Loạn quảng cáo dịch vụ thẩm mỹ
Cuộc sống phát triển, mức sống người dân đi lên đã kéo theo việc làm đẹp như một nhu cầu thiết yếu của người dân. Nắm bắt nhu cầu này, trên địa bàn TP Đà Nẵng thời gian qua mọc lên khá nhiều các dịch vụ thẩm mỹ, từ spa, massage cho đến phun xăm, phẫu thuật thẩm mỹ.
Và chỉ cần một cái click chuột với từ khóa “thẩm mỹ viện ở Đà Nẵng”, bất cứ ai cũng có thể nhận được hàng ngàn kết quả dẫn đến các cơ sở làm đẹp, dịch vụ thẩm mỹ, thẩm mỹ viện,… cùng những nội dung quảng cáo khiến người tiêu dùng như lạc vào mê cung của dịch vụ thẩm mỹ.
Tiếp tục tìm kiếm và đối chiếu với danh sách các cơ sở được ngành y tế Đà Nẵng cung cấp thì tại nhiều cơ sở, dù không có trong danh sách cấp phép của Sở Y tế Đà Nẵng nhưng bảng hiệu, quảng cáo vẫn đăng tải thực hiện các kỹ thuật thẩm mỹ xâm lấn, có sử dụng tiêm, gây mê và chảy máu. Nhiều nhất là các kỹ thuật được kiểm soát bởi ngành y tế như: tiêm filler, botox thẩm mỹ, nâng sữa mũi, hút mỡ,… liên quan đến vấn đề tiêm (chích), kỹ thuật xâm lấn của y tế.
Thậm chí các cơ sở dịch vụ với giấy phép hoạt động lĩnh vực dịch vụ thẩm mỹ, spa,… chỉ do UBND các quận cấp, nhưng vẫn ngang nhiên quảng cáo và tiếp nhận thực hiện các kỹ thuật thẩm mỹ.
Người dân cần phân biệt giữa dịch vụ chăm sóc làm đẹp khác với phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ
|
Gần nhất là vụ việc liên quan đến dịch vụ thẩm mỹ của Viện thẩm mỹ quốc tế Gang Nam - chi nhánh Đà Nẵng khi 7 phụ nữ cũng kéo đến cơ sở này để phản ứng vì tin lời quảng cáo trên facebook nên bị lừa. Tin lời quảng cáo, số người này đã góp gần 400 triệu đồng (người nộp nhiều nhất là 129 triệu đồng, người ít nhất là 25 triệu đồng) mua các gói dịch vụ làm đẹp gồm: nâng ngực, làm gọn vòng eo, làm trắng da... tại đây nhưng không hiệu quả. Vụ việc diễn biến phức tạp buộc Công an phường Thạch Thang phải có mặt để ghi nhận vụ việc.
Liên quan đến vấn đề này, bác sỹ Nguyễn Ngọc Thanh - Trưởng phòng Cấp phép hành nghề, Sở Y tế TP Đà Nẵng - cho biết: “Người dân cần phân biệt rõ là cơ sở dịch vụ thẩm mỹ và phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ hay thẩm mỹ viện. Trong đó, phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ là cơ sở hoạt động kinh doanh có điều kiện, phải có bác sỹ chuyên khoa thẩm mỹ đứng tên, thực hiện kỹ thuật này, và quan trọng nhất là phải được sự cấp phép của Sở Y tế Đà Nẵng”.
Cũng theo bác sỹ Thanh, trên địa bàn cả nước và TP Đà Nẵng hiện nay có rất nhiều quảng cáo, treo biển cơ sở làm đẹp, có dùng từ thẩm mỹ, spa,… Tuy nhiên, người dân vẫn chưa phân biệt được cơ sở nào được phép, có giấy phép hoạt động phẫu thuật thẩm mỹ, cơ sở nào chỉ được hoạt động chăm sóc sắc đẹp, nhất là các cơ sở thẩm mỹ có hoạt động đúng giấy phép được cấp hay không?
Đâu là thẩm mỹ viện “xịn”?
Theo thống kê của Sở Y tế Đà Nẵng, hiện trên địa bàn TP chỉ có 16 cơ sở được Sở Y tế cấp phép hoạt động chuyên khoa thẩm mỹ, thẩm mỹ viện được phép thực hiện các kỹ thuật xâm lấn như: tiêm chích, sử dụng phẫu thuật, tiểu phẩu... Ngoài các cơ sở này, các cơ sở còn lại chỉ là các cơ sở dịch vụ thẩm mỹ với các hoạt động chăm sóc sắc đẹp không xâm lấn, không chảy máu như: spa, chăm sóc da,…
Theo Trưởng phòng Cấp phép hành nghề Sở Y tế TP Đà Nẵng, các cơ sở dịch vụ thẩm mỹ chủ yếu là chăm sóc sắc đẹp, spa,… tuyệt đối không được thực hiện các hoạt động gây chảy máu, phẫu thuật trên cơ thể con người. Cụ thể, các cơ sở này không được phép thực hiện các kỹ thuật như: tiêm (chích), các dịch vụ tiêm filler, botox, nâng mũi, cắt mí mắt,…
“Việc các cơ sở sử dụng thuốc, các chất, thiết bị để can thiệp vào cơ thể người (phẫu thuật, thủ thuật, các can thiệp có tiêm, chích, bơm, chiếu tia, sóng, đốt hoặc các can thiệp xâm lấn khác) làm thay đổi màu sắc da, hình dạng, cân nặng, khiếm khuyết của các bộ phận trên cơ thể (da, mũi, mắt, môi, khuôn mặt, ngực, bụng, mông và các bộ phận khác trên cơ thể người), xăm, phun, thêu trên da có sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm… là hoạt động phạm pháp sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật tại Nghị định 176/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ” – bác sỹ Nguyễn Ngọc Thanh cho biết.
Cũng theo lãnh đạo Sở Y tế, chỉ có các phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ do Sở Y tế TP thẩm định và cấp giấy phép hoạt động, đảm bảo các quy định về diện tích phòng khám, trang thiết bị y tế, PCCC, đảm bảo về phân loại chất thải y tế…; Đặc biệt là về nhân lực phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ mới được thực hiện các thủ thuật, phẫu thuật liên quan đến thẩm mỹ được phê duyệt trong phạm vi hoạt động chuyên môn kỹ thuật của cơ sở.
Danh sách cơ sở phòng khám thẩm mỹ được phép thực hiện các kỹ thuật xâm lấn, có chảy máu do Sở Y tế Đà Nẵng cấp phép
|
“Cơ sở phòng khám thẩm mỹ bắt buộc phải do bác sỹ chuyên khoa phẫu thuật tạo hình hoặc chuyên khoa phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ hoặc chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ phụ trách mới được thực hiện các kỹ thuật này.
Trước khi thực hiện các dịch vụ thẩm mỹ, người dân có quyền yêu cầu cơ sở thẩm mỹ cung cấp giấy phép hoạt động, phạm vi hoạt động và chuyên môn là gì để tránh bị nhầm lẫn với các dịch vụ làm đẹp, chăm sóc da nhưng không được phép thực hiện các kỹ thuật xâm lấn” – bác sỹ Thanh nhấn mạnh.
“Để chấn chỉnh hoạt động này, trong thời gian tới, Sở Y tế Đà Nẵng sẽ tiến hành thanh tra, kiểm tra và xử lý các cơ sở thẩm mỹ hoạt động sai phép, quảng cáo không đúng với phạm vi hoạt động chuyên môn được Sở Y tế phê duyệt” - Trưởng phòng Cấp phép hành nghề Sở Y tế TP Đà Nẵng cho biết thêm.