Động thái trên đánh dấu một bước chuyển biến lớn trong chính sách ngoại giao của Mỹ và dường như đã "bật đèn xanh" cho Thổ Nhĩ Kỳ tấn công các lực lượng người Kurd mà Mỹ từng hậu thuẫn. Người Kurd, từ lâu đã được xem là một trong những đối tác đáng tin cậy nhất của Mỹ trên chiến trường Syria, đóng vai trò chiến lược trong chiến dịch chống lại phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng trong khu vực.
Sau một cú điện đàm giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, Nhà Trắng nói rằng Ankara sẽ sớm bắt đầu một chiến dịch tấn công và các lực lượng Mỹ sẽ không tham gia vào chiến dịch này.
"Thổ Nhĩ Kỳ sẽ sớm tiến hành chiến dịch đã lên kế hoạch từ lâu ở miền Bắc Syria" - tuyên bố của Nhà Trắng cho hay - "Các lực lượng vũ trang Mỹ sẽ không ủng hộ hay tham gia vào chiến dịch này; và lực lượng Mỹ - vốn đã đánh bại "Nhà nước Caliphate" của IS - sẽ không hiện diện ở khu vực xung quanh".
Nhà Trắng còn thêm rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ chịu trách nhiệm đối với tất cả những chiến binh IS bị bắt giữ - những kẻ hiện đang bị lực lượng người Kurd bắt giam ở miền Bắc Syria.
Tháng trước, Mỹ từng nói khoảng 1.000 binh sĩ của họ đang hoạt động ở khu vực Đông Bắc Syria. Tuyên bố mà Washington đưa ra mới đây không xác nhận liệu nước này có rút quân hoàn toàn khỏi chiến trường Syria hay không.
"Nỗ lực hòa bình"?
Hôm thứ Bảy tuần trước, ông Erdogan tuyên bố rằng Thổ Nhĩ Kỳ đã "hoàn tất quá trình chuẩn bị và kế hoạch hành động", và giờ sẵn sàng để khởi động "chiến dịch trên không và dưới mặt đất" ở phía Đông sông Euphrates. Lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ còn nói mục tiêu của chiến dịch này là nhằm thiết lập "hòa bình" bằng cách quét sạch "những kẻ khủng bố" trong khu vực.
"Có thể ngay hôm nay hoặc trong ngày mai là thời điểm để dọn đường cho nỗ lực hòa bình của chúng tôi...Chúng tôi sẽ thực hiện một chiến dịch trên không và dưới đất" - ông Erdogan nói trong một cuộc họp đảng cầm quyền AK tại Kizilcahaman, thành phố gần thủ đô Ankara.
9 xe chuyên chở xe thiết giáp cùng 1 xe buýt chở binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ được trông thấy đang di chuyển về hướng biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Syria trong hôm thứ Bảy tuần trước, phía Đông sông Euphrates - theo hãng thông tấn Anadolu của nước này. Đoàn xe trên được triển khai để tăng cường quân lực cho các đơn vị đang đồn trú gần biên giới với Syria.
Chiến dịch lần này của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm mục tiêu quét sạch các tay súng người Kurd mà Mỹ hậu thuẫn - còn gọi là Các Đơn vị Bảo vệ Nhân dân (YPG) người Kurd - khỏi khu vực biên giới Thổ Nhĩ Kỳ.
Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang hợp tác với Mỹ để thiết lập các "vùng an toàn" chạy dọc biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Syria, nhưng các báo cáo mà Anadolu đăng tải mới đây cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ muốn hợp tác tuần tra dọc biên giới và nói rằng phía Mỹ nỗ lực chưa đủ trong việc thiết lập vùng an toàn.
Trong cuộc điện đàm với ông Trump, ông Erdogan đã thể hiện rõ sự bất bình trước việc quân đội Mỹ thất bại trong việc thực thi thỏa thuận giữa hai nước - theo văn bản ghi lại nội dung điện đàm mà phía Thổ Nhĩ Kỳ công bố. Hai nhà lãnh đạo cũng nhất trí sẽ tổ chức cuộc gặp tại Washington vào tháng tới, theo lời mời của ông Trump.
Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đã hợp tác để thiết lập các vùng đệm mà phía Mỹ gọi là "cơ chế an ninh" ở Đông Bắc Syria, như một phần trong nỗ lực ngăn chặn các vụ đụng độ quân sự nhằm vào người Kurd ở Syria - điều mà Mỹ lo ngại rằng sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực tới cuộc chiến chống IS ở nước này.
Mỹ thay đổi 180 độ
Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đã hợp tác để thiết lập các "vùng an toàn" dọc biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Syria (Ảnh: Getty)
|
Quyết định của ông Trump cho phép ông Erdogan tiến hành chiến dịch tấn công trên và di chuyển lực lượng Mỹ ra khỏi khu vực chiến sự sắp tới đã đi ngược lại các nỗ lực trước đây của giới chức Mỹ: Thuyết phục Thổ Nhĩ Kỳ ngừng can thiệp quân sự ở Syria.
"Bất cứ chiến dịch quân sự nào mà Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện trong khi không có sự phối hợp (với Mỹ) đều là mối quan ngại nghiêm trọng, bởi nó sẽ làm xói mòn lợi ích chung của chúng ta về an ninh khu vực Đông Bắc Syria và chiến dịch đánh bại IS" - Sean Robertson, phát ngôn viên Lầu Năm Góc nói.
Trong hôm thứ Bảy tuần trước, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói trước báo giới rằng: "Chúng ta cần phải nêu rõ rằng cuộc xung đột này không nên bị quân sự hóa".
Tuy nhiên, một quan chức Mỹ giấu tên cho hay "rất có khả năng" Thổ Nhĩ Kỳ sẽ có hành động sớm. Vị quan chức nói rằng rất có thể Ankara sẽ khởi động một chiến dịch hạn chế nhằm thiết lập các căn cứ tuần tra trên phần lãnh thổ của Syria, lấy đó làm bàn đạp để tiếp tục thực hiện thêm nhiều chiến dịch càn quét trong tương lai.
Ibrahim Kalin, người phát ngôn của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, trong hôm đầu tuần này viết trên Twitter rằng: "Chúng tôi không hề hứng thú với lãnh thổ của bất cứ nước nào khác". Người này nói rằng, 2 mục tiêu trong việc thiết lập vùng an toàn ở Syria là nhằm quét sạch "những phe phái khủng bố nhằm đảm bảo sự an toàn của đường biên giới đất nước chúng tôi và để cho những người tị nạn trở về an toàn".
Theo CNN