Thay thế và “níu giữ” vị trí Chủ tịch HĐQT xoay quanh Nghị quyết 112
Khởi đầu của những lùm xùm này xuất phát từ Nghị quyết số 112/2019/EIB/NQ-HĐQT (Nghị quyết số 112) ngày 22/3/2019 của HĐQT Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank - Mã CK: EIB).
Trong đó, Nghị quyết số 112 nêu rõ:
"Điều 1. Bãi nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT đối với Ông Lê Minh Quốc: HĐQT thông qua bãi nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT đối với Ông Lê Minh Quốc kể từ ngày 22/3/2019. Ông Lê Minh Quốc có trách nhiệm bàn giao đầy đủ công việc, tài liệu và các vấn đề có liên quan của HĐQT cho Chủ tịch HĐQT mới được HĐQT ngân hàng Eximbank bầu. Việc bàn giao phải được hoàn tất trong vòng 5 ngày kể từ ngày Nghị quyết có hiệu lực.
Điều 2. Bầu chức danh Chủ tịch: HĐQT thông qua bầu bà Lương Thị Cẩm Tú giữ chức danh Chủ tịch HĐQT thay ông Lê Minh Quốc kể từ ngày 22/3/2019.
Điều 3. Nghị quyết này có hiệu lực kể từ ngày ký."
Như vậy, có thể hiểu “tinh thần” của Nghị Quyết 112 là việc chiếc “ghế” cao nhất tại Eximbank đã được đổi từ ông Lê Minh Quốc thành bà Lương Thị Cẩm Tú kể từ ngày 22/3/2019. Quyết định được ký bởi “tân” Chủ tịch HĐQT bà Lương Thị Cẩm Tú.
Cuộc “đổi ngôi” trước thềm cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2019 (ngày 26/4/2019) của Eximbank được nhiều người lạc quan kỳ vọng rằng những tranh chấp giữa các nhóm cổ đông tại nhà băng này trong nhiều năm qua đã đi đến hồi kết.
Nhưng câu chuyện không đơn giản như vậy. Bởi ngay sau khi nghị quyết này được công bố, ngày 25/3/2019, ông Lê Minh Quốc đã có đơn khởi kiện gửi Tòa án Nhân dân (TAND) Quận Đống Đa.
Trong đó, như đã tiết lộ với truyền thông, ông Quốc cho rằng việc tổ chức phiên họp HĐQT ngày 22/3/2019 để rồi thông qua Nghị quyết số 112 có nhiều sai phạm như: chưa đủ thành viên tiến hành cuộc họp, trình tự triệu tập cuộc họp không đúng quy định…
Vì những lý do này, ông Lê Minh Quốc đã đề nghị hủy bỏ Nghị quyết số 112 và buộc “nhóm” 7 thành viên HĐQT Eximbank, bao gồm các ông bà: Đặng Anh Mai, Lê Văn Quyết, Lương Thị Cẩm Tú, Cao Xuân Ninh, Hoàng Tuấn Khải, Yasuhiro Saitoh, Yutaka Moriwaki và Eximbank (với vai trò là “người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan”) phải tạm dừng việc thực hiện nghị quyết này.
Được biết, 7 bị đơn là Thành viên HĐQT Eximbank được nhắc tới là những thành viên đã tham gia cuộc họp HĐQT Eximbank ngày 22/3/2019 thông qua nghị quyết bãi nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT đối với ông Lê Minh Quốc.
Tới ngày 27/3/2019, sau khi thụ lý hồ sơ, TAND Quận Đống Đa (Hà Nội) đã ban hành Quyết định số 92 áp dụng biên pháp khẩn cấp tạm thời , buộc các bị đơn và Eximbank phải tạm dừng thực hiện Nghị quyết số 112.
Nhờ “níu giữ” được chức vụ Chủ tịch HĐQT từ quyết định của Tòa án, ông Lê Minh Quốc vẫn là Chủ tọa của cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2019 diễn ra ngày 26/4/2019 (nhưng không thể tiến hành do không đủ túc số).
Nội dung Nghị quyết số 112/2019/EIB/NQ-HĐQT (Nguồn: EIB)
|
“Hồi kết” cho Nghị quyết 112 hay sự hợp lệ của Nghị quyết 231?
Nhưng những nỗ lực nhằm thay thế ông Lê Minh Quốc vẫn tiếp tục được thực hiện. Nhóm 5 thành viên HĐQT Eximbank bao gồm các ông: Đặng Anh Mai, Hoàng Tuấn Khải, Cao Xuân Ninh, Yasuhiro Saitoh, Yutaka Moriwaki - tiếp tục kiến nghị triệu tập các cuộc họp HĐQT vào ngày 6/5 và 15/5/2019.
Trong đó, nội dung đứng đầu trong chương trình họp là việc "Xem xét Nghị quyết 112/2019/EIB/NQ-HĐQT ngày 22/3/2019 của HĐQT" bên cạnh việc bãi nhiệm Chủ tịch HĐQT đối với ông Lê Minh Quốc và bầu Chủ tịch mới, cùng một số nội dung khác.
Theo nguồn tin của VietTimes, ngày 15/5 vừa qua, “số phận” của Nghị quyết số 112 đã được định đoạt bởi Nghị quyết 231/2019/EIB/NQ-HĐQT (Nghị quyết 231).
Cụ thể, nội dung nghị quyết này nêu rõ:
“Điều 1. Thông qua việc chấm dứt hiệu lực của Nghị quyết số 112/2019/EIB/NQ-HĐQT ngày 22/3/2019 của HĐQT. Thời điểm chấm dứt hiệu lực Nghị quyết số 112/2019/EIB/NQ-HĐQT kể từ ngày ban hành Nghị quyết của HĐQT đối với nội dung này.
Điều 2. Nghị quyết có hiệu lực kể từ ngày ký”.
Như vậy, sau gần 2 tháng được công bố, Nghị quyết số 112 có vẻ như đã được “khai tử” bằng việc chấm dứt hiệu lực.
Cần lưu ý rằng, trong một diễn biến bất ngờ, Tòa án đã ban hành Quyết định số 159/2019/QĐ-HBBPKCTT hủy bỏ áp dụng biện pháp khẩn cấp tạp thời và tạm dừng thực hiện Nghị quyết số 112 trước đó 1 ngày (tức ngày 14/5/2019).
Điều này đồng nghĩa việc 112 có hiệu lực và theo nghị quyết này, bà Lương Thị Cẩm Tú đã thay thế ông Lê Minh Quốc làm Chủ tịch HĐQT Eximbank kể từ ngày 22/3/2019. Trong khi đó, Nghị quyết số 231 lại được ký bởi ông Lê Minh Quốc với chức danh là Chủ tịch - thay mặt HĐQT ký ban hành.
Đành rằng theo nội dung Nghị quyết số 231, cuộc “đổi ngôi” tại vị trí Chủ tịch HĐQT xem như chưa hề diễn ra và ông Quốc vẫn giữ vai trò Chủ tịch.
Điều này cũng có phần tương tự nội dung của một bộ phim khá ăn khách đang được công chiếu trong thời gian gần đây khi các "Avengers" tìm cách lấy những viên đá vô cực trong quá khứ và trả lại đúng thời điểm để không làm thay đổi dòng thời gian.
Nhưng trên thực tế, cần phải đặt ra câu hỏi về sự hợp pháp, hợp lệ của Nghị quyết 231. Bởi lẽ, trước khi bước vào cuộc họp HĐQT Eximbank ngày 15/5, bà Lương Thị Cẩm Tú (căn cứ theo quyết định mới đây của Tòa án) đã là Chủ tịch HĐQT của ngân hàng này và như vậy, Nghị quyết 231 đáng lẽ cũng phải do bà Tú ký ban hành.
Nhưng ở đây, có lẽ cũng nên đặt ra vấn đề, rằng Quyết định số 159/2019/QĐ-HBBPKCTT đã đến Eximbank vào lúc nào và pháp luật sẽ lựa chọn thời điểm ký quyết định hay thời điểm quyết định được gửi tới các đương sự để "bật" hiệu lực. Việc này sẽ có ý nghĩa, để xác định tính hợp lý, hợp lệ, hợp pháp của Nghị quyết 231 mà ông Lê Minh Quốc đã ký. Bởi có khi nào Quyết định 159 đến muộn nên khi ông Quốc ký Nghị quyết 231 thì HĐQT Eximbank chưa hề biết đến sự tồn tại của văn bản này. Nhưng cũng lưu ý, Quyết định số 159 của Tòa án nhân dân Tp. HCM có nêu rõ: "Quyết định này có hiệu lực thi hành ngay".
Trao đổi với VietTimes vào chiều muộn 15/5, bà Lương Thị Cẩm Tú cho hay cuộc họp HĐQT Eximbank diễn ra cùng ngày đã xuất hiện những bất đồng căng thẳng, dẫn đến cuộc họp phải tạm dừng và không ra được biên bản, dù đã kéo dài thông trưa. Nếu những chia sẻ của bà Tú là chính xác, thì căn cứ để HĐQT ban hành Nghị quyết 231 trong ngày 15/5 hẳn nhiên là mâu thuẫn.
Có nghĩa rằng, việc xác Nghị quyết số 112 đã hoàn thành sứ mệnh, hay nói các khác là đã được dừng hiệu lực một cách thực sự hay chưa, vẫn còn bỏ ngỏ.
Đây cũng chính là nguyên nhân mà câu hỏi: “Ai đang là Chủ tịch Eximbank?” lại trở nên thời sự như vậy./.
Ông Lê Minh Quốc xin từ nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT Eximbank Cũng theo nguồn tin của VietTimes, trong một diễn biến có liên quan, ngày 14/5/2019, ông Lê Minh Quốc đã có đơn từ nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT của Eximbank “sau khi suy nghĩ thấu đáo”. Theo đó, ông Quốc cho biết đã đảm nhiệm vị trí này kể từ tháng 12/2015 và nhận thấy Eximbank đã có nhiều khởi sắc, đạt nhiều kết quả khả quan sau khi đã xử lý từng bước các tồn đọng về tài chính, xử lý nợ xấu, đi lên từ những khó khăn chồng chất để lại từ thời kỳ trước. Song song với đó, hình ảnh và nhận diện thương mại của Eximbank cũng được thay đổi theo hướng sáng tạo và hiện đại hơn. Ông Lê Minh Quốc khẳng định những bất đồng và mâu thuẫn nội bộ liên quan đến chức danh Chủ tịch HĐQT vừa qua dẫn đến các tranh chấp và thủ tục tố tụng phải giải quyết tại Tòa án là điều mà cá nhân ông “hoàn toàn không mong muốn”. “Trong hoàn cảnh có quá nhiều ý kiến bất đồng và mâu thuẫn khó hòa giải liên quan đến người nắm giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT Eximbank gần đây đang gây khó khăn cho hoạt động quản trị điều hành ngân hàng, vì lợi ích cao nhất của ngân hàng và của cổ đông, Tôi xin từ nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT và giới thiệu người khác để HĐQT xem xét bầu chọn thay thế” - ông Quốc bày tỏ. Bên cạnh đó, ông Quốc cho biết việc từ nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT của mình dựa trên cơ sở đa số thành viên HĐQT thống nhất giải pháp bảo đảm an toàn cho cá nhân ông, và để HĐQT Eximbank có thể đi đến thống nhất về một phương án khả dĩ ổn định tình hình, tạo thuận lợi cho hoạt động quản trị điều hành ngân hàng đang bị trì trệ do các bất đồng trong nội bộ HĐQT. Sau cùng, ông Quốc hy vọng Chủ tịch HĐQT mới của Eximbank sẽ là một người xứng đáng, giúp ổn định lại tình hình quản trị và điều hành cho mục tiêu phát triển trong tương lai./. |
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu