"Đầu tàu" kinh tế châu Âu vướng vào vòng xoáy suy giảm

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Chi phí năng lượng cao hơn, sự cạnh tranh của Trung Quốc và nhu cầu hàng hóa toàn cầu giảm sút đang cản trở cường quốc công nghiệp châu Âu.

"Đầu tàu" kinh tế châu Âu vướng vào vòng xoáy suy giảm

Nền kinh tế đang gặp khó khăn của Đức, từng là động lực tăng trưởng chính của châu Âu, có thể sắp phải đối mặt với một đợt suy thoái mới khi lĩnh vực sản xuất cực kỳ quan trọng của nước này tiếp tục suy yếu.

Dữ liệu gần đây cho thấy, sau giai đoạn trì trệ kể từ cuối năm ngoái, sản lượng của Đức có thể sẽ thu hẹp trong quý này do các nhà máy của nước này phải đối mặt với chi phí năng lượng cao hơn, thị trường toàn cầu kém thân thiện hơn và sự cạnh tranh gay gắt từ Trung Quốc trong các lĩnh vực quan trọng.

1.png
Các chỉ số sản xuất công nghiệp của Đức (Ảnh: Cơ quan thống kê Đức)

Quốc gia này chịu ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc chiến ở Ukraine, sự kiện làm tăng đột biến giá năng lượng và thực phẩm. Sự phụ thuộc của Đức vào xuất khẩu để tăng trưởng đã khiến nước này dễ bị tổn thương bởi sự sụt giảm nhu cầu hàng hóa trên toàn cầu, khi các hộ gia đình gặp khó khăn về tài chính ưu tiên chi tiền cho các dịch vụ mà họ không được hưởng từ thời đại dịch COVID-19.

Nền kinh tế Đức chỉ tăng trưởng duy nhất một lần trong 5 quý vừa qua, và giảm 0,3% trong quý kết thúc vào tháng 6, so với quý đầu năm 2022, thời điểm bắt đầu cuộc chiến ở Ukraine. Các nền kinh tế lớn khác của châu Âu ghi nhận đà tăng trưởng tốt hơn nhiều, trong đó Pháp tăng trưởng 1,4%, Italy 1,7% và Tây Ban Nha 4,6% trong cùng giai đoạn. Ở Mỹ, GDP tăng trưởng 2,4%, cao hơn so với mức dự báo tăng 2% mà các nhà kinh tế đưa ra trong một cuộc khảo sát của hãng tin Dow Jones.

Dữ liệu được cơ quan thống kê Đức công bố trong hôm 7/9 cho thấy sản lượng công nghiệp giảm 0,8% trong tháng 7, so với tháng trước đó, và giảm 4% so với tháng 2/2022, thời điểm chiến sự Ukraine bùng phát.

Nền kinh tế Đức có thể sẽ thu hẹp 0,3% trong quý hiện tại, và khoảng 0,5% trong toàn năm 2023, theo Viện Kinh tế Thế giới Kiel. Những con số này đã được cắt giảm so với dự báo trước đó.

im-847569.jfif
Các cuộc khảo sát doanh nghiệp cho thấy sản lượng nhà máy của Đức trong tháng 8 giảm mạnh hơn bất kỳ tháng nào kể từ tháng 5/2020 (Ảnh: Getty)

Nguyên nhân từ nhiều phía

Chiến sự ở Ukraine không phải nguyên nhân duy nhất. Mặc dù giá cả tăng cao kể từ khi chiến sự Ukraine bùng phát đã làm giảm sản lượng trong những ngành công nghiệp cần nhiều năng lượng, như hóa chất, nhưng hoạt động sản xuất của Đức vốn đã suy giảm kể từ năm 2018, trùng thời điểm mà thương mại quốc tế bắt đầu suy hướng giảm.

Sự thay đổi này trở nên rõ ràng hơn khi Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ, Donald Trump, áp hàng rào thuế quan không chỉ với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc mà cả các nước đồng minh ở châu Âu. Quyết định của Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) năm 2016 và sự kiện Crimea năm 2014 cũng đánh tín hiệu về một sự chuyển dịch sang môi trường khó khăn hơn đối với các nước xuất khẩu lớn.

“Có ba điều khó khăn: giá năng lượng cao hơn, môi trường toàn cầu không thuận lợi cho thương mại hàng hóa và cú sốc Trung Quốc”, Sander Tordoir, nhà kinh tế học đến từ Trung tâm Cải cách châu Âu, trụ sở tại Berlin, nhận định.

Trong khi đó, lạm phát tăng vọt, giờ trong năm thứ 3, đã làm suy yếu sức mua của các hộ gia đình Đức, khiến họ mua ít hàng hóa hơn.

Theo cơ quan thống kê Đức, doanh số bán tại các cửa hàng và cửa hàng trực tuyến giảm trong tháng 7. Doanh số bán hàng 7 tháng đầu năm nay giảm 4% so với cùng kỳ năm 2022. Đặc biệt, các hộ gia đình giảm tiêu thụ thực phẩm do giá tăng vọt, lượng thực phẩm mà họ mua giảm 5,3% so với 7 tháng đầu năm ngoái.

Gặp khó khăn do nhu cầu trong nước giảm, các nhà sản xuất Đức cũng chịu áp lực ở thị trường nước ngoài. Vào tháng 7, các doanh nghiệp trong nước đã bán lượng hàng hóa trị giá 130,4 tỉ euro – tương đương 139,86 tỉ USD – cho phần còn lại của thế giới, giảm so với tháng 6 và giảm 1% so với một năm trước đó.

Khả năng phục hồi đáng ngạc nhiên của nền kinh tế Mỹ bất chấp lãi suất tăng đã hỗ trợ một phần, khi lượng hàng hóa xuất khẩu sang nền kinh tế lớn nhất thế giới tăng 5,2% so với tháng trước. Doanh số bán hàng cho người mua Trung Quốc tăng khiêm tốn hơn, ở mức 1,2%. Xuất khẩu sang Anh, vốn đã trì trệ kể từ khi bắt đầu chiến sự, đã giảm 3,5%.

Các nhà sản xuất Đức cũng đối diện với sự cạnh tranh khốc liệt hơn đến từ các đối tác Trung Quốc, trong những ngành công nghiệp mà họ từng thống trị, như lĩnh vực ô tô.

im-847477.jfif
Lạm phát gia tăng làm suy yếu sức chi tiêu của các hộ gia đình Đức (Ảnh: Shutterstock)

Viễn cảnh ảm đạm

Do suy giảm sản lượng sản xuất, xuất khẩu và bán lẻ trong tháng 7, nền kinh tế Đức chỉ có thể thoát khỏi đà giảm trong quý hiện tại nếu như chứng kiến đà hồi phục trong cả tháng 8 và tháng 9. Tuy nhiên, một số khảo sát kinh doanh cho thấy hoạt động nhà máy ở Đức vẫn suy yếu.

Theo cuộc khảo sát mà S&P Global thực hiện với các quản lý thu mua, sản lượng nhà máy trong tháng 8 giảm mạnh hơn bất kỳ tháng nào kể từ tháng 5/2020.

Cũng có nhiều tín hiệu mới cho thấy sự suy yếu kéo dài đã lan sang những khu vực khác của nền kinh tế.

Cyrus de la Rubia, nhà kinh tế đến từ Ngân hàng Thương mại Hamburg, cho biết: “Tia hy vọng cuối cùng là lĩnh vực dịch vụ có thể tiếp tục mang lại sự ổn định nhất định cho nền kinh tế nói chung. Nhưng sự lạc quan này chỉ tồn tại trong thời gian ngắn, bởi lĩnh vực này thu hẹp với tốc độ khá đáng kể”.

Có rất ít dấu hiệu cho thấy sự phục hồi sau quý hiện tại. Tiền lương bắt đầu tăng nhanh hơn giá tiêu dùng trong quý 2 và điều đó sẽ khôi phục lại phần nào khả năng chi tiêu đã mất cho các hộ gia đình. Tuy nhiên, triển vọng của các nhà máy lại rất ảm đạm.

Theo cơ quan thống kê Đức, lượng đơn đặt hàng tại nhà máy giảm gần 12% trong tháng 7, so với tháng trước đó, đảo ngược mức tăng gần đây nhờ nhu cầu thiết bị quốc phòng tăng. Đây là mức giảm lớn nhất trong một tháng, kể từ tháng 4/2020.

“Tình trạng nhu cầu hiện tại chỉ có thể được mô tả là ảm đạm”, nhà kinh tế học Stefan Chilbe đến từ HSBC, nhận định./.

Theo Wall Street Journal