Dấu hiệu và cách xử lý khi ô tô bị cháy giữa đường

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Khi đang di chuyển mà trong xe phát hiện các dấu hiệu bất thường như mùi khét hay tiếng động lạ, rất có thể chiếc xe đang phát ra thông điệp "cầu cứu".

Dấu hiệu nhận biết xe sắp cháy

Khi xe đang di chuyển, thời điểm trước khi bốc cháy sẽ có một số dấu hiệu nhất định. Người dùng hãy để ý vì những dấu hiệu như vậy chính là thời điểm "vàng" để cứu vãn tình hình.

Dấu hiệu đầu tiên và dễ nhận biết nhất chính là ngửi thấy mùi khét, người ngồi trong xe sẽ ngửi thấy mùi này bắt nguồn từ phía dưới nắp capo, trong khoang lái hoặc cốp xe. Đây được xem là dấu hiệu cho thấy một bộ phận nào đó bằng chất liệu nhựa, cao su hay xăng đang bị cháy do nhiệt độ quá cao.

mùi khét.jpeg
Mùi khét, dấu hiệu cơ bản có thể nhận thấy đầu tiên khi xe có hiện tượng chập, cháy.

Ngoài mùi khét, dấu hiệu thứ hai là nghe thấy tiếng lạ như tiếng nổ lách tách, tiếng rò rỉ hoặc tiếng xì hơi từ xe cũng được xem là nguyên nhân dễ gây cháy cho xe.

Tiếng động lạ có thể xuất hiện từ động cơ, hệ thống nhiên liệu hoặc hệ thống điện. Khi nghe thấy những âm thanh lạ như vậy, có thể đang có hiện tượng chập điện ở phía dưới nắp capo.

Theo các chuyên gia, nguyên nhân gây cháy ô tô hiện nay chủ yếu là do chập điện khi các tia lửa bắt vào các bộ phận dễ cháy và gây cháy nên các bác tài hãy cảnh giác, không được xem thường những tiếng “lách tách” nhỏ này.

Người dùng cũng có thể nhận biết dấu hiệu cháy dễ dàng thông qua việc theo dõi nhiệt độ của động cơ, nắp capo hoặc các bộ phận khác của xe.

Chú ý đến các dấu hiệu cảnh báo trên bảng đồng hồ taplo như đèn báo nhiệt độ động cơ cao, đèn báo lỗi hệ thống điện, đèn báo mức nhiên liệu thấp. Hoặc đơn giản, việc di chuyển quá lâu trong thời gian liên tục cũng có thể dẫn đến hiện tượng tăng cao nhiệt độ động cơ.

đèn cảnh báo nóng.jpeg
Hãy chú ý đến đèn cảnh báo nhiệt độ động cơ trên taplo.

Cuối cùng, các bác tài hãy để ý đến khói xe bốc lên. Khói có thể xuất hiện từ ống xả, nắp capo hoặc các khe hở của xe. Trường hợp phía dưới nắp capo có khói, thì lúc này một bộ phận nào đó đang âm ỉ cháy nên hãy thận trọng.

Các bước xử lý khi cháy xe bất ngờ

Khi nhận thấy xe bắt đầu có khói và lửa nhen nhóm bốc lên, người dùng hãy thật bình tĩnh và xử lý theo kinh nghiệm để giữ an toàn cho bản thân mình và hành khách trước khi nghĩ đến việc dập lửa cho xe.

Hãy dừng xe, táp vào lề đường và tắt máy ngay sau khi phát hiện sự cố, vì khi tắt nguồn điện, chúng ta đã cắt nguồn cung cấp nhiên liệu cho đám cháy.

Những người trong xe phải nhanh chóng di chuyển ra xa chiếc xe, bắt đầu bằng việc mở dây an toàn và tìm vị trí mở cửa để thoát thân càng nhanh càng tốt. Nếu cửa xe bị kẹt, hãy sử dụng búa thoát hiểm chuyên dụng để phá vỡ cửa sổ.

tat_may__1_1.jpg
Khi xảy ra sự cố, hãy táp xe vào lề đường, tắt động cơ của xe để cắt nguồn cung cấp nguyên liệu cho đám cháy.

Bạn cũng cần bịt mũi, miệng để tránh ngạt thở, giữ thể trạng cơ thể tốt nhất để thoát khỏi xe. Nếu có thể hãy mang theo một chai nước và khăn để cứu nguy cho mình trong những tình huống như vậy. Nên di chuyển ra xa khu vực xe đang cháy và hướng gió để tránh bị ngạt thở bởi khói và khí độc.

Tiếp theo, gọi ngay cho số 114 và cung cấp vị trí hoặc địa chỉ gặp sự cố chính xác để đội Phòng cháy chữa cháy tiếp cận hiện trường một cách nhanh nhất, đồng thời hô hoán để nhờ sự giúp đỡ của người dân xung quanh.

Sau khi đảm bảo mọi người trong xe được di chuyển an toàn ra ngoài. Nếu phát hiện đám cháy nhỏ, người dùng có thể xử lý nhanh bằng cách dùng cát, bao tải, vải thấm nước, bình chữa cháy...để dập tắt ngọn lửa ở giai đoạn đầu. Dù khả năng dập ngọn lửa được ít hay nhiều cũng đều giúp tăng sự an toàn cho bạn và những người hoặc phương tiện xung quanh.

Nếu đám cháy quá lớn hoặc nguy hiểm, không nên cố gắng dập lửa mà hãy di chuyển ra xa và chờ đợi lực lượng cứu hỏa. Việc cố gắng dập lửa lúc này rất khó và có khả năng gặp nguy hiểm cho chính bản thân.

Kinh nghiệm phòng chống cháy nổ cho xe

Một trong những nguyên nhân chính gây ra những vụ cháy đều bắt nguồn từ việc chập, cháy từ hệ thống điện của xe gây ra. Việc "độ, đẽo" linh kiện, phụ kiện trên xe không đảm bảo chính là lý do hàng đầu.

5-van-de-can-luu-y-khi-dau-noi-d.jpg
Việc độ, đẽo thêm phụ kiện vào xe gây ảnh hưởng đến hệ thống điện, tăng nguy cơ chập cháy.

Theo tư vấn từ các chuyên gia và người dùng có kinh nghiệm, khách hàng hãy cân nhắc trước khi tự ý thay thế phụ kiện và nhiên liệu cho xe khác với ban đầu.

Nếu muốn thay thế hay nâng cấp, cần tìm hiểu nguồn gốc, xuất xứ, chức năng của các thiết bị đó xem xét nó có thật sự phù hợp với xe của mình hay không. Nếu thật sự cần, hãy tìm đến cơ sở uy tín lắp đặt để đảm bảo an toàn.

Bên cạnh đó, người dùng nên thường xuyên kiểm tra và bảo dưỡng xe, kiểm tra hệ thống điện, hệ thống nhiên liệu, động cơ và các bộ phận khác của xe nhằm sớm phát hiện các hư hỏng để khắc phục kịp thời.

Cuối cùng, người dùng xe nên tạo các thói quen sử dụng xe an toàn như tắt hết các thiết bị sử dụng điện khi không cần sử dụng tới, không hút thuốc lá và không để các thiết bị dễ tạo ra tia lửa trên xe...Không đỗ xe ở những nơi có nguy cơ cháy nổ cao như gần nguồn lửa, khu vực dễ bắt lửa, hạn chế chở hàng hóa dễ cháy trên xe.