Giá vàng hôm nay (15/9): Chặn dây suy giảm

VietTimes – Quy đổi theo tỷ giá hối đoái USD/VND mà ngân hàng Vietcombank đang niêm yết, tính ra giá vàng trong nước hiện đang nhỉnh hơn thế giới khoảng 600 nghìn đồng mỗi lượng (chưa tính thuế và chi phí gia công).
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Chốt phiên giao dịch Thứ Tư (ngày 14/09), giá vàng giao tháng Mười hai trên sàn Comex tại Sở giao dịch New York Mercantile đảo chiều nhích nhẹ $2,40 (+0,2%) lên đóng cửa ở $1.326,10/oz, thoát đáy 2 tuần và chặn lại chuỗi giảm liên tiếp ở con số 5 phiên.

Tương tự, giá bạc giao Tháng Mười hai cũng nhích 9,1 cents (+0,5%) lên chốt ở $19,066/oz – thoát đáy một tháng vừa lập phiên trước đó ở $18,975/oz.

Trong số các kim loại quý khác, giá đồng giao tháng Mười Hai tăng 2,6% lên $2,155/pound, trong khi giá bạch kim tăng 0,2% lên $1.034,2/oz và giá palladium tăng 0,8% lên $656,9/oz.

Trên phương thức giao dịch điện tử, tính đến thời điểm 9h18’ sáng nay (giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay Comex đang đứng ở $1.325,27/oz.

Cùng lúc, tại thị trường châu Á, giá vàng miếng giao ngay trên sàn Kitco lại được yết ở $1.325,20/oz.

Diễn biến giá vàng hôm nay ở thị trường châu Á.

Về diễn biến thị trường, phiên Thứ Tư, giá vàng hưởng lợi từ việc đồng USD giảm giá khi thị trường toàn cầu ngóng chờ các phiên họp chính sách trong tuần tới.

Giá kim loại quý những tuần gần đây chịu tác động mạnh mẽ trước diễn biến của USD cũng như bình luận của các quan chức Fed. Phiên họp chính sách 2 ngày của Fed sẽ bắt đầu vào ngày 20/9 và cho đến khi phiên họp này kết thúc, thị trường vẫn vẫn tiếp tục chịu áp lực.

Trong khi đó, UBS Wealth Management Research dự đoán giá vàng sẽ dao động ở 1.275-1.425 USD/ounce trong giai đoạn 3 tháng.

Về mặt kỹ thuật, ngưỡng kháng cự ban đầu dự đoán đạt $1.330/oz, sát mức bình quân 21 ngày.

Ông Julian Phillips, nhà sáng lập GoldForecaster.com cho rằng đồng USD khó có khả năng tăng trong tương lai, vì Kho bạc Mỹ và Fed không muốn bạc xanh mạnh lên. Đây là điều bất lợi cho nền kinh tế.

Cho đến khi Fed có quyết sách, giá vàng chỉ có thể biến động mạnh nhờ hoạt động mua hoặc bán ròng hoặc quỹ SPDR Gold Trust biến động.

Còn biên tập viên của trang The 7:00’s Report, ông Tyler Richey lại nhận định, mặc dù quyết định của Fed đang được thị trường chú ý, động thái của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản mới là xúc tác quan trọng nhất cho giá cổ phiếu, trái phiếu, tiền tệ và vàng.

Một quyết định gây thất vọng có thể đẩy đồng yên tăng giá, tạo sức ép lên đồng USD. Chứng khoán và trái phiếu giảm giá có thể khiến vàng trở nên “đắt khách” với vai trò tài sản trú ẩn trong biến động.

Nếu BoJ giữ thái độ chủ hòa, đồng USD sẽ tăng giá và giá vàng giảm. Trong dài hạn, việc giá vàng mất mốc 1.300USD/oz sẽ là cơ hội mua vào.

Diễn biến giá vàng SJC 7 ngày qua.

Bám sát diễn biến tại thị trường thế giới, mở cửa phiên giao dịch sáng nay (Thứ Năm ngày 15/09), giá vàng SJC cũng nhích nhẹ.

Cụ thể, đến thời điểm 10h11’ sáng nay, giá vàng miếng SJC của Công ty TNHH Một thành viên Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) đang đứng ở 36,07 – 36,31 triệu đồng/lượng (MV-BR), tăng 40 nghìn đồng so với chốt phiên trước đó.

Tương tự, tại các đại lý của Doji, giá vàng miếng SJC cũng được Tập đoàn điều chỉnh tăng 30 nghìn đồng mỗi lượng lên yết ở 36,18 – 36,25 triệu đồng/lượng (MV-BR) đối với giao dịch lẻ; và đắt hơn 10 nghìn đồng chiều mua, đồng thời rẻ hơn 10 nghìn đồng chiều bán đối với giao dịch buôn ở thị trường Hà Nội. Hiện, doãng chênh lệch 2 chiều mua - bán ở Doji là 70 nghìn đồng/lượng.

Cùng thời điểm, giá vàng miếng SJC tại Công ty TNHH vàng bạc đá quý Bảo Tín Minh Châu đang được chào giá ở mức 36,20 – 36,25 triệu đồng/lượng (MV-BR). Trong khi, giá nhẫn tròn trơn loại Rồng vàng Thăng Long lại được yết ở 35,84 – 36,29 triệu đồng/lượng (MV-BR).

Còn chênh lệch nội – ngoại, quy đổi theo tỷ giá hối đoái USD/VND mà ngân hàng Vietcombank đang niêm yết, tính ra giá vàng trong nước hiện đang nhỉnh hơn thế giới khoảng 600 nghìn đồng mỗi lượng (chưa tính thuế và chi phí gia công).

X.T