Về chủ trương xây dựng cảng Liên Chiểu trở thành cảng hàng hóa chiến lược của Đà Nẵng, dần thay thế cảng Tiên Sa trong tương lai với sự hỗ trợ của TP Yokohama (Nhật Bản), ngày 20/9, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đã có buổi chủ trì cùng các Sở, ban ngành làm việc với đoàn công tác của Công ty tư vấn Cảng Nhật Bản (JPC), Viện phát triển khu vực ven biển nước ngoài (OCDI) và Đại diện Cục hợp tác phát triển thành phố Yokohama.
Theo chủ trương hợp tác và định hướng phát triển của Đà Nẵng, việc khởi động nghiên cứu tiền khả thi xây dựng cảng Liên Chiểu nằm trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội TP Đà Nẵng trong tương lai. Đặc biệt là biến cảng Liên Chiểu thành cảng nước sâu, phục vụ vận tải hàng hóa. Đồng thời kết nối với đường hàng không qua sân bay quốc tế Đà Nẵng; hệ thống đường bộ, đường sắt quốc gia; hệ thống Logistic... nhằm thúc đẩy Đà Nẵng phát triển mạnh mẽ, đồng bộ.
Để thực hiện dự án, phía đoàn Nhật Bản yêu cầu Đà Nẵng cần đánh giá tính khả thi, cách thức triển khai các bước tiếp theo của Dự án như: Phân chia chức năng giữa các cảng hiện nay của Đà Nẵng nhằm đảm bảo sự phát triển ổn định cho cảng Liên Chiểu; Sắp xếp tổ chức của cảng Liên Chiểu; Và sắp xếp kế hoạch tài chính của dự án cảng Liên Chiểu.
Ngoài ra, việc đánh giá các tác động môi trường như suy giảm chất lượng nước do nạo vét, đổ thải; biến đổi đường bờ do xây dựng các công trình cảng; nguy cơ tắc nghẽn giao thông;... cũng cần được xem xét trong nghiên cứu tiền khả thi.
Dự kiến, thời gian nghiên cứu sẽ thực hiện trong 6 tháng, bắt đầu từ tháng 9/2016 đến tháng 2/2017. Và Dự án cảng Liên Chiểu sẽ được đầu tư từ nguồn vốn ODA Nhật Bản và có sự tham gia của các nhà đầu tư Nhật Bản.