Theo thông tin từ trang nội bộ của Tập đoàn FPT Chungta.vn, danh sách được xác định bởi Hiệp Hội quốc tế về dịch vụ thuê ngoài chuyên nghiệp (IAOP) và được công bố thường niên trên Fortune - tạp chí nổi tiếng về kinh doanh toàn cầu. Đây là năm thứ 12 IAOP công bố danh sách này và FPT Software lần thứ tư liên tiếp được vinh danh.
FPT Software được đánh giá qua các tiêu chí như độ lớn và tốc độ tăng trưởng (Size & Growth), khả năng cung cấp dịch vụ (Dilivery Excellence), khả năng đổi mới (Programs For Innovation) và trách nhiệm xã hội (CSR). Danh sách của IAOP đặt theo thứ tự alphabet chứ không xếp hạng cụ thể.
Theo thông cáo của Hiệp Hội quốc tế về dịch vụ thuê ngoài chuyên nghiệp, các doanh nghiệp được đánh giá dựa trên phương pháp chấm điểm nghiêm ngặt của một hội đồng độc lập tập hợp bởi một nhóm các thành viên IAOP như: Debi Hamill, CEO, IAOP; Daniel Beimborn, Giáo sư trường Tài chính và Quản trị Frankfurt; Cheryl Seely, Giám đốc Thomson Reuters hay Paul Quaglia, Phó chủ tịch mảng ứng dụng doanh nghiệp, GE Healthcare…
Bà Debi Hamill, CEO IAOP, cho rằng, với các doanh nghiệp, việc lựa chọn đối tác để thuê ngoài là vô cùng quan trọng. “Danh sách 100 nhà cung cấp dịch vụ thuê ngoài tốt nhất thế giới là tài liệu tham chiếu giúp các công ty nghiên cứu, so sánh để xem xét lựa chọn đối tác thuê ngoài phù hợp với nhu cầu của công ty”, Giám đốc điều hành IAOP nhận định.
Sau gần 20 năm tham gia toàn cầu hóa, đến đầu năm 2017, FPT Software đã có mặt tại 21 quốc gia/vùng lãnh thổ, năng lực của Việt Nam trong lĩnh vực phần mềm đã được khẳng định. Bên cạnh việc có thể cạnh tranh trực tiếp với Tata, Infosys, Wipro… phần mềm do các kỹ sư Việt Nam thực hiện còn được các tổ chức quốc tế đánh giá cao. Việc liên tiếp có mặt trong Danh sách 100 nhà cung cấp dịch vụ outsourcing toàn cầu lần này đã một lần nữa khẳng định vị trí dẫn đầu của FPT Software trong lĩnh vực xuất khẩu dịch vụ phần mềm tại khu vực Đông Nam Á và tại Việt Nam.
Cuối năm 2016, FPT Software đã đạt 10.000 nhân viên. Quy mô nhân sự này tương đương Top 15 công ty phần mềm của Ấn Độ và khoảng 10% tổng nhân lực trong lĩnh vực phần mềm của Việt Nam. Với cột mốc này, FPT Software đang tiến gần hơn danh sách Top các công ty có quy mô nhân lực lớn trong khu vực châu Á và mục tiêu 30.000 người, 1 tỷ USD doanh thu vào năm 2020.
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu