Ngày 2/8, tại Đà Nẵng, Hội Quy hoạch phát triển đô thị Đà Nẵng tổ chức hội thảo 20 năm Hội Quy hoạch phát triển đô thị TP Đà Nẵng với sự nghiệp quy hoạch TP, tại đây, nhiều ý kiến đánh giá những kết quả mà Đà Nẵng đã đạt được, cũng như những tồn tại trong công tác quy hoạch và phát triển đô thị trong thời gian qua, nhất là sau giai đoạn chia tách trở thành TP trực thuộc Trung ương.
Dời sân bay Đà Nẵng là sai lầm chiến lược!
Đáng chú ý nhất là phát biểu của TSKH.KTS Ngô Viết Nam Sơn về định hướng điều chỉnh Quy hoạch chung Đà Nẵng đến năm 2045 và tầm nhìn đến năm 2050. Vị chuyên gia này đánh giá cao chủ trương nghiên cứu khả năng quy hoạch lại sân bay và khu đô thị lân cận của Đà Nẵng là chủ trương đúng đắn, vì đô thị sân bay là một định hướng phát triển và tiên tiến trên thế giới, đóng góp tích cực cho đô thị và phát triển kinh tế xã hội của TP Đà Nẵng.
Tuy nhiên theo ông Sơn, để phát triển đô thị sân bay cần có tư duy mới, đột phá và khơi thông các ngộ nhận theo tư duy cũ. Tránh tư duy quy hoạch sân bay cho rằng đô thị hóa đến đâu phải dời sân bay đến đó.
“Do đó, cần có tư duy mới, đột phá và khơi thông các ngộ nhận theo cách tư duy cũ, đơn ngành, bảo thủ về cách nhìn đối với phát triển cảng hàng không. Ngộ nhận phổ biến về quy hoạch sân bay hiện nay cho rằng sân bay luôn phải cách xa đô thị, do đó khi đô thị hóa lan đến sân bay thì buộc phải dời sân bay đi xa hơn, lấy quỹ đất đó để phát triển đô thị mới. Trong trường hợp Đà Nẵng, do quỹ đất trong TP không còn nhiều mà đề xuất di dời hoàn toàn sân bay chính của Đà Nẵng đến Chu Lai (Quảng Nam) cách xa đến 100 km, sẽ là một sai lầm chiến lược”- ông Sơn nhấn mạnh.
Cũng theo ông Sơn, kinh nghiệm thực tế theo xu hướng tiên tiến trên thế giới cho thấy, sân bay không còn tách rời với đô thị như xưa kia nữa. Khi quy hoạch đô thị khu vực xung quanh sân bay khống chế được quy mô và định hướng phát triển đô thị phù hợp với các yêu cầu thì vẫn có thể giữ lại sân bay để sử dụng lâu dài, hài hòa cùng với phát triển đô thị khu vực xung quanh. Không những vậy, khi chính quyền quy hoạch một sân bay quốc tế mới với quy mô lơn thì cần xem xét dự kiến quy hoạch một khu đô thị đi kèm ở gần đó.
Cần thay đổi tư duy quy hoạch sân bay!
“Quy hoạch sân bay ở Việt Nam trước đây thường được xem là quy hoạch chuyên ngành giao thông vận tải, có thể nghiên cứu và phê duyệt quy hoạch tách biệt với công tác quy hoạch đô thị ở khu vực xung quanh sân bay là một sai lầm chiến lược đã dẫn đến sự tắc nghẽn và tốn kém cho các kế hoạch phát triển khu vực về sau này, như trường hợp sân bay Tân Sơn Nhất”, ông Sơn cho biết.
TSKH.KTS Ngô Viết Nam Sơn phát biểu tại sự kiện
|
Chính vì vậy, việc quy hoạch sân bay cần xem xét trong mối liên kết chặt chẽ với quy hoạch đô thị khu vực xung quanh là một xu hướng tiên tiến đem lại 2 lợi ích chính, gồm: giúp kiểm soát phát triển đô thị khu vực xung quanh sân bay ở mật độ và chiều cao phù hợp; và giúp khu vực trở thành một đô thị sân bay vừa đóng vai trò nút đầu mối giao thông hàng không tích hợp vừa đóng vai trò quan trọng về hiệu quả phát triển kinh tế, xã hội như một trung tâm đô thị vệ tinh của TP.
Ngoài ra, việc quy hoạch sân bay, tích hợp với quy hoạch đô thị lân cận là một xu thé mới, điều này là nền tảng cho cơ chế và cơ sở pháp lý cần thiết, yêu cầu cơ quan quản lý giao thông vận tải phải phối hợp chặt chẽ với các cơ quan đa ngành khác có liên quan tring phê duyệt đồng thời khu đô thị sân bay Đà Nẵng, với ranh giới bao gồm sân bay Đà Nẵng và khu đô thị xung quanh.