gồm 30 trung tâm y tế quận, huyện, thị xã; 6 trung tâm chuyên khoa là Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội, Trung tâm Cấp cứu 115, Trung tâm giám định y khoa, Trung tâm Pháp y, Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm; Trung tâm tư vấn dân số Kế hoạch hóa gia đình Hà Nội thuộc Chi cục Dân số - KHHGĐ và Bệnh viện Phục hồi chức năng – đơn vị khám chữa bệnh cho các đối tượng đặc thù.