Theo đánh giá của BSC, cơ chế điều hành tỷ giá mới sẽ phản ánh chân thực nhu cầu thị trường hơn, thay vì đưa ra cam kết biến động tỷ giá từ đầu năm như các năm trước do bám theo diễn biến ngoại hối thế giới, thông qua neo vào một rổ tiền tệ thay vì neo vào USD và bám theo nhu cầu nội địa, thông qua thả nổi một phần tỷ giá bình quân liên ngân hàng.
Việc neo vào một rổ tiền tệ một mặt sẽ giúp cho VND hạn chế được biến động của sự tăng giá USD (nhờ có sự biến động ngược chiều của các loại tiền tệ khác), mặt khác có thể phản ánh sát thực hơn nhu cầu ngoại tệ của Việt Nam (khi mà rổ tiền tệ tập hợp các ngoại tệ Việt Nam giao dịch nhiều nhất).
SBV sẽ cân đối 2 yếu tố quốc tế và nội địa nhằm xác định tỷ giá bình quân liên ngân hàng phù hợp nhất cho từng thời điểm.
Theo BSC, VND có thể mất giá thêm 5%, trường hợp không thuận lợi có thể lên tới 8% trong năm nay.
Áp lực tăng giá từ USD (sau sự kiện FED tăng lãi suất tháng 12/2015) có thể tiếp tục kéo dài trong năm nay (lãi suất USD có thể tăng trên 1% từ mức 0,25% hiện tại vào thời điểm cuối 2016).
Bên cạnh đó, không loại trừ khả năng đồng nhân dân tệ giảm giá trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang phải đương đầu với nhiều khó khăn trong tăng trưởng.
Cuối cùng, phần còn lại của thế giới ngoài Mỹ vẫn đang loay hoay với bài toán phục hồi kinh tế; do đó, không loại trừ chính sách nới lỏng tiền tệ, hỗ trợ tăng trưởng trên quy mô toàn cầu vẫn sẽ tiếp tục, sẽ khiến cho tiền tệ của đa phần thế giới giảm thêm so với USD.
Do đó, VND khó có thể giữ được sự ổn định khi nền kinh tế thế giới tiềm ẩn nhiều biến động.
Trong khi đó, ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam cho rằng, thị trường tài chính thế giới trong năm 2016 chắc chắn vẫn tiếp tục biến động hết sức phức tạp, do đó, chính sách tỷ giá của Việt Nam cần được điều chỉnh linh hoạt. Tỷ lệ mất giá của VND trong năm 2016 chắc chắn sẽ cao hơn mức điều chỉnh tỷ giá thông thường hàng năm từ 1-2% như trước đây.
Chuyên gia này cho rằng, do đồng nhân dân tệ và các đồng tiền mới nổi đã mất giá mạnh và được kỳ vọng vẫn sẽ biến động trong thời gian sắp tới, tuy nhiên, mục tiêu về ổn định kinh tế vĩ mô vẫn là mục tiêu quan trọng trong năm 2016, do đó, ông không kỳ vọng tỷ giá VND sẽ biến động mạnh như các đồng tiền trong khu vực.
"Tôi kỳ vọng đồng Việt Nam sẽ biến động không quá 4% trong năm 2016, trong điều kiện thị trường tài chính thế giới không có biến động mạnh so với thời điểm hiện nay", Tổng giám đốc HSBC Việt Nam cho biết.
Còn theo đánh giá của chuyên gia tài chính Lê Xuân Nghĩa, năm 2016 và những năm tiếp theo, tổng ngoại tệ vào Việt Nam vẫn lớn hơn tổng ngoại tệ ra khỏi Việt Nam. Nói cách khác cung cầu ngoại tệ về cơ bản là dư thừa nếu Việt Nam khắc phục được tình trạng găm giữ ngoại tệ.
"Với cơ chế mới về quản lý ngoại hối và các biện pháp ngăn chặn tình trạng găm giữ đã được Ngân hàng Nhà nước công bố, có thể thấy biến động của tỷ giá hối đoái không lớn, khoảng 3%", chuyên gia này nhận định.
Theo BizLive