Không cần Transfermarkt định giá chỉ cần thấy Công Vinh, Công Phượng những chân sút hàng đầu V.League chỉ ngồi dự bị tại J2-League thì chúng ta đã hình dung được chất lượng và giá chuyển nhượng cầu thủ. Tìm hiểu kỹ thì biết đội tuyển Nhật Bản hiện nay là những cầu thủ xuất sắc nhất J1-League kết hợp với các cầu thủ đang đá tại châu Âu như Bundesliga, Serie A, Premier League.
Đội hình toàn sao
Đắt nhất trong đội hình Nhật Bản chính là các cầu thủ số 9 Daichi Kamada đá cho CLB E.Frankfurt (Bundesliga, giá 25 triệu euro). Đây cũng là con số chuyển nhượng lớn đối với một cầu thủ châu Á tại thời điểm hiện nay. Tiếp theo là hậu vệ Tomiyasu (Arsenal, giá 20 triệu euro), Takumi (Liverpool, giá 12 triệu euro), W.Endo (Stuttgart, giá 10 triệu euro)…
Trong khi đó, giá trị chuyển nhượng cao nhất phía Việt Nam chỉ 300.000 euro, (Quang Hải, Văn Toàn, Quế Ngọc Hải). Transfermarkt đánh giá tổng giá trị đội tuyển Nhật Bản 110,1 triệu euro trong khi đó đội chủ nhà Việt Nam chỉ 4,58 triệu euro, gấp khoảng 27 lần. Như thế chỉ tính riêng giá chuyển nhượng của Daichi Kamada đã gấp 5 lần đội tuyển của chúng ta. Giá trị trung bình của 1 cầu thủ tuyển Nhật Bản là 4,4 triệu euro trong khi đó bên Việt Nam là 199.000 euro, gấp hơn 21 lần. Một con số quá chênh lệch, điều này cũng lý giải vì sao đội tuyển Nhật Bản đứng thứ 2 châu Á trong khi vị trí của chúng ta là 17.
Khách quá mạnh
Điều đó cũng lý giải vì sao ở cấp độ đội tuyển quốc gia, Nhật Bản toàn thắng cả 3 trận gặp nhau. Đội Nhật Bản ghi được 6 bàn thắng và chỉ để thủng lưới duy nhất 1 bàn tại cúp châu Á 2007 trên sân Mỹ Đình. Bàn thắng của chúng ta là do hậu vệ Nhật Bản đốt lưới nhà từ tình huống tiền đạo Công Vinh của chúng ta gây sức ép trong tình huống đá phạt góc. Các tuyển thủ Văn Đức, Văn Toàn, Xuân Trường, Ngọc Hải và khá nhiều các cầu thủ đội tuyển Việt Nam đã từng đối đầu với “Brazil châu Á”. Đá với một đội bóng vừa đá kỹ thuật, lại có nền tảng thể lực cực tốt, nhiều cầu thủ thi đấu châu Âu nên khả năng đọc trận đấu nhanh và ý tưởng sáng tạo là vô biên.
Tài năng trẻ của bóng đá Nhật Bản, tiền vệ Nakata. Ảnh AFC |
Trên băng ghế chỉ đạo HLV trưởng đội tuyển Nhật Bản Hajime Moriyasu cũng có sự nghiệp cầm quân chả hề thua kém ông Park Hang-seo. Ở cấp độ CLB ông đã từng 2 lần đưa Sanfrecce Hiroshima vô địch J1-League. Khi còn là cầu thủ (1992-1996) ông Hajime Moriyasu đã từng có 35 trận đá cho đội tuyển quốc gia. Trong sự nghiệp cầm quân, ông Hajime Moriyasu từng dẫn dắt U20 Nhật Bản tham dự VCK U20 năm 2007. Ông Moriyasu đã làm trợ lý cho HLV Akira Nishino lọt vào vòng 16 đội tại World Cup 2018 trên đất Nga. Khá nhiều cầu thủ đội tuyển Nhật Bản hiện nay là học trò do ông đào tạo khi còn đá cho các đội tuyển trẻ quốc gia như Daiki, Tomiyasu.
HLV Hajime Moriyasu ảnh hưởng nhiều lối đá của Brazil, ông rất thích chơi với sơ đồ 4-2-3-1 và 4-3-3 thiên về tấn công bằng lối đá ngắn, nhanh, thấp. Thuyền to thì sóng lớn, ông Moriyasu được lệnh phải giành vé đi Qatar nên trận đấu tới đây đội tuyển Việt Nam chúng ta có tâm lý thoải mái hơn và biết đâu ông Park lại có bài độc để có điểm.