Thông tin được Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty CP Bưu chính Viettel (Viettel Post) Đinh Thanh Sơn trao đổi tại Hội nghị Phát triển thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam với chủ đề: Phát triển TMĐT bền vững, do Bộ Công Thương tổ chức mới đây.
Ông Sơn cũng đã phân tích các yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến niềm tin của người tiêu dùng với TMĐT. Cùng với niềm tin của người dùng thì chất lượng dịch vụ chuyển phát là yếu tố quan trọng thứ hai, góp phần quan trọng trong việc xây dựng niềm tin của khách hàng.
Theo lãnh đạo Viettel Post, hiện tại thị trường TMĐT tại Việt Nam đang có sự tăng trưởng rõ rệt, được đánh giá là một trong những thị trường thương mại điện tử phát triển nhanh nhất ở khu vực Đông Nam Á. Dự kiến con số này sẽ đạt 20,5 tỷ USD trong năm 2023, tăng khoảng 4 tỷ USD, tăng 25% so với năm trước...
"Song hành cùng với sự phát triển của TMĐT thì hệ thống logistics giữ vai trò quan trọng giúp liên kết và tối ưu toàn bộ quá trình sản xuất và lưu thông trên phạm vi rộng, xuyên biên giới" - ông Sơn nói, và khẳng định, TMĐT muốn phát triển mạnh, không thể thiếu các dịch vụ logistics và chuyển phát chất lượng.
Với 74% người dân sử dụng Internet, Việt Nam có khoảng 59-62 triệu người tiêu dùng mua sắm trực tuyến và quốc gia có tỷ lệ người dân mua sắm TMĐT rất cao tại Khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên có còn những điều mà làm ảnh hưởng lớn đến niềm tin của người tiêu dùng với TMĐT tại Việt Nam.
Trong đó, hiện tại khách hàng mua hàng 90% sử dụng phương thức thanh toán COD trong đó có 10% thanh toán không thành công là do người bán không bán đúng sản phẩm đưa lên sàn hoặc người mua theo cảm xúc.
Chất lượng sản phẩm không được kiểm chứng, hoặc không có đơn vị đảm bảo về chất lượng sản phẩm được bán.
"Hai yếu tố trên đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến niềm tin của khách hàng với TMĐT, khách hàng dần mất niềm tin đặt mua hoặc mua trong sự nghi ngờ" - ông Sơn khẳng định.
Viettel Post cũng đưa ra 3 giải pháp thúc đẩy thị trường, đó là tích hợp hệ thống với chứng chỉ chứng nhận cam kết hàng hóa giữa người mua – người bán; áp dụng tính năng thanh toán đảm bảo; áp dụng hợp đồng điện tử. Với các giải pháp này, niềm tin của khách hàng dành cho TMĐT sẽ được tăng lên, cùng với sự tăng trưởng của TMĐT Quốc gia.
Từ kết quả khảo sát thực trạng mua hàng TMĐT hiện nay và vai trò của chuyển phát trong TMĐT, Viettel Post chỉ ra định hướng cho các doanh nghiệp chuyển phát chung tay xây dựng niềm tin của khách hàng bằng yếu tố “3 đảm bảo”: Đảm bảo hàng hóa được giao đúng thời hạn; Đảm bảo hàng hóa được giao nguyên vẹn; Đảm bảo hành hóa được giao an toàn.
“Chuyển phát giờ đây sẽ đóng vai trò là dòng chảy vật lý kết nối giữa người bán và người mua từ đó nâng vai trò của giải pháp logistics và dịch vụ chuyển phát đảm bảo sẽ là cách thức giải quyết thực trạng hiện tại của TMĐT”, Phó Tổng Giám đốc Viettel Post Đinh Thanh Sơn nhấn mạnh.
Bưu chính và hàng không hợp tác giảm 30% chi phí logistics
Cũng liên quan hoạt động TMĐT và chuyển phát, tại Hội nghị Giải pháp vận chuyển hàng không linh hoạt và tối ưu dành cho doanh nghiệp tại các khu công nghiệp, khu kinh tế Hải Phòng diễn ra mới đây, Viettel Post và Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) cho biết sẽ hỗ trợ giải pháp logistics cho các doanh nghiệp tại Hải Phòng với chi phí tiết kiệm 30%.
Theo ông Nguyễn Trung Kiên - Giám đốc Viettel Post Hải Phòng, tại địa phương này, hàng hóa di chuyển qua luồng vận hành của Viettel Post có thể chuyển phát đến tận tay khách hàng tại Hà Nội và TP.HCM chỉ trong khoảng thời gian 6 tiếng, tức, giảm 50% -70% thời gian so với trước đây. Tại các địa chỉ khác trên toàn quốc, Viettel Post cũng vận chuyển giao hàng trong 24 giờ.
Đối với nhu cầu vận chuyển quốc tế, tại sân bay Cát Bi, Viettel Post sở hữu đội ngũ nhân lực có kinh nghiệm trong lĩnh vực hải quan, hỗ trợ các thủ tục xuất nhập khẩu 24/7, giải quyết các vấn đề phát sinh cho khách hàng một cách nhanh chóng. Trung bình, Viettel Post hỗ trợ kết nối hàng chuyển phát nhanh với số lượng 30-40 tấn/ tháng trên toàn thế giới.
Hải Phòng được biết đến là một đầu mối giao thông quan trọng với hệ thống giao thông thuỷ, bộ, đường sắt, hàng không trong nước và quốc tế, là cửa ngõ giao thương lớn của thủ đô Hà Nội và các tỉnh phía Bắc. Bên cạnh lợi thế về cảng hàng không quốc tế, Hải Phòng cũng nổi lên là một trong những địa phương có nguồn tài nguyên dồi dào, thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước với đa dạng lĩnh vực, đặc biệt là các sản phẩm điện tử, linh kiện, cơ khí, nông thủy hải sản, thực phẩm, dệt may, xơ sợi, ô tô, da giày…
Tính đến nay, Hải Phòng đã thu hút hơn 1.000 dự án FDI với tổng vốn đầu tư gần 28 tỷ USD. Các khu công nghiệp, khu kinh tế thu hút 708 dự án với tổng vốn đầu tư 38,1 tỉ USD. Trong 8 tháng năm 2023, đã cấp mới 45 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đạt gần 2,1 tỉ USD và 11 dự án FDI đạt gần 15.000 tỉ đồng (gần 600 triệu USD)./.