Dĩa cơm trên tường – Chương trình thiện nguyện độc đáo và nhân văn cần được lan tỏa

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes –  Trong 4 năm qua, bác sĩ Hòa Anh tại bệnh viện Thiện Hạnh, Buôn Ma Thuột đã áp dụng mô hình “Dĩa cơm trên tường” để giúp đỡ hàng nghìn bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn ở Đăk Lăk.

Hàng tháng, hơn chục ngàn tấm phiếu ăn này được trao đến người nhà bệnh nhân tại 14 bệnh viện ở Đăk Lăk (ảnh: NVCC)
Hàng tháng, hơn chục ngàn tấm phiếu ăn này được trao đến người nhà bệnh nhân tại 14 bệnh viện ở Đăk Lăk (ảnh: NVCC)

Chúng tôi gặp bác sĩ Hòa Anh khi anh ra Hà Nội thăm một người bạn. Cuộc nói chuyện của chúng tôi trở nên lắng đọng khi anh nhắc tới chương trình thiện nguyện mà anh đang thực hiện có cái tên “Dĩa cơm trên tường”. Chúng tôi thực sự rất bất ngờ và khâm phục khi trong 4 năm qua anh và các thành viên ban điều hành tổ chức "Dĩa cơm trên tường Buôn Mê Thuột" đã huy động được 12 tỷ đồng, chia sẻ hàng vạn suất ăn cho người nhà bệnh nhân trong các bệnh viện trên địa bàn tỉnh. Chúng tôi càng ngạc nhiên hơn nữa khi nghe anh nói về cách huy động tiền và sử dụng tiền tài trợ một cách rõ ràng và minh bạch.

Khi chúng tôi đặt câu hỏi là vì sao chương trình có tên là “Dĩa cơm trên tường”, sao không phải là dĩa cơm đặt trên bàn mà lại nằm trên tường, bác sĩ Hòa Anh cho biết ý tưởng này bắt nguồn từ câu chuyện bên nước Ý.

“Ở thành phố Venice nước Ý có một bến thuyền rất đẹp. Có một quán cà phê rất sang trọng tọa lạc ở đó. Mỗi du khách tới quán uống cà phê phải trả 35 USD cho ly cà phê để được ngắm cảnh bình minh hoặc hoàng hôn tại bến thuyền. Trong suy nghĩ của mình, người chủ quán cà phê thấy rằng mọi người dân của Venice, dù giàu có hay nghèo khổ, đều xứng đáng được thưởng thức cảnh đẹp của thành phố. Nhưng không phải ai cũng có nhiều tiền để bỏ ra 35 USD cho một ly cà phê. Ông chợt nghĩ tới việc kêu gọi các du khách khi mua 1 ly cà phê thì trả thêm tiền cho một ly cà phê khác”, anh Hòa Anh kể lại.

“Sau khi khách thanh toán tiền 2 ly cà phê, mà thực chất họ chỉ uống 1 ly, người thu ngân sẽ dán một tờ giấy cắt hình chiếc ly cà phê lên cửa kính của quán. Bất cứ người vô gia cư hay người nghèo nào đi qua quán có thể gỡ ly cà phê giấy đó đưa cho thu ngân, và họ sẽ được phục vụ một ly cà phê thật trị giá 35 USD và được ngồi thưởng thức cảnh đẹp Venice”.

Anh Hòa Anh kể tiếp: “Cách làm này của người chủ quán thực sự rất nhân văn, ở chỗ “cách cho quý hơn quà cho”. Người khách trả tiền cho ly cà phê thứ 2 mà không biết sẽ cho ai. Người nghèo uống ly cà phê một cách nhàn nhã mà không phải bận tâm cảm ơn ai cho mình ly cà phê đó. Còn nhân viên quán cà phê cũng được yêu cầu phục vụ tận tình bất kể là người giàu có hay người nghèo khổ”.

bác sĩ Hoà Anh, bệnh viện Thiện Hạnh, Buôn Mê Thuột

bác sĩ Hoà Anh, bệnh viện Thiện Hạnh, Buôn Mê Thuột

Lý do khiến bác sĩ Hòa Anh bắt tay vào làm từ thiện là khi anh nhận được một cuộc gọi từ đồng nghiệp nói rằng có rất nhiều bệnh nhân ung thư ở bệnh viện ung bướu Đăk Lăk chưa trị dứt bệnh đã bỏ về, và đề nghị anh nghĩ ra cách gì đó để giúp họ. Thực chất thì các bệnh nhân này đa phần là người dân tộc, họ được nhà nước hỗ trợ tiền chữa trị tại bệnh viện. Việc họ bỏ về là do người nhà đi chăm bệnh – những người không được nhà nước hỗ trợ tiền ăn ở - đã tiêu hết tiền mang theo. Những người chăm bệnh sau khi hết tiền đã kéo luôn bệnh nhân ra về.

Ban đầu, một số y bác sĩ tại bệnh viện ung bướu đã góp tiền để những người chăm bệnh có thể nán lại thêm một thời gian. Nhưng vì họ là người dân tộc, suy nghĩ rất giản đơn, nên khi nhận được tiền ủng hộ, ngoài mua thức ăn họ còn mua cà phê, mua thuốc hút, mua rượu để uống. Chẳng mấy chốc mà hết tiền. Các y bác sĩ thấy vậy cũng không đóng góp hỗ trợ nữa.

Bác sĩ Hòa Anh thấy rằng nên hỗ trợ những người chăm bệnh chứ không phải bệnh nhân. Khi tham khảo các cách làm từ thiện, anh thấy chương trình "Dĩa cơm trên tường" của bác sĩ Huỳnh Thanh Hiển và bác sĩ Võ Xuân Sơn (BV Chợ Rẫy) khá hữu ích nên đã đem mô hình này áp dụng tại các bệnh viện tỉnh nhà, bằng cách phát các phiếu ăn cho người chăm bệnh nhân tại 14 bệnh viện ở Đăk Lăk.

Bác sĩ Hòa anh nói về lý do thực hiện chương trình thiện nguyện

Ban đầu, bác sĩ Hòa Anh kêu gọi 4 người bạn, mỗi người góp 1 triệu đồng để lập quỹ, sau đó huy động thêm các nhà hảo tâm. Việc phát các phiếu ăn đến người nhà bệnh nhân do các y tá đảm nhiệm, vì họ là người thường xuyên tiếp xúc với bệnh nhân, biết gia cảnh ai nghèo khó thực sự.

“Các doanh nghiệp hay nhà chùa khi thực hiện chương trình từ thiện thường treo băng rôn khẩu hiệu, và yêu cầu người nhà bệnh nhân xếp hàng để nhận đồ từ thiện. Nhiều người nghèo họ tự ti họ sẽ không xếp hàng để nhận đồ”.

“Cách phát phiếu của mình khiến người nhà bệnh nhân không biết mình đã nhận của ai để mà phải hàm ơn. Nó giống như cách mà ông chủ quán cà phê ở Ý thực hiện”, anh Hòa Anh nói.

Các phiếu ăn được trao tặng tại 14 bệnh viện ở Đăk Lăk (ảnh: NVCC)

Các phiếu ăn được trao tặng tại 14 bệnh viện ở Đăk Lăk (ảnh: NVCC)

Khi mang phiếu ăn ra quán, họ sẽ được phục vụ đầy đủ như chính họ bỏ tiền ra mua suất ăn. Họ có thể chọn giờ ăn vào bất cứ lúc nào họ muốn, có thể ăn bún, cơm, phở - những món họ thích. Để ủng hộ chương trình, các chủ quán chỉ thu suất ăn 20.000 đồng, còn 5.000 đồng chủ quán đóng góp ngược lại cho quỹ. Nó cũng giống như du khách bỏ tiền mua ly cà phê thứ hai ở Ý.

Hiện nay mỗi tháng chương trình “Dĩa cơm trên tường” phát 13.600 suất ăn tại 14 bệnh viện thuộc tỉnh Đăk Lăk, tương đương với 250 triệu đồng mỗi tháng. Trong 4 năm qua, từ 12/9/2016 đến nay, chương trình đã huy động được 12 tỷ đồng và đã chi trả 8 tỷ đồng cho các suất cơm.

Khi huy động tiền từ thiện, điều quan tâm nhất của người đóng góp là tiền đó có được chi đúng mục đích hay không, có công khai, minh bạch không. Nói về điều này, anh Hòa Anh cho biết:

“Về mặt pháp lý, chương trình từ thiện có quyết định thành lập của UBND thành phố Buôn Mê Thuột. Quỹ từ thiện được 9 thành viên sáng lập đồng sở hữu. Bất kỳ thành viên nào cũng không được phép rút tiền, chuyển tiền nếu không có sự đồng ý của các thành viên còn lại. Hơn nữa, từng quán ăn phải đăng ký số tài khoản với ngân hàng. Số tiền trong quỹ từ thiện tại ngân hàng chỉ chi trả đúng với số tài khoản quán ăn đã đăng ký”.

“Có một lần, một nhà hảo tâm đã chuyển 1 triệu vào tài khoản, nhưng do bấm nhầm thêm một số 0 thành ra chuyển 10 triệu, nhưng chúng em không thể rút ra được, bởi tiền trong quỹ chỉ có thể rút ra duy nhất cho quán ăn”, anh Hòa Anh kể lại.

Đối với hoạt động điều hành quỹ từ thiện, bác sĩ Hòa Anh nói rằng anh và nhóm 9 người trong ban điều hành phải bỏ tiền túi ra chi trả để không động chạm, không bớt xén dù chỉ 1 đồng trong quỹ. Chẳng hạn như chi phí như in phiếu ăn (in màu để không bị kẻ xấu photocopy làm giả) hay tổ chức đêm nhạc từ thiện đều do anh em trong ban điều hành dùng tiền của mình chi trả. Cũng may mắn là sau này nhà in đã ủng hộ công việc từ thiện nên đã miễn phí tiền in ấn. Các ca sĩ tham gia biểu diễn trong đêm nhạc cũng không lấy tiền công.

9 thành viên trong Ban điều hành quỹ từ thiện đứng trên sân khấu trong đêm nhạc kỷ niệm 2 năm thành lập (ảnh: NVCC)

9 thành viên trong Ban điều hành quỹ từ thiện đứng trên sân khấu trong đêm nhạc kỷ niệm 2 năm thành lập (ảnh: NVCC)

Để việc thu chi được công khai minh bạch, 2 năm một lần anh Hòa Anh lại mời Kiểm toán độc lập vào làm việc, để họ xác minh rằng quỹ này chỉ chi trả tiền cơm, không chi trả cho công việc nào khác.

Ngồi nghe bác sĩ Hòa Anh nói, chúng tôi thấy cách làm từ thiện này rất khoa học, rất đáng nhân rộng. “Em cũng muốn các bệnh viện ở Hà Nội có cách làm giống như vậy để hỗ trợ người nhà bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn, bởi Hà Nội là nơi tuyến đầu, bệnh nhân ở các địa phương về điều trị rất nhiều”, anh Hòa Anh tâm sự.

Hy vọng là “Dĩa cơm trên tường” không chỉ có ở TP.HCM hay Đăk Lăk mà sẽ có mặt trên khắp các bệnh viện trên cả nước, để những nỗi đau bệnh tật được bớt đi và những tấm lòng vàng được trải rộng thêm...