Nghị quyết 38/2004/QH11 về đường Hồ Chí Minh
Ngày 3 tháng 12 năm 2004, tại kỳ họp thứ 6, khóa XI, Quốc hội Việt Nam đã ra Nghị quyết số 38/2004/QH11 về chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh.
Khi thông qua Nghị quyết, đại biểu Quốc hội nhận thức rằng đường Hồ Chí Minh là một công trình có ý nghĩa lịch sử, chính trị, kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng đặc biệt quan trọng. Ý nghĩa càng cao, trách nhiệm của Nhà nước đối với con đường càng phải toàn diện và tương xứng. Chính vì vậy, Nghị quyết đã giao Chính phủ triển khai xây dựng công trình với năm yêu cầu (Điều 2), và hàng năm Chính phủ báo cáo với Quốc hội tình hình thực hiện công trình. Các cơ quan của Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các địa phương có đường Hồ Chí Minh đi qua, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình giám sát việc thực hiện Nghị quyết. (Điều 3).
Trong 5 yêu cầu, tác giả (khi đó là đại biểu Quốc hội) đặc biệt nhấn mạnh hai nội dung : (a) Lựa chọn hướng tuyến (đường) cụ thể phải (…) hạn chế tối đa tác động xấu đến môi trường, cảnh quan, các di tích lịch sử, văn hóa, các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên (…); (b) đảm bảo đúng tiến độ và yêu cầu cao về chất lượng, hiệu quả, sự bền vững của công trình.
Đường Hồ Chí Minh, đoạn Năm Căn – Đất Mũi
Với tổng chiều dài 3167 km, đường Hồ Chí Minh được Quốc hội thông qua kết nối 25 đoạn từ Pắc Bó (Cao Bằng) đến Đất Mũi (Cà Mau). Mỗi đoạn đều có những điểm nhấn đặc thù trong ý nghĩa chung của con đường. Riêng đoạn Năm Căn - Đất Mũi còn có thêm ý nghĩa là đoạn cuối, xác nhận rằng đường Hồ Chí Minh đã về đến đích và theo đúng các yêu cầu của Nghị quyết 38.
Đoạn đường này nằm trong tỉnh Cà Mau, điểm đầu thuộc địa phận thị trấn Năm Căn, điểm cuối tại xã Đất Mũi (không nói cụ thể vị trí điểm đến), huyện Ngọc Hiển. Tổng chiều dài của đoạn là 58,7 km.
Đặc điểm thứ nhất là nó nằm gọn trong vùng rừng ngập mặn đã bị tàn phá bởi chất độc da cam trong chiến tranh (Hình 1a, 1973) và đã hồi phục khá nhanh (Hình 1b, 1983). Nhưng rồi cánh kéo giá giữa lúa và tôm đã dẫn đến rừng ngập mặn bị mất dần nhanh chóng, nhường chỗ cho các vuông tôm (Hình 1c 1997, 1d 2016).
Diễn tiến rừng ngập mặn tại huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau
|
Vùng đất mà đoạn Năm Căn - Đất Mũi đi qua đã được Chương trình Điều tra cơ bản tổng hợp đồng bằng sông Cửu Long (60-B) nghiên cứu về trầm tích kỷ thứ tư 1, về thổ nhưỡng 2 (Hình 2a). Là nơi chuyển tiếp và giao thoa giữa hai chế độ triều khác nhau, Biển Đông (bán nhật triều không đều) và Biển Tây (nhật triều không đều), địa bàn đã được phân vùng thủy văn thủy lực 3 (Hình 2b). Hướng chảy của các sông rạch trong các Hình 1c và 1d cho thấy địa bàn thấp dần theo hướng Bắc - Đông Bắc về sông Cửa Lớn.
Từ năm 1988 đến 2016 biên độ triều tối đa và bình quân tại Năm Căn lần lượt là 294cm và 275 cm. Nước từ Biển Đông theo triều truyền vào sông Cửa Lớn cuối cùng đổ ra Biển Tây mang theo trầm tích bồi đắp vùng cửa sông này như được thể hiện qua các Hình 1a – 1d.
Thổ nhưỡng (2a) và phân vùng thủy văn thủy lực (2b) của huyện Ngọc Hiển
|
Lượng mưa năm tại Năm Căn bình quân từ năm 1980 đến 2017 là 2318 mm/năm tập trung vào các tháng mùa mưa 4.
Đường Hồ Chí Minh đoạn Năm Căn - Đất Mũi được khảo sát theo ba cung đoạn (I), (II), (III). Hình 3.
"Ba cung đoạn (I), (II) và (III) của đoạn đường Năm Căn - Đất Mũi"
|
Cung đoạn (I) được xây dựng trên vùng thấp, đất phèn mặn và phèn mặn có lớp than bùn. Vì vậy cung đoạn (I) dễ bị sụt lún, nhất là trong mùa mưa.
Cung đoạn (II) chạy dọc theo bờ biển trên nền đất sét mặn. Từ Kinh Ba, Rạch Gốc đến Khai Long trên ảnh vệ tinh từ năm 1984 đến 2016, và từ 1999 đến 2016 cho thấy bờ biển liên tục bị xâm thực và ngày càng nhanh. Hình 4.
Xâm thực bờ biển đe dọa trực tiếp cung đường (II)
|
Cung đoạn (III) đi xuyên qua Vườn quốc gia Mũi Cà Mau về phía Nam, Hình 5.
Cung đoạn (III) đường Hồ Chí Minh đi xuyên qua Vườn quốc gia Mũi Cà Mau
|
Nằm trong khu dự trữ sinh quyển Mũi Cà Mau (được UNESCO công nhận vào tháng 4 năm 2010), Vườn quốc gia Mũi Cà Mau được Tổ chức Môi trường thế giới công nhận năm 2012 là khu Ramsar thứ 2088 của thế giới và thứ năm của Việt Nam 5.
Hình 6 cho thấy biển động đường bờ và rừng ngập mặn của Vườn quốc gia Mũi Cà Mau từ năm 1993 đến năm 2014: lở dọc đường bờ phía Nam, bồi về phía Bắc.
Diễn biến của Vườn quốc gia Mũi Cà Mau 1993 - 2014
|
Các thách thức đối với đường Hồ Chí Minh, đoạn Năm Căn – Đất Mũi
Các đặc tính của địa bàn mà tác giả nêu lên trên đây là những thách thức mà chủ đầu tư và Ban Quản lý dự án nhất thiết phải đưa vào tính toán để đảm bảo “yêu cầu cao về chất lượng, hiệu quả, sự bền vững” cho đoạn Năm Căn - Đất Mũi, cũng như để dự báo hậu quả của tương tác giữa đường và Vườn quốc gia Mũi Cà Mau.
Khởi công dự án tháng 5/2009 với tổng mức đầu tư 3.932 tỷ đồng, Chủ đầu tư và Ban quản lý dự án chắc chắn phải biết cung đoạn (I) đi qua một vùng đất thấp, nền đất yếu, nhiều nơi có lớp than bùn.
Lựa chọn hướng tuyến cho cung đoạn (II), Ban Quản lý dự án không thể không biết là bờ biển dọc theo cung đoạn này liên tục bị xói lở liên tục từ năm 1984.
Quyết định cung đoạn (III) đi xuyên Vườn quốc gia Mũi Cà Mau, và điểm đến là Khu du lịch Đất Mũi, Ban Quản lý dự án chắc chắn không quên tính đến sự mong manh của một vùng rừng ngập mặn vừa được tái sinh, đang vừa được bồi (về phía Bắc) vừa bị sạt lở (ngay sát bên cạnh đường về phía Nam) và rất mẫn cảm với tác động của con người, nhằm đảm bảo sự cùng tồn tại bền vững giữa cung đoạn và Vườn quốc gia, điều kiện bền vững tiên quyết đối với cả hai.
Chính vì vậy, không thể không băn khoăn, lo lắng khi biết “trong điều kiện khó khăn về nguồn vốn và thi công thực tế, Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh đã chủ động rà soát, điều chỉnh lại các yếu tố kỹ thuật để tiết kiệm chi phí thi công”. Thế nào là “điều chỉnh lại các yếu tố kỹ thuật để tiết kiệm chi phí thi công”? Có phải các “điều chỉnh” và “tiết kiệm” này đã đẫn đến tình trạng xuống cấp nhanh chóng đoạn đường nói chung, và cung đoạn (I) nói riêng? Đến mức Sở Giao thông Vận tải tỉnh Cà Mau xin Bộ cho thôi nhận ủy thác việc quản lý, bảo trì đường Hồ Chí Minh đoạn Năm Căn - Đất Mũi từ năm 2019 ?!
Ban quản lý dự án có tiên liệu nếu cứ tiếp tục tốc độ xâm thực bờ biển như cho tới nay, thì mấy năm nữa sẽ phải kè một số đoạn trên cung đoạn (II) để bảo vệ đường Hồ Chí Minh? Sạt lở sẽ ngày cành nhanh hơn bởi lẽ rừng ngập mặn giữa biển và đường HCM ngày càng mỏng (do xâm thực) và thưa (dưới tác động khai thác của con người) sẽ khó lòng đương đầu với triều và sóng, nhất là trong bối cảnh nước biển dâng. Hình 7.
Hai địa điểm minh họa. Khoảng cách tới đường Hồ Chí Minh mỏng đi và độ dày của rừng ngập mặn thưa đi từ năm 2014 đến 2017 dưới tác động của con người và của biển |
Nghị quyết 38/2004/QH11 có một yêu cầu tại Điều 2, khoản 1: “Lựa chọn hướng tuyến (đường) cụ thể phải (…) hạn chế tối đa tác động xấu đến môi trường, (…) các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên (…)”.
Nếu điểm cuối của đường HCM phải nằm tại Khu du lịch Đất Mũi thì việc đi xuyên qua Vườn quốc gia Mũi Cà Mau là tất yếu.
Từ khi đường Hồ Chí Minh đoạn Năm Căn - Đất Mũi đi vào hoạt động, việc đi lại của người dân thuận tiện và nhanh hơn nhiều, hoạt động kinh tế nhộn nhịp, hai bên đường hàng quán nối tiếp nhau mọc lên, du lịch phát triển, đời sống khá lên rất rõ.
Tuy nhiên, ngoài thách thức đối với cung đoạn (II) đang bị đe dọa nghiêm trọng, những hình ảnh dưới đây dẫn chúng ta đến một câu hỏi cần được giải đáp: sự cùng tồn tại và phát triển hài hòa và bền vững giữa du lịch sinh thái dựa trên đoạn Năm Căn - Đất Mũi đường Hồ Chí Minh và Vườn quốc gia Mũi Cà Mau 6 có khả thi? Và nếu có thì với những điều kiện và biện pháp gì?
Được và Mất cần được chủ đầu tư và các Bộ ngành chức năng, các thiết chế nhà nước có liên quan làm rõ một cách đầy đủ, khách quan và càng sớm càng tốt.
-----
Lời cảm ơn. Tác giả chân thành cảm ơn Đài Khí tượng thủy văn Nam Bộ và tỉnh Cà Mau về các số liệu mưa và mực nước. Bài có sử dụng ảnh vệ tinh trong Google Earth và một số hình ảnh của Chi Cục Thủy lợi tỉnh, của các báo, mạng Internet và cổng thông tin điện tử của tỉnh. Xin đa tạ.
-----
(*) Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Ngọc Trân - Chủ nhiệm Chương trình khoa học nhà nước Điều tra cơ bản tổng hợp đồng bằng sông Cửu Long (1983-1990), Trưởng Ban Chỉ đạo nghiên cứu khai thác Bán đảo Cà Mau (1989-1992), đại biểu Quốc hội khóa IX, X, XI.
1 Hồ Chín, Võ Đình Ngộ và ctv, 1989, Trung tâm Địa học, Phân Viện Khoa học Việt Nam Tp. Hồ Chí Minh Sơ đồ trầm tích kỷ thứ tư vùng Bán đảo Cà Mau, tỷ lệ 1/50000, Chương trình 60-B, đề tài 60-B04-01.
2 Nguyễn Bảo Vệ và ctv, 1989, Trường Đại học Cần Thơ, Điều tra bổ sung bản đồ đất tỷ lệ1/100000 vùng Tây Nam sông Hậu, đồng bằng sông Cửu Long, Chương trình 60-B, đề tài 60-B-04-03b.
3 Nguyễn Ngọc Trân, Nguyễn Văn Đăng, Bùi Đắc Tuấn, Lê Đình Hồng, 1996, Trung tâm Nghiên cứu Phát triển đồn bằng sông Cửu Long và Trường Đại học Bách Khoa Tp Hồ Chí Minh, Phân vùng thủy văn thủy lực huyện Ngọc Hiển, tỉnh Minh Hải, Báo cáo trình bày tại Hội nghị chuyên đề "Nuôi tôm trong rừng ngập mặn tại huyên Ngọc Hiển, Hiện trạng, các vấn đề và triển vọng", do Trung Tâm Nghiên cứu Phát triển Đồng bằng sông Cửu long, Cơ quan nghiên cứu khoa học ORSTOM (Pháp) và Ủy ban Nhân dân tỉnh Minh Hải tổ chức tại Cà Mau, 11-13/12/1996.
4 Số liệu từ Đài Khi tượng thủy văn Nam Bộ và tỉnh Cà Mau về mưa và mực nước.
5 Được thành lập theo Quyết định số 142/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 14 tháng 7 năm 2003,
6 Vườn quốc gia Mũi Cà Mau có 7 chức năng, trong đó chức năng thứ hai và thứ ba là:
“2. Xây dựng Vườn quốc gia Mũi Cà Mau để phục vụ các hoạt động tham quan, du lịch sinh thái và hợp tác quốc tế, xây dựng và thực nghiệm các mô hình bảo tồn và sử dụng bền vững tài nguyên rừng ngập mặn, phát huy giá trị và chức năng kinh tế của hệ sinh thái đất ngập nước.
3. Phát huy vai trò phòng hộ bảo vệ môi trường, hạn chế xói lở, thúc đẩy quá trình bồi tụ bờ biển để bảo vệ đời sống và sản xuất của nhân dân các vùng đất liền, bảo vệ khu cư trú của ngư dân ở vùng ven biển, tạo nền tảng cho quá trình phát triển bền vững ở vùng ven biển.”
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu