“Dọn ổ” cho Samsung, Hoàng Thịnh Đạt kiếm được bao nhiêu tiền?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Khu công nghiệp Yên Bình là một cứ điểm được "ông lớn" Samsung lựa chọn để đặt nhà máy tại Thái Nguyên. Chủ đầu tư của nó là Yên Bình Corp - pháp nhân được sáng lập và chi phối bởi Hoàng Thịnh Đạt...
Phối cảnh dự án Tổ hợp Yên Bình (Nguồn: htdcorp.vn)
Phối cảnh dự án Tổ hợp Yên Bình (Nguồn: htdcorp.vn)

“Thái tử Samsung”, ông Lee Jae Yong, đang có chuyến công tác 3 ngày tại Việt Nam. Lịch trình công tác của người thừa kế Samsung cho thấy, gã khổng lồ Hàn Quốc đã xác định Việt Nam là căn cứ địa chủ chốt, không dừng lại ở vai trò một công xưởng lắp ráp mà còn là một trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D).

Hiện, Samsung đã đầu tư xây dựng 4 nhà máy tại Việt Nam, trong đó có 2 nhà máy sản xuất smartphone được đặt tại Bắc Ninh và Thái Nguyên.

Tại Thái Nguyên, sự xuất hiện của nhà máy Samsung đã giúp nền kinh tế địa phương này phát triển rõ nét, cải thiện sinh kế cho nhiều người dân và mở ra cơ hội cho nhiều doanh nghiệp bản địa. Trong số ấy phải kể đến chủ đầu tư Khu công nghiệp Yên Bình – nơi Samsung đặt nhà máy.

Lãi lớn với KCN Yên Bình

Như VietTimes từng đề cập, Khu công nghiệp Yên Bình nằm trong Dự án tổ hợp khu đô thị, công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ Yên Bình (Tổ hợp Yên Bình) có quy mô hơn 8.000 ha thuộc thị xã Phổ Yên và huyện Phú Bình, do CTCP Đầu tư và Phát triển Yên Bình (Yên Bình Corp - YBI) làm chủ đầu tư.

Trong đó, Khu công nghiệp Yên Bình có quy mô 693 ha, tổng vốn đầu tư 3.820 tỉ đồng. Ngoài ra, Tổ hợp Yên Bình còn có nhiều hạng mục, công trình khác với nguồn vốn đầu tư lên tới hàng chục ngàn tỉ đồng như: Dự án nhà máy nước Yên Bình có tổng vốn đầu tư 1.200 tỉ đồng; Dự án khu nông nghiệp kỹ thuật cao Agropark Yên Bình có diện tích 295 ha, tổng vốn đầu tư 2.500 tỉ đồng; Dự án Khu đô thị thông minh Yên Bình có diện tích 90 ha, tổng vốn đầu tư 8.500 tỉ đồng; Dự án sân golf yên Bình, rộng 180 ha.

Yên Bình Corp được thành lập vào tháng 10/2008, bởi 3 cổ đông, là CTCP Hoàng Thịnh Đạt (Hoàng Thịnh Đạt, nắm giữ 38% VĐL), CTCP An Phú Long (nắm giữ 51,7% VĐL) và bà Vũ Thị Thảo (nắm giữ 10% VĐL).

Tính đến ngày 18/7/2018, Yên Bình Corp có vốn điều lệ 1.000 tỉ đồng, trong đó CTCP An Phú Bình và bà Vũ Thị Thảo đã triệt thoái vốn, mặt khác tỷ lệ sở hữu của Hoàng Thịnh Đạt tăng lên 38,25%.

Cập nhật đến ngày 5/6/2019, Yên Bình Corp đã giảm vốn điều lệ xuống còn 650 tỉ đồng. Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật do ông Hoàng Văn Long (SN 1974) đảm nhiệm. Chủ tịch HĐQT là ông Vũ Xuân Hợp (SN 1952).

Dữ liệu của VietTimes cho thấy, trong 4 năm trở lại đây, Yên Bình Corp có kết quả kinh doanh rất ấn tượng. Như năm 2016 và 2017, doanh thu thuần của doanh nghiệp này lần lượt đạt 298 tỷ đồng và 382 tỉ đồng, lãi thuần tương ứng ở mức 75,5 tỉ đồng và 129,8 tỉ đồng.

Như vậy, cứ khoảng 3 đồng doanh thu, Yên Bình Corp lại thu về 1 đồng lợi nhuận.

Nhưng năm 2019, doanh thu thuần và lợi nhuận thuần của Yên Bình Corp chỉ đạt lần lượt 196 tỉ đồng và 4,55 tỉ đồng, tương ứng giảm 40% và 95% so với năm 2018.

Tính đến cuối năm 2019, tổng tài sản của Yên Bình Corp đạt 3.569 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu ở mức 683 tỉ đồng, lần lượt giảm 16% và 33% so với thời điểm đầu năm.

“Dấu ấn” Hoàng Thịnh Đạt

Như VietTimes từng đề cập, Hoàng Thịnh Đạt được thành lập vào tháng 3/2004. Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện theo pháp luật hiện do ông Hoàng Văn Dương (SN 1971) đảm nhiệm.

Tính đến cuối năm 2019, tổng tài sản của công ty này đạt 1.062 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu ở mức 832 tỉ đồng, tăng trưởng lần lượt 22% và 12% so với thời điểm đầu năm.

Bên cạnh dự án Tổ hợp Yên Bình, Hoàng Thịnh Đạt còn đầu tư vào loạt dự án khác như: Khu đô thị công nghiệp Dung Quất (Quảng Ngãi) với quy mô 1.303 ha, tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 là 2.025 tỉ đồng; Dự án khu công nghiệp Hoàng Mai I (Nghệ An) có quy mô 264 ha, tổng mức đầu tư 740 tỉ đồng; Dự án nhà máy nước Hoàng Mai (Nghệ An) có quy mô công suất 80.000 m3/ngày, tổng vốn đầu tư 950 tỉ đồng, …

Không chỉ riêng Nghệ An, nước sạch là một trong những lĩnh vực mà Hoàng Thịnh Đạt đã tích lũy được nhiều dự án như: Nhà máy nước Phúc Bình với công suất 500,000 CMD tại tỉnh Vĩnh Phúc; Nhà máy nước Hồ Núi Cốc với công suất 150,000 CMD tại tỉnh Thái Nguyên; Nhà máy nước Quảng Ngãi với công suất 50,000 CMD tại tỉnh Quảng Ngãi.

Với loạt dự án kể trên, có thể thấy Hoàng Thịnh Đạt là một tập đoàn kinh tế tầm cỡ tại Việt Nam. Mặc dù trong 4 năm trở lại đây, doanh nghiệp này chỉ có khoản doanh thu rất nhỏ, thậm chí là không phát sinh, nhưng việc đầu tư góp vốn vào các công ty liên doanh, liên kết giúp Hoàng Thịnh Đạt vẫn báo lãi lớn, trong đó Yên Bình Corp là một ví dụ.

Như năm 2018, doanh thu thuần của Hoàng Thịnh Đạt chỉ là 40,9 triệu đồng, trong khi mức lãi thuần lại lên đến 105,26 tỉ đồng./.