Theo các số liệu thị trường, lúc 8 giờ 56 phút giờ GMT (tức 15 giờ 56 phút giờ Việt Nam), giá dầu Brent Biển Bắc đã giảm xuống mức 35,75 USD/ thùng, thấp hơn 67 cent so với mức thấp nhất năm 2004.
Giá dầu thô ngọt nhẹ tại New York (Mỹ) giảm xuống còn 35,51 USD/thùng sau khi đã rớt giá 79 cent trong ngày trước đó.
Căng thẳng giữa Saudi Arabia và Iran bùng lên sau việc ngày 2/1 nhóm người quá khích ở thủ đô Tehran và thành phố Mashhad tại Iran, đốt phá Đại sứ quán và Lãnh sự quán Saudi Arabia tại đây liên quan tới việc Saudi Arabia hành quyết giáo sỹ Hồi giáo dòng Shi'ite Nimr al-Nimr - nhân vật chủ chốt trong làn sóng biểu tình nổ ra năm 2011 ở miền Đông Saudi Arabia.
Diễn biến này đã làm dấy lên quan ngại trên thị trường dầu thế giới. Tuy nhiên, giới phân tích đánh giá rằng ảnh hưởng địa chính trị tại khu vực Trung Đông tới thị trường dầu trong phiên này bị hạn chế bởi nhân tố nguồn cung dư thừa, cũng như sản lượng khai thác dầu gia tăng tại các nước sản xuất dầu khác đặc biệt là Mỹ.
Theo Chủ tịch Viện Dầu mỏ Mỹ (API) Jack Gerard, trong một thập kỷ qua, bản đồ địa chính trị về năng lượng đã thay đổi đáng kể khi mà ngành sản xuất dầu ở Mỹ bùng nổ với sản lượng hàng ngày lên tới 9 triệu thùng.
Kể từ năm 2013, Mỹ đã vượt Nga và Saudi Arabia trở thành nhà sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới.
Tuy nhiên, ảnh hưởng của Mỹ đặc biệt rõ rệt sau khi Quốc hội nước này quyết định dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu dầu mỏ vốn được áp dụng suốt bốn thập kỷ qua.
Với động thái này, Mỹ trở thành một nguồn cung thay thế trong trường hợp các quốc gia sản xuất dầu khác bị ảnh hưởng do bất ổn chính trị.
Theo VietNam+