Sáng ngày 12/4, tại Kỳ họp thứ 17 HĐND TP Đà Nẵng khoá IX (nhiệm kỳ 2016 – 2021), HĐND TP Đà Nẵng đã thông qua số lượng biên chế công chức của UBND cấp phường ở từng quận khi triển khai thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị.
Cụ thể, biên chế công chức bình quân làm việc tại UBND phường là 15 người, được tính trên tổng số phường của một quận. Trong đó, biên chế công chức UBND phường ở quận Hải Châu (13 phường) là 195 người; quận Thanh Khê (10 phường): 150 người; quận Sơn Trà (7 phường): 105 người; quận Ngũ Hành Sơn (4 phường): 60 người; quận Liên Chiểu (5 phường): 75 người; quận Cẩm Lệ (6 phường): 90 người.
Quy định biên chế công chức có hiệu lực từ ngày 1/7 cho đến khi Quốc hội quyết định chấm dứt việc thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại Đà Nẵng.
Trước đó, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 119/2020/QH14 cho phép TP Đà Nẵng thí điểm tổ chức chính quyền đô thị theo mô hình 1 cấp chính quyền địa phương (cấp TP) và 2 cấp hành chính (quận, phường) từ ngày 1/7/2021 cho đến khi Quốc hội quyết định chấm dứt thực hiện.
Theo mô hình chính quyền đô thị, chính quyền TP Đà Nẵng sẽ được tổ chức thành một cấp chính quyền địa phương gồm HĐND và UBND. Chính quyền địa phương ở các quận thuộc Đà Nẵng là UBND quận (không tổ chức HĐND quận). UBND quận là cơ quan hành chính Nhà nước ở quận, thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Nghị quyết này và theo phân cấp, ủy quyền của UBND, Chủ tịch UBND TP
Chính quyền địa phương ở các phường là UBND phường (không tổ chức HĐND phường). UBND phường là cơ quan hành chính Nhà nước ở phường, thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Nghị quyết này và theo phân cấp, ủy quyền của UBND, Chủ tịch UBND TP, UBND quận.
Việc tổ chức chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính khác của Đà Nẵng được thực hiện theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Với mô hình này, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP, các ĐBQH, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình sẽ thực hiện vai trò giám sát, chức năng đại diện cho cử tri TP Đà Nẵng, qua đó bảo đảm quyền đại diện và phát huy dân chủ của người dân. Việc thực hành quyền dân chủ và giám sát của nhân dân vẫn tiếp tục được thực hiện thông qua các hình thức dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện, dân chủ ở cơ sở và thông qua vai trò của cả hệ thống chính trị ở địa phương, trong đó vai trò lãnh đạo của Đảng, vai trò giám sát của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên, các tổ chức chính trị xã hội.
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu