Đà Nẵng đang "khát" cơ chế?
Sáng 30/7, tại Trung tâm Hành chính Đà Nẵng, Đoàn công tác Chính phủ do Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND TP Đà Nẵng về công tác quản lý, sử dụng vốn ODA đối với các dự án mới của Đà Nẵng, cũng như công tác chuẩn bị cho APEC 2017.
Theo UBND TP Đà Nẵng, trong 6 tháng đầu năm 2016, Đà Nẵng có 6 dự án sử dụng vốn ODA với số vốn khoảng 400 triệu USD. Trong đó, vốn ODA là 314 triệu USD và vốn đối ứng đạt 86 triệu USD.
Đối với các dự án FDI, trong 6 tháng đầu năm 2016, Đà Nẵng thu hút được 30 dự án đầu tư FDI, tổng vốn đầu tư hơn 10 triệu USD. Hiện thành phố có 409 dự án FDI với tổng vốn đăng ký hơn 3,6 tỷ USD.
Theo ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, nguồn vốn đối ngoại mang lại cho Đà Nẵng sự đổi thay rất nhiều. Bên cạnh nguồn vốn ngân sách của TƯ và địa phương, thông qua kênh đối ngoại, các khoản hỗ trợ phát triển lên đến 700 - 800 triệu USD.
Việc thu hút ODA của Đà Nẵng là thuận lợi và chủ yếu là vốn của WB. "Tuy nhiên, năng lực vay - trả nợ là vấn đề cần được trung ương xem xét. Mới đây nhất, cơ chế đặc thù cho phép Đà Nẵng được huy động nguồn vốn (dư nợ công) 40% so với tổng thu ngân sách. Theo luật thì chỉ là 30%, nhưng cơ chế đặc thù lên 40%, chứ không lên 60% như TP HCM. Tổng thu ngân sách của thành phố được khoảng 20.000 tỷ dự kiến 2016 cũng đủ sức trả nợ. Đầu tư cơ sở hạ tầng (xử lý nước thải, làm cảng, làm ga)... chủ yếu không sinh lợi nhưng TP phải đầu tư" - Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng nói.
"Những chương trình phát trình bền vững, TƯ 85%, Đà Nẵng chỉ vay 15%. Nhưng đến giờ chỉ xin 50%-50% là được. Những công trình có thể sinh lời, như Cảng Tiên Sa thì dùng PPP để hỗ trợ nhà đầu tư. Nên không thể cứ xin tiền mãi được, mà Đà Nẵng cần cơ chế để chủ động sử dụng trong đầu tư phát triển. Vì ODA không phải vay cho không, mà vay phải hoàn trả", ông Huỳnh Đức Thơ nói.
Nên bỏ áp trần nợ công, kiểm soát lộ trình trả nợ!
Liên quan đến nguồn vốn đối ứng để phát triển đô thị kịp thời, ông Trần Văn Sơn, Giám đốc Sở KHĐT Đà Nẵng cho rằng, việc đối ứng vốn kịp cho tiến độ dự án là rất quan trọng. Nhưng tăng vay ngân sách trung ương thì áp lực lại đè lên ngân sách địa phương. "Cơ chế vay lại cần thực hiện ngay. Nếu như các dự án được triển khai trả mỗi năm 300 tỷ/năm thì không nên khống chế trần trả nợ công. Giả sử nếu dự án trên 5.000 tỷ, vượt quá trần nợ công thì rất khó. Nên Chính phủ nên kiểm soát lộ trình trả nợ của các địa phương, thay vì áp trần trả nợ công như hiện nay".
Bên cạnh đó, để tạo điều kiện để địa phương chủ động phát triển, theo Giám đốc Sở KHĐT Đà Nẵng, các dự án ODA chủ yếu là dự án nhóm A và có nhiều dự án nhỏ, nên Chính phủ cần ủy quyền cho thành phố để chủ động tăng tốc độ, tiến độ dự án ODA cho kịp thời và phù hợp
Liên quan đến cơ chế này, Vụ trưởng Vụ quan hệ quốc tế ngạc nhiên nói: "Ngạc nhiên và nghịch lý, Đà Nẵng đứng đầu PCI. Nhưng đứng cuối sổ về vốn thu hút ít dưới 10 triệu USD. Số vốn rút đi nhiều hơn số vốn hút vào. Thu hút vốn FDI âm khiến chúng tôi ngạc nhiên. Khi Công ty Samsung khảo sát 3 địa điểm (Bắc Ninh, Đà Nẵng, Thái Nguyên), nhưng cuối cùng Samsung chọn Thái Nguyên (gần sân bay Nội Bài, chuẩn bị mở cao tốc Thái Nguyên - Lào Cai). Đài Loan, Hong Kong, Ma Cao xin mở casino nhưng Đà Nẵng không đủ đất. Tốt nhất vay 50-50%. Hồi vay 100% là lúc thành phố mới phát triển. Đến nay, chúng tôi đang trình nghị định vốn vay nước ngoài, Đà Nẵng có thể điều tiết được nguồn thu. Thì nên vay ODA: 50-50, ưu đãi: 100% và PPP: 30-70%"
Theo Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, "Mặc dù môi trường thuận lợi, khả năng cạnh tranh tốt, nhưng thu hút đầu tư Đà Nẵng chưa cao, chưa theo ý muốn, nên Đà Nẵng cần xem xét lại việc thu hút đầu tư do yếu tố chủ quan lẫn khách quan".
"Tôi hiểu Đà Nẵng thu hút công nghệ cao, công nghệ sạch chứ không phải các ngành đầu tư lớn nhưng ảnh hưởng đến môi trường. Đà Nẵng có sự lựa chọn, tập trung có thể mạnh, nhưng chú trọng an toàn môi trường. Các bộ ban ngành cũng giới thiệu doanh nghiệp đến Đà Nẵng nhưng chưa vào nhiều. Trong thời gian tới, Đà Nẵng nên thu hút du lịch, xuất nhập khẩu ấn tượng. Bộ Ngoại giao đồng ý tích cực hỗ trợ Đà Nẵng quảng bá, thu hút đầu tư du lịch, quan hệ thương mại" - Phó Thủ tướng gợi ý.
Cũng theo Phó Thủ tướng, Đà Nẵng là địa phương có dự án thu hút nhiều ODA và được ưu tiên của Chính phủ ưu tiên. Qua đánh giá, các dự án ODA do Đà Nẵng thực hiện đảm bảo mục tiêu, thời gian đề ra. Tốc độ giải ngân ODA đạt 30% là cao hơn mức bình quân, vốn đối ứng của Đà Nẵng tốt, đóng góp của dự án ODA cho phát triển KT-XH hiệu quả.
"Chính phủ xem xét cho Đà Nẵng được vay ODA ở mức 50%, vay ưu đãi 100% (vẫn phải trả nợ). Đà Nẵng đề nghị PPP và vay ưu đãi hoặc ODA thì cơ chế tài chính như thế nào? (70% ODA, vay ưu đãi của thành phố như góp vốn). Tuy nhiên, vay ODA chiếm 26% nợ quốc gia cho đến 2020, nên cần nghiên cứu hết sức cẩn thận. Với 8 dự án Đà Nẵng đang đề nghị cần cân nhắc tới nguồn vốn vay khác, nguồn vốn bổ sung và khả năng trả nợ, hoàn vốn vay"- Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh kết luận.