Mới đây, tại cuộc họp giao ban của Bộ Công thương vào ngày 3/9, các ông lớn là Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn than - khoáng sản Việt Nam (TKV) đều kêu chênh lệch tỷ giá đang ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các tập đoàn này và xin Bộ Công thương được phân bổ khoản lỗ 1.200 tỷ đồng vào giá thành điện.
Tập đoàn Than và khoáng sản Việt Nam (TKV) đề xuất lên Bộ Công thương được bù lỗ 1.200 tỷ đồng vào giá thành điện. Ảnh minh họa |
Ông Vũ Anh Tuấn, Phó tổng giám đốc TKV cho biết, riêng khâu sản xuất điện, chênh lệch tỷ giá tính đến nay đã khiến TKV lỗ khoảng 1.200 tỉ đồng. Đại diện của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cũng cho biết hiện PVN phải vay lượng lớn ngoại tệ để thực hiện các dự án lớn, việc điều chỉnh tỷ giá đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh.
Còn theo ông Ngô Sơn Hải, Phó tổng giám đốc EVN, chênh lệch tỉ giá đã ảnh hưởng rất lớn đến lĩnh vực điện. Nếu cộng các con số mà TKV và PVN đưa ra thì khả năng mức lỗ của EVN có thể gấp hơn chục lần con số 1.200 tỷ do TKV thống kê.
Tại cuộc họp thường kỳ ngày 4/9 của Bộ Công Thương, trả lời câu hỏi của báo chí rằng: “Các ông lớn như TKV, EVN xin được bù lỗ tỷ giá hàng nghìn tỷ đồng vào giá điện, Bộ Công thương có ý kiến gì?”, đại diện Bộ Công thương cho biết đã yêu cầu các đơn vị tính toán lại thiệt hại, sẽ cân đối khả năng chịu đựng của doanh nghiệp, ảnh hưởng đến giá bán lẻ như thế nào, sau đó sẽ thảo luận với Bộ Tài chính để có hướng giải quyết cụ thể.
Trước đề xuất này nhiều người lo ngại giá điện sẽ lại tăng mạnh. Đặc biệt là tháng 3/2015 giá điện đã tăng 7,5% để bù lỗ do chi phí đầu vào tăng.
Chia sẻ với phóng viên báo điện tử Infonet, chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Trí Hiếu nói thẳng, ông không đồng ý với đề xuất của các doanh nghiệp. Theo ông, tỷ giá biến động, điều chỉnh tỷ giá đến nay đã hơn 5% ảnh hưởng rất nhiều ngành không riêng gì ngành than và khoáng sản. Tuy nhiên doanh nghiệp phải hoạch toán chi phí, có chiến lược quản lý rủi ro. Nếu doanh nghiệp nào cũng như TKV thì tất cả đều đòi tăng giá?
“Một khi đã kinh doanh, bất cứ ngành nào cũng cần phải lường trước những rủi ro và có kế hoạch dự trù để có thể ứng phó kịp thời chứ không thể để rơi vào tình trạng bị động, kinh doanh bị thua lỗ rồi lại xin bù vào giá thành, bắt người dân phải gánh chịu. Điều đó là rất vô lý”, TS Hiếu nói.
Theo TS. Hiếu nếu đề xuất tăng giá điện do chi phí sản xuất tăng thì người dân có thể thông cảm được nhưng nếu tăng để bù lỗ cho việc kinh doanh thiếu chủ động, hoạch toán thì rất khó chấp nhận.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho biết, việc tăng tỷ giá chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến nhiều doanh nghiệp phụ thuộc vào yếu tố đầu vào tuy nhiên con số 1.200 tỷ cần phải có tính toán, căn cứ báo cáo, giải trình cụ thể chứ không thể chỉ nghe doanh nghiệp ngồi “than”.
“Có rất nhiều biện pháp có thể áp dụng để bù lỗ nhưng hiện tại họ chỉ biết thực hiện cái đơn giản nhất, dễ nhất là dựa vào giá điện, tăng giá điện khiến tất cả các đối tượng đều phải bù lỗ. Người dân sẽ lại là người trực tiếp gánh chịu”, TS Phong nhấn mạnh.
Hơn nữa, TS Phong cũng cho rằng, nếu điều chỉnh giá điện có thể chỉ cần 1-2 tháng có thể bù đủ lỗ nhưng liệu sau đó giá điện có giảm hay không?
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện quản lý kinh tế trung ương cũng cho rằng điều chỉnh tỷ giá sẽ khiến nhiều doanh nghiệp chịu thiệt hại do giá nhập nguyên liệu tăng, những doanh nghiệp có vay vốn ngoại tệ.
Tuy nhiên nói về đề xuất được bù lỗ vào giá điện, TS. Doanh cho rằng cần có hoạch toán cụ thể, số liệu chính xác và phải có giám sát của cơ quan kiểm toán độc lập, để xem chi phí thiệt hại là bao nhiêu.
“Khi chịu thiệt vì điều chỉnh tỷ giá, doanh nghiệp phải giảm chi phí để trang trải chứ không phải bất cứ cái gì cũng đổ hết lên đầu dân. Nhiều doanh nghiệp khác cũng chịu thiệt hại nhưng tại sao họ không đòi tăng giá, bởi vì họ còn cạnh tranh nên không dám tăng còn đây là doanh nghiệp độc quyền. Nhà nước cần giám sát chặt chẽ tránh tình trạng viện cớ tác động của tỷ giá để tát nước theo mưa, bởi như đợt điều chỉnh giá điện vừa qua, người dân cũng đã phải kêu trời vì tiền điện rồi”, TS Lê Đăng Doanh nói.
Theo Infonet
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu