Điểm báo công nghệ thông tin ngày 6.11.2017

VietTimes -- Thanh toán di động sẽ được phổ cập như điện thoại di động. Tỷ phú Jack Ma đến Hà Nội bằng chuyên cơ riêng. Tiếp tục mở rộng hoàn thuế điện tử trong năm 2018. TPHCM đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng cuộc cách mạng 4.0. 58 đội tham dự cuộc thi Sinh viên với với An toàn thông tin 2017. "Nhấp chuột" tra quy hoạch của TPHCM...
Thanh toán điện tử đang ngày càng phổ biến
Thanh toán điện tử đang ngày càng phổ biến

Thanh toán di động sẽ được phổ cập như điện thoại di động

Sáng 6/11, Diễn đàn thanh toán điện tử Việt Nam 2017 (VEPF) đã chính thức diễn ra tại Hà Nội với chủ đề bao trùm “Mobile Payment – nhân tố thúc đẩy nền thanh toán không dùng tiền mặt”.

Ông Thang Đức Thắng - Tổng biên tập báo điện tử VnExpress khẳng định, cách mạng công nghiệp 4.0 đang tác động mạnh mẽ tới phát triển kinh tế xã hội, thôi thúc sự ra đời của những giải pháp thanh toán trên nền tảng công nghệ mới, mang lại tiện ích và trải nghiệm khác biệt cho người dùng. Việt Nam là một trong những nước dẫn đầu về sử dụng điện thoại thông minh kết nối Internet. Đây là điều kiện thuận lợi để hoạt động thanh toán trên thiết bị di động tạo bước đột phá, giúp thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam.

Phát biểu tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định, thanh toán di động (mobile payment) đã đem lại cơ hội tiếp cận các dịch vụ tài chính một cách thuận tiện, với chi phí phải chăng cho hàng trăm triệu người thu nhập thấp. Sự xuất hiện của mobile payment đã giúp cộng đồng thu nhập thấp tham gia và có cơ hội hưởng lợi trực tiếp từ những thành quả của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0.  ại Việt Nam, hàng loạt doanh nghiệp trong các lĩnh vực viễn thông, ngân hàng, Fintech cũng bắt đầu cung cấp dịch vụ đến các vùng sâu, vùng xa, các khu công nghiệp và tiếp cận với một số lượng lớn người lao động, bình thường vốn ít có điều kiện tiếp xúc với các dịch vụ tài chính truyền thống. 

"Tôi tin tưởng rằng, thanh toán di động sẽ nhanh chóng bùng nổ và phổ cập ở Việt Nam như chúng ta đã làm được với điện thoại di động hơn 10 năm trước. Chính phủ sẽ có nhiều giải pháp tạo thuận lợi và thúc đẩy thanh toán di động”, Phó Thủ tướng cam kết.

Cũng theo Phó Thủ tướng, thế giới ngày nay, thế giới của công nghệ và sáng tạo, thì một nước đi sau có thể có lợi thế hơn, nhưng với điều kiện là đi sau thì phải đi trước. Vì vậy, chúng ta phải đi nhanh hơn với nền tảng Internet và điện thoại di động rộng khắp, chỉ có như vậy mới thay đổi được thứ hạng. Trong đó, việc đầu tiên là phải tạo môi trường cho cái mới phát triển. Chính phủ kiến tạo của chúng ta thực hiện điều đó. (Đầu Tư 6/11/2017)

Tỷ phú Jack Ma đến Hà Nội bằng chuyên cơ riêng

Nguồn tin từ đơn vị tổ chức Diễn đàn thanh toán điện tử Việt Nam xác nhận với Zing.vn tỷ phú Jack Ma đã đến sân bay Nội Bài bằng chuyên cơ riêng vào khoảng 20h30 ngày 4/11.

Dự kiến ngày 6/11, tỷ phú Jack Ma sẽ có cuộc hội kiến với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Sau đó là buổi làm việc với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng.

Cùng ngày, ông chủ Alibaba sẽ tham dự Diễn đàn thanh toán điện tử Việt Nam khai mạc vào sáng 6/11. Trong chương trình, tỷ phú sẽ có một phiên đối thoại xoay quanh kinh nghiệm phát triển thương mại điện tử, thanh toán điện tử trên thiết bị di động ở Trung Quốc (qua ứng dụng Alipay) và câu chuyện toàn cầu hoá của Alibaba.

Sau đó, vào cuối buổi chiều, tỷ phú này sẽ có buổi nói chuyện với các sinh viên tại Hà Nội nhằm khơi gợi tinh thần, hoài bão cho các bạn trẻ Việt Nam.

Jack Ma cũng tham dự Tuần lễ Cấp cao APEC tại Đà Nẵng. (Zing 5/11/2017)

Tiếp tục mở rộng hoàn thuế điện tử trong năm 2018

Sau hơn nửa năm triển khai diện rộng trên phạm vi cả nước, Tổng cục Thuế thống kê có 6.800 DN đã đăng ký tham gia dịch vụ hoàn thuế điện tử. Ngành Thuế đã giải quyết 3.610 hồ sơ hoàn thuế GTGT điện tử với tổng số tiền thuế GTGT được hoàn theo phương thức này là 20.282 tỷ đồng.

Tiếp theo các thành công trong việc triển khai dịch vụ hoàn thuế điện tử đối với hoàn XK và đầu tư đối với thuế GTGT vừa qua, Tổng cục Thuế đã báo cáo và được sự đồng ý của Bộ Tài chính, đang tiếp tục rà soát, đánh giá và nghiên cứu để áp dụng hoàn thuế điện tử đối với các trường hợp hoàn thuế còn lại, tập trung đối với hoàn thuế Thu nhập cá nhân là các đối tượng có số NNT được hoàn lớn nhưng số tiền thuế được hoàn đôi khi rất nhỏ để hỗ trợ cho nhóm NNT là cá nhân. Cụ thể, trong tháng 11 và 12/2017, cơ quan này sẽ nghiên cứu giải pháp, quy trình, xây dựng và hoàn thiện các ứng dụng khai thuế, hoàn thuế điện tử dành cho cá nhân. Quý I/2018 sẽ thí điểm thực hiện hoàn thuế theo phương thức điện tử đối với quyết toán thuế Thu nhập cá nhân có số thuế nộp thừa và trong năm 2018 sẽ tiếp tục mở rộng hoàn thuế điện tử đối với NNT và các trường hợp hoàn thuế khác. (Hải Quan 5/11/2017)

TPHCM đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng cuộc cách mạng 4.0

TPHCM đã có những bước chuẩn bị để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu nhân lực của cuộc cách mạng 4.0 hiện nay. Bà Trần Thị Tú Anh, Phó Trưởng phòng tư vấn - giới thiệu việc làm Khu công nghệ cao TPHCM, cho biết hiện nay có rất nhiều doanh nghiệp hoạt động trong và ngoài Khu công nghệ cao có nhu cầu tuyển dụng lao động kỹ thuật cao nhưng thành phố chưa đáp ứng được. 

Chẳng hạn, trong ngày hội việc làm Khu công nghệ cao lần 1, trong số 20 doanh nghiệp tham gia tuyển dụng thì có 500 vị trí tuyển lao động chất lượng cao. Hiện các vị trí quản lý chất lượng, kỹ sư phát triển phần mềm, trưởng phòng xưởng Mold… đang thiếu trầm trọng nhưng ít người có thể đáp ứng được.

Theo ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội TPHCM, cuộc cách mạng 4.0 không chỉ tác động đến các ngành kinh tế mà nó còn tác động đến nguồn nhân lực. Vì vậy, TP đã triển khai kế hoạch đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo trung hạn giai đoạn 2015 - 2020. Theo đó, thành phố có 2/8 dự án đầu tư cho trường nghề chất lượng cao và 6/8 dự án đầu tư cho các trường đào tạo nghề trọng điểm quốc gia và khu vực. (Tin Tức 6/11/2017)

58 đội tham dự cuộc thi Sinh viên với với An toàn thông tin 2017

Sáng ngày 4/11 vòng sơ loại cuộc thi “Sinh viên với an toàn thông tin 2017” được tổ chức đồng thời tại Hà Nội, Đà Nẵng và TPHCM nhằm mục đích tìm ra những “hiệp sĩ” xuất sắc nhất trong lĩnh vực đảm bảo an toàn thông tin.

Dưới sự bảo trợ của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), cuộc thi năm nay được Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA) chủ trù phối hợp với Cục Công nghệ thông tin – Bộ GDĐT tổ chức.

Đây là năm thứ 10 cuộc thi được tổ chức với mục đích nâng cao nhận thức và trách nhiệm về an toàn thông tin; đồng thời đẩy mạnh phong trào nghiên cứu, học tập, trao đổi kinh nghiệm và tìm kiếm ra những “hiệp sĩ” xuất sắc và tạo cơ hội thúc đẩy đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao trong lĩnh vực an ninh mạng. Cuộc thi năm nay thu hút sự tham gia của nhiều trường đại học, học viện trong cả nước, với 24 trường và 58 đội thi: Tại miền Bắc có 11 trường và 27 đội, miền Trung có 4 trường và 10 đội, miền Nam có 9 trường và 21 đội tham dự.

Trong vòng Sơ khảo, tất cả các đội sẽ thi thực hành trực tuyến về ATTT trong 8 tiếng.

Vòng thi chung khảo năm nay sẽ có mặt 10 đội xuất sắc nhất của 3 khu vực: Hai đội có thứ hạng cao nhất của vòng thi sơ khảo của từng khu vực cùng bốn đội có thứ hạng cao nhất trong số còn lại. Mỗi trường đại học không có quá 2 đội được vào dự vòng thi chung khảo.

Chung khảo cuộc thi quốc gia Sinh viên với An toàn thông tin 2017 sẽ được tổ chức vào ngày 18/11 tại Đà Nẵng. (Kinh tế & Đô thị 4/11/2017)

"Nhấp chuột" tra quy hoạch của TPHCM

Sáng 5-11, HĐND TP HCM phối hợp với Đài Truyền hình TP đã tổ chức chương trình Lắng nghe và Trao đổi với chủ đề "Công tác thông tin quy hoạch: Những vấn đề cần quan tâm".

Theo Phó trưởng Ban Đô thị HĐND TP Nguyễn Minh Nhựt, về cơ bản, các đơn vị đã công bố công khai thông tin quy hoạch đến người dân. Tuy nhiên, ở một số nơi, việc lấy ý kiến cộng đồng dân cư còn hình thức, đối tượng chưa rộng rãi, nhiều ý kiến của người dân không được cơ quan chức năng phản hồi và chỉnh sửa. Cũng có nơi chỉ dừng lại ở việc treo bảng vẽ, không công bố thông tin quy hoạch, phương tiện công bố chưa đạt yêu cầu. Ngoài ra, một số thông tin niêm yết không khớp thực tế, chưa đủ thông tin về tiến độ thực hiện dự án, tách thửa, chi tiết xây dựng… Chưa kể thông tin quy hoạch khó hiểu, khó tiếp cận nhưng lại không có hướng dẫn. "Đáng lưu ý, thông tin quy hoạch đưa lên mạng chỉ mang tính chất tham khảo, chưa có tính pháp lý. Hiệu quả phục vụ người dân chưa cao" - ông Nhựt nói.

Chủ tịch UBND quận 12 Lê Trương Hải Hiếu cho rằng công khai thông tin quy hoạch lên mạng thuận tiện, nhanh nhưng sử dụng chưa được vì pháp lý chưa có. "Chúng ta đã cấp pháp lý cho bản đồ giấy, giờ số hóa nên cấp pháp lý cho bản đồ số để khi dùng bất cứ bản đồ nào cùng một nguồn dữ liệu thì đều hợp pháp" - ông Hiếu nói.

Ông Hoàng Tùng – Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM cho biết, người dân có thể truy cập phần mềm theo 2 cách. Một là trực tiếp vào website: thongtinquyhoach.hochiminhcity.gov.vn. Hai là tải ứng dụng "thông tin quy hoạch TP HCM" bằng điện thoại thông minh, máy tính bảng. Phần mềm đang chạy thử nghiệm nên mong nhận được ý kiến của người dân. Ngoài ra, sở đang phối hợp UBND quận, huyện tìm giải pháp để chuyển tải ngôn ngữ quy hoạch dễ hiểu, cô đọng, phục vụ tốt nhất cho người dân. (Người Lao Động 6/11/2017)

Lâm Đồng: Ứng dụng phần mềm xây dựng thực đơn cân bằng dinh dưỡng

Sở GD-ĐT tỉnh Lâm Đồng vừa phối hợp với Công ty Ajinomoto VN tổ chức Hội nghị triển khai “Phần mềm Xây dựng thực đơn cân bằng dinh dưỡng” dành cho các trường tiểu học có tổ chức bữa ăn bán trú trên địa bàn Lâm Đồng.

Đây là phần mềm được phê duyệt bởi Bộ GD-ĐT với mục tiêu đưa những thực đơn cân bằng dinh dưỡng đến các trường tiểu ở các tỉnh thành trên toàn quốc.

Tiến sĩ Ngũ Duy Anh, Vụ trưởng vụ giáo dục thể chất (Bộ GD-ĐT) cho biết, sau khi áp dụng phần mềm tại 4 thành phố lớn Hà Nội, Hải Phòng, Đà Năng và TP.HCM , tháng 10.2016 phần mềm đã được Hội đồng thẩm định của Bộ GD-ĐT đánh giá có giá trị thực tiễn đối với học sinh. Từ ngày 16.1.2017, Bộ GD-ĐT ban hành Quyết định số 196/QĐ-BGDĐT về việc phê duyệt phần mềm Xây dựng thực đơn cân bằng dinh dưỡng.

Theo quyết định này, phần mềm sẽ được áp dụng đối với các trường tiểu học có tổ chức bữa ăn bán trú trên toàn quốc, nhằm đảm bảo thực đơn cân bằng dinh dưỡng trong các bữa ăn tại nhà trường. Từ tháng 3.2017, Công ty Ajinomoto Việt Nam bắt đầu phối hợp với các Sở GD-ĐT triển khai “Phần mềm xây dựng thực đơn cân bằng dinh dưỡng” tại các trường tiểu học trên toàn quốc. Đến nay, đã có nhiều tỉnh thành trên toàn quốc triển khai sử dụng. Qua đây cung cấp và xây dựng những thực đơn cân bằng dinh dưỡng, đa dạng, ngon miệng và hỗ trợ công tác quản lý bữa ăn bán trú tại các trường học.

Trải qua nhiều quá trình từ khảo sát, phân tích, phát triển công thức, thực nghiệm, Công ty Ajinomoto Việt Nam xây dựng phần mềm cung cấp cho các nhà trường ngân hàng gồm 120 bộ thực đơn bữa trưa phong phú, với trên 360 món ăn không lặp lại đã được cân bằng dinh dưỡng theo nhu cầu lứa tuổi, và được phân chia theo khẩu vị 3 miền Bắc, Trung và Nam.

Đại diện Trường tiểu học Lê Văn Tám, TP.Bảo Lộc, đã áp dụng phần mềm xây dựng thực đơn cân bằng dinh dưỡng thắc mắc: “Có những nguyên liệu trong thực đơn ở địa phương không có, cũng có những thực đơn học sinh lại không quen ăn, phụ huynh không đồng tình cần giải quyết thế nào?”. Đại diện Phòng GD-ĐT TP.Đà Lạt cho rằng, thực tế có những thực đơn rất khó để cân bằng với số tiền phụ huynh đóng góp. Giải đáp về thắc mắc, Công ty Ajinomoto Việt Nam cho biết, các trường có thể dùng nguyên liệu thay thế để linh hoạt tạo thực đơn mới bằng cách kết hợp các món ăn có sẵn trong ngân hàng thực đơn, hoặc bằng các nguyên liệu tự chọn phù hợp với địa phương của mình, giúp nhà trường tính toán và quản lý chi phí bữa ăn của học sinh. Điểm tối ưu là phần mềm vẫn sẽ đảm bảo tính dinh dưỡng cho những thực đơn khởi tạo kể cả khi sử dụng chức năng thay thế nguyên liệu.

Bên cạnh phền mềm, áp phích “3 phút thay đổi nhận thức” cũng là một công cụ hỗ trợ nhà trường trong giáo dục kiến thức dinh dưỡng thực phẩm cho học sinh tiểu học, giúp hình thành thói quen ăn uống lành mạnh cho các em. Phía Ajinomoto Việt Nam cho biết công ty sẽ cử nhân viên đến từng trường trực tiếp hỗ trợ hướng dẫn các cán bộ và giáo viên cách sử dụng phần mềm, hướng dẫn các em học sinh tìm hiểu Áp phích “3 phút thay đổi nhận thức” và tư vấn để các trường nâng cao hiệu suất lao động tại bếp ăn (cách bố trí thiết bị, dụng cụ chuyên dùng…).

Ông Trần Quang Hữu, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng (Sở GD-ĐT) Lâm Đồng cho biết, năm học 2016-2017 qua kiểm tra chỉ có 83% các bếp ăn bán trú của các trường học trong toàn tỉnh đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Hy vọng khi áp dụng phần mềm Xây dựng thực đơn cân bằng dinh dưỡng, bên cạnh việc cung cấp bữa ăn đủ chất dinh dưỡng còn đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho học sinh. (Tuổi Trẻ 6/11/2017)

Vinalines phát triển CNTT trong quản trị doanh nghiệp

Thông tin từ Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) cho biết, theo chiến lược phát triển đến năm 2020, Vinalines phải giữ vững được vị trí doanh nghiệp hàng đầu của ngành hàng hải Việt Nam trong các lĩnh vực vận tải biển, khai thác cảng biển và dịch vụ hàng hải, phấn đấu đến năm 2030 trở thành doanh nghiệp có thương hiệu trong khu vực có năng lực cạnh tranh cao.

Để thực hiện Chiến lược phát triển và hiện thực hóa tầm nhìn này, Vinalines đã triển khai nhiều giải pháp, trong đó “Thường xuyên cập nhật, nghiên cứu, áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ trên thế giới trong lĩnh vực, ngành nghề sản xuất, kinh doanh để không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động” đã được Thủ tướng Chính phủ lưu ý đầu tiên trong Quyết định số 276/QĐ-TTg ngày 27/02/2017.

Văn phòng Công ty mẹ sẽ đầu tư nâng cấp hệ thống máy chủ hiện tại thành trung tâm dữ liệu của Vinalines (Data Center) đạt tiêu chuẩn đảm bảo an toàn, bảo mật cho triển khai các ứng dụng CNTT lớn của Vinalines, bao gồm cả hệ thống dự phòng để đảm bảo khả năng thay thế khi hệ thống máy chủ gặp sự cố. Triển khai hệ thống quản lý máy trạm Active Directory (AD) nhằm xây dựng cơ chế quản trị thống nhất trong toàn Văn phòng Tổng công ty, đảm bảo hệ thống chạy ổn định, giảm thiểu nguy cơ mất an toàn cho hệ thống và các nguy cơ mất dữ liệu.

Việc áp dụng hệ thống CNTT được triển khai đồng bộ từ Công ty mẹ đến các đơn vị thành viên sẽ là giải pháp tối ưu để quản trị nguồn nhân lực trong toàn hệ thống Vinalines và là giải pháp quản lý tài chính hiệu quả bao gồm 34 đơn vị và hơn 17.000 cán bộ, công nhân viên. (Thời báo Tài chính Việt Nam 3/11/2017)

 “Cơn bão” tiền ảo đa cấp đang “quét” qua làng quê

Dù tiền ảo không liên quan gì tới bán hàng đa cấp, nhưng những kẻ lừa đảo đã lợi dụng mô hình kinh doanh đa cấp, về tận các vùng quê để lôi kéo người dân tham gia. Trong lúc chưa có quy định pháp luật để quản lý các biến tướng từ tiền ảo này, nhiều người dân đã bị “sập bẫy”.

Những tháng qua, hàng ngàn người dân tại miền quê nghèo Gia Lai điêu đứng vì trót đổ tiền tham gia sàn tiền ảo đa cấp bitcoin. Các đối tượng lừa đảo huy động tiền của người dân bằng cách mời tham gia vào mô hình giao dịch tiền ảo đa cấp với tên gọi “Ngân hàng cộng đồng Bitcoin”.

Họ đưa ra mức lợi nhuận lên đến 144% mỗi tháng và hoa hồng hậu hĩnh để “dụ” người chơi. Kết quả, kẻ lừa đảo “ôm” hơn 22 tỉ đồng của người dân trong vùng và biến mất.

Trong khi chờ cơ quan chức năng đưa ra khung pháp lý quy định về tiền ảo, “cơn bão” đa cấp biến tướng từ tiền ảo vẫn “quét” qua các làng quê. Vì nhẹ dạ, số người đổ tiền thật để đầu tư tiền ảo vẫn tăng mỗi ngày, bất chấp rủi ro được cảnh báo. (Lao Động 6/11/2017)

Cần coi Uber, Grab là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ vận tải

Theo ông Nguyễn Văn Thanh – Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam, Uber, Grab là loại hình kinh doanh vận tải như taxi truyền thống. Uber, Grab ký hợp đồng với lái xe, điều động phương tiện đón khách thì rõ ràng là điều hành vận tải chứ không phải là đơn vị cung cấp phần mềm. Nếu chỉ cung cấp phần mềm đơn thuần thì họ phải bán cho doanh nghiệp vận tải điều hành phần mềm, như vậy mới đúng quy định của pháp luật. Do đó, cần thiết sửa đổi luật để xác định Uber, Grab là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ vận tải.

Trên thực tế, giữa Uber, Grab với taxi truyền thống đang có sự bất bình đẳng rất lớn. Trong khi Uber, Grab được “thả lỏng” thì taxi truyền thống bị “trói buộc” rất nhiều. Việc áp dụng những tiến bộ công nghệ thông tin vào điều hành vận tải là rất tốt, đem lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp vận tải và xã hội. Tuy nhiên, chúng ta phải có giải pháp để quản lý trên tinh thần xóa bỏ những rào cản đối với taxi truyền thống chứ không phải buộc Uber, Grab phải theo những quy định của taxi truyền thống. Một khi đã có mặt bằng cạnh tranh bình đẳng thì thắng thua là do thị trường quyết định chứ không phải do cơ quan quản lý nhà nước. Nhưng hiện nay Uber, Grab chưa công khai minh bạch và nếu không xóa bỏ rào cản thì taxi truyền thống thua là chắc chắn. Tuy nhiên, cũng cần nhấn mạnh rằng, taxi truyền thống phải nhanh chóng thay đổi cách thức kinh doanh theo hướng sử dụng các phần mềm hiện đại nếu không muốn bị loại khỏi cuộc chơi. (Đại biểu Nhân dân 6/11/2017)

Facebook, Google... rút, chuyện gì xảy ra?

Ngày 13-11 tới đây, Quốc hội sẽ thảo luận tại tổ về dự luật An ninh mạng. Điều mà công luận lo lắng là dự luật này quy định: “Các doanh nghiệp (DN) nước ngoài khi cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet tại Việt Nam (VN) phải tuân thủ pháp luật, tôn trọng chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia VN, có giấy phép hoạt động, đặt cơ quan đại diện, máy chủ quản lý dữ liệu người sử dụng VN trên lãnh thổ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa VN…”.

Thậm chí nhiều ý kiến lo ngại nếu những nội dung trên đi vào cuộc sống thì Google, YouTube, Facebook, Gmail, Skype, Viber... có thể chia tay VN và gây thiệt hại lớn cho DN lẫn người dùng.

ThS Nguyễn Thị Giang, Trung tâm Phục hồi chức năng ngôn ngữ, Viện Ngôn ngữ học, cho hay Facebook đã trở thành một trong những kênh thông tin khoa học về trẻ khuyết tật ngôn ngữ.

 “Chúng tôi có một mục thông tin ở website của Viện Ngôn ngữ và một tài khoản Facebook riêng cho trung tâm. Thế nhưng giao tiếp và cung cấp thông tin thì chủ yếu là ở trang Facebook” - bà Giang cho biết.

Theo bà Giang, hầu hết phụ huynh có con bị khuyết tật ngôn ngữ tìm đến trung tâm đều sử dụng Facebook, Zalo và một số ứng dụng trực tuyến khác.

“Các vị phụ huynh thường trao đổi thông tin, nhờ tư vấn, đặt lịch đánh giá con em mình với chúng tôi qua Facebook và điều này rất thuận tiện” - bà Giang nói. Hơn nữa, theo bà Giang, không phải lúc nào các vị phụ huynh cũng có thể sử dụng điện thoại hay các phương tiện liên lạc khác vào giờ hành chính. Thường thì thông qua Facebook, phụ huynh sẽ trao đổi vào những giờ họ rảnh.

“Thậm chí cả ban đêm, khi con cái của họ ngủ rồi, họ mới lên mạng để tìm kiếm thông tin về trẻ em khuyết tật ngôn ngữ. Sau đó họ sẽ chat với chúng tôi để được tư vấn và giúp đỡ” - bà Giang cho hay.

Trả lời câu hỏi nếu Facebook đóng cửa tại VN thì trung tâm sẽ phải tính toán ra sao, bà Giang nói: “Chúng tôi chưa dám nghĩ tới điều này”.

Ông Trần Việt Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội DNTP.HCM, nói hiện tại Facebook, Google… đều là những công cụ sản xuất, kinh doanh chính của giới kinh doanh. Nó cũng như thiết bị máy móc, dây chuyền công nghệ kỹ thuật.

Đặc biệt, trong cuộc cách mạng 4.0 thì các công cụ Facebook, Google… càng quan trọng, nhất là những đơn vị trong lĩnh vực công nghệ thông tin, xuất nhập khẩu. Google và các tiện ích của nó được coi là công cụ kinh doanh quảng cáo, bán hàng, truyền thông, marketing tốt nhất cho nhà kinh doanh. Nó còn là nơi để DN thống kê dữ liệu, tìm kiếm thông tin cho các kế hoạch kinh doanh của DN.

Do vậy, nếu quy định trên được áp dụng thì DN sẽ bị thiệt hại, DN khởi nghiệp khó khăn, kinh tế cũng bị ảnh hưởng theo.

VN hội nhập toàn cầu, mở cửa nền kinh tế thì cần mở thật sự, thế giới đã phẳng. Hơn nữa, đây là công cụ được toàn kinh tế thế giới chấp nhận, các nước trong khu vực đều mở thì không có lý do gì để VN phải đóng. (Người Lao Động 6/11/2017)

Phương pháp quản lý mới cần loại bỏ các rào cản

Đánh giá về Nghị quyết 112/NQ-CP vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành, ông Ngọ Duy Hiểu - Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội cho rằng đó là một chủ trương đúng và là định hướng quan trọng để hướng đến nền công nghiệp 4.0, thực hiện việc quản lý dân số bằng công nghệ, giảm bớt phiền hà cho người dân.

Trong điều kiện Chính phủ điện tử hướng đến nền công nghiệp 4.0, chúng ta phải lựa chọn hình thức quản lý mới vừa hiện đại, vừa tiện lợi mà không gây khó khăn cho người dân, khắc phục tình trạng người dân đi đâu cũng phải kèm theo hộ khẩu, CMTND. Nghị quyết 112 được áp dụng hiệu quả trong đời sống thực tiễn, trong các văn bản sắp tới Bộ Công an tham mưu cho Chính phủ phải đảm bảo thay thế biện pháp quản lý bằng một hình thức mới, đồng thời bỏ đi những rào cản. Nếu biện pháp quản lý mới không bỏ được rào cản, vẫn kèm theo các thủ tục phiền hà thì không giải quyết được triệt để, mà chỉ giải quyết được về mặt hình thức.

Việc ban hành Nghị quyết 112 có thể coi là quyết tâm cao của Chính phủ, đặc biệt là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Mong rằng Bộ Công an sẽ lắng nghe ý kiến của người dân, đồng thời nghiên cứu kinh nghiệm của nước ngoài để lựa chọn được một hình thức quản lý mới thật khoa học, phù hợp với thực tiễn, để vừa quản lý tốt dân cư bằng căn cước, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia các quan hệ dân sự, giao dịch hành chính. (Tiền Phong 6/11/2017)

Điều kiện tiên quyết là cơ sở dữ liệu dân cư

Theo đại tá Phùng Đức Thắng, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát đăng ký, quản lý cư trú và dữ liệu quốc gia về dân cư (C72), Bộ Công an, thời gian qua Bộ Công an đang khẩn trương triển khai thực hiện nhiều công việc liên quan đến Nghị quyết 112/NQ-CP của Chính phủ.

Trong đó, quan trọng nhất là gấp rút triển khai xây dựng dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo Đề án 896 của Chính phủ (theo Quyết định 896/QĐ-TTg ngày 8.6.2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013 - 2020).

“Đây là điều kiện tiên quyết để thực hiện các yêu cầu theo nghị quyết của Chính phủ, bởi đây là nơi tập hợp thông tin cơ bản của tất cả công dân cả nước được chuẩn hóa, số hóa, lưu trữ, quản lý bằng cơ sở hạ tầng thông tin để phục vụ quản lý nhà nước và giao dịch của cơ quan, tổ chức hay cá nhân”, đại tá Thắng nói.

Ông Thắng cũng cho hay, khi dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hoàn thành, đi vào vận hành, công dân đến thực hiện các thủ tục hành chính, chỉ cần xuất trình các thông tin cơ bản trên thẻ căn cước công dân như: mã số định danh, tên và nơi ở thì sẽ được giải quyết, không cần phải mang theo sổ hộ khẩu hay một số loại giấy tờ khác như trước đây.

“Trên thẻ căn cước công dân hiện nay có 12 số là mã số định danh của công dân. Đó là chìa khóa để giải quyết các vấn đề liên quan đến nhiều loại thủ tục giấy tờ, như hộ khẩu chẳng hạn”, ông Thắng cho hay. (Thanh Niên 6/11/2017)