Đoàn cán bộ y tế tỉnh Bình Định "xuất quân" vào sáng 13/9 có sự tham gia của Giám đốc Sở Y tế Bình Định, sẽ hỗ trợ y tế cho Thái Nguyên và Yên Bái từ ngày 13/9 đến ngày 19/9/2024.
62 người tham gia đoàn công tác gồm các bác sĩ y học dự phòng, cử nhân y tế công cộng, cử nhân điều dưỡng, cử nhân môi trường, cử nhân nữ hộ sinh, cử nhân kỹ thuật xét nghiệm, sinh học, ... của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh và Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố.
Đây là các cán bộ y tế có trình độ chuyên môn được lựa chọn để hỗ trợ, phối hợp với y tế Thái Nguyên và Yên Bái thực hiện các hoạt động vệ sinh môi trường, khử khuẩn nguồn nước, phòng chống dịch bệnh…
Trước đó, Giám đốc Sở Y tế Bình Định Lê Quang Hùng đã làm việc với lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Yên Bái và tỉnh Thái Nguyên, để nắm bắt nhu cầu y tế ở 2 địa phương này.
Trên cơ sở đó, Sở Y tế Bình Định hỗ trợ cho 2 tỉnh trên số hàng hoá trị giá gần 800 triệu đồng, gồm 700 kg Chloramin B bột (mỗi tỉnh 350 kg), 20 cơ số thuốc phòng chống lụt bão và 4.000 túi thuốc cho hộ gia đình, do BIDIPHAR tài trợ.
Bình Định là tỉnh đầu tiên đưa nhân lực cùng thuốc men đến hỗ trợ các tỉnh bị ảnh hưởng lũ và bão Yagi.
Sở Y tế TP.HCM gửi 30.000 “Túi thuốc gia đình”cho 10 tỉnh, thành bị bão lũ
Cũng trong sáng 13/9, Sở Y tế TP.HCM cho biết sẽ khẩn trương gửi 30.000 “Túi thuốc gia đình” hỗ trợ đồng bào 10 tỉnh, thành miền Bắc đang bị ảnh hưởng nặng nề do bão số 3, gồm: Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Bắc Giang, Thái Nguyên, Hoà Bình.
Đây là hành động hỗ trợ trong giai đoạn đầu của TP.HCM. Ngày 14/9/2024, các túi thuốc đầu tiên sẽ bắt đầu vận chuyển đến các Sở Y tế các tỉnh, thành để kịp thời hỗ trợ người dân.
Theo Sở Y tế TP.HCM, trong bối cảnh nước lũ dâng cao làm nhiều hộ dân bị cô lập, “Túi thuốc gia đình” với những thuốc thiết yếu như hạ sốt, đau bụng, tiêu chảy, dị ứng, thuốc sát trùng da, băng keo cá nhân,… nhanh chóng gửi đến người dân đang bị ảnh hưởng nặng nề của cơn bão số 3 là rất cần thiết.
“Túi thuốc gia đình” với những thuốc thiết yếu (không thuộc nhóm phải kê đơn theo quy định) cùng các vật dụng chăm sóc cá nhân như dung dịch sát khuẩn, băng keo cá nhân, băng gạc,… cùng hướng dẫn sử dụng chi tiết, sẽ giúp người dân tự chăm sóc sức khoẻ trong giai đoạn khó khăn bị cô lập do nước lũ dâng cao.
Bên cạnh đó, Sở Y tế TP.HCM cũng sẵn sàng nguồn nhân lực hỗ trợ cho công tác khám, chữa bệnh ban đầu tại cộng đồng khi nước lũ rút và khi nhận được đề nghị chi viện nhân lực với những công việc cụ thể của các Sở Y tế các tỉnh, thành miền Bắc hoặc yêu cầu của Bộ Y tế.
Các đơn vị y tế của TP.HCM cũng sẵn sàng nguồn nhân lực chuyên khoa hỗ trợ cho các bệnh viện tuyến huyện, tuyến tỉnh khi nhận được đề nghị của các Sở Y tế các tỉnh, thành miền Bắc hoặc yêu cầu của Bộ Y tế.
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu