Theo hãng tin Anh Reuters ngày 27/3, ông Henry Kissinger, cựu Cố vấn An ninh Quốc gia và Ngoại trưởng thời Tổng thống Richard Nixon những năm 1970 hôm 25/3 đã có cuộc trò chuyện với cựu Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt tại cuộc hội thảo trực tuyến do Viện nghiên cứu Các vấn đề Quốc tế Hoàng gia (Chatham House) tổ chức.
Ông Kissinger nói, Mỹ cần phải nhớ rằng không có "giải pháp cuối cùng" cho các vấn đề quốc tế và mỗi giải pháp đều "mở ra cánh cửa cho một loạt vấn đề khác".
"Liệu chúng ta có thể làm việc với các đồng minh của mình để trau dồi tư duy chính sách đối ngoại và hiểu biết về các nước khác để tìm ra một trật tự thế giới dựa trên cơ sở phân tích hay không?", Kissinger đặt câu hỏi.
Ông nói: "Nếu chúng ta không thể làm được điều này, nếu chúng ta không thể đạt được đồng thuận với Trung Quốc về điểm này, thì chúng ta sẽ phải đối mặt với tình hình châu Âu như trước Chiến tranh thế giới thứ nhất. Đó là luôn tồn tại những xung đột. Tuy phần lớn các vấn đề sẽ được giải quyết ngay lập tức, nhưng một vấn đề trong số chúng sẽ bị mất kiểm soát vào một lúc nào đó".
Là người có công "phá băng" trong quan hệ Mỹ - Trung, ông Kisinger được Trung Quốc coi là thượng khách và thường xuyên được lãnh đạo Trung Quốc tiếp kiến (Ảnh: Tân Hoa xã). |
Kissinger cho rằng tình hình mà thế giới đang đối mặt hiện nay "nguy hiểm hơn nhiều so với trước đây", bởi vì vũ khí công nghệ cao của Trung Quốc và Mỹcó thể gây ra xung đột cực kì ác liệt. Ông cho rằng Mỹ có thể sẽ phát hiện ra rất khó khăn khi đàm phán với một đối thủ như Trung Quốc sẽ nhanh chóng vượt qua Mỹ ở một số khía cạnh.
Kissinger nhắc nhở các nước phương Tây cần phải “cư xử tốt hơn”, “các nước phương Tây phải tin tưởng vào chính mình… đây là vấn đề nội bộ của chúng ta, chứ không phải vấn đề của Trung Quốc”.
Trong cuộc đối thoại chiến lược cấp cao Trung - Mỹ ngày 18 và 19/3 tại Alaska, Ủy viên Quốc vụ kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị tuyên bố “trong vài năm qua, các quyền và lợi ích hợp pháp của Trung Quốc bị đàn áp một cách vô lý và quan hệ Trung - Mỹ gặp khó khăn nghiêm trọng chưa từng có. Cục diện này đã làm tổn hại đến lợi ích của nhân dân hai nước và làm tổn hại đến sự ổn định và phát triển của thế giới, không nên tiếp tục diễn ra”.
Ngoài ra, ông Kissinger ngày 20/3 khi tham dự Diễn đàn Cấp cao Phát triển Trung Quốc dưới hình thức trực tuyến đã đề cập rằng “một số vấn đề cần được thảo luận” đã xuất hiện trong quan hệ Trung - Mỹ trong những năm gần đây.
Đối thoại chiến lược cấp cao Mỹ - Trung lần đầu tiên dưới thời Tổng thống Joe Biden đã kết thúc mà không đạt được kết quả gì (Ảnh: AP). |
Ông Kissinger nói: “Về cơ bản mà nói, Trung Quốc và Hoa Kỳ là hai xã hội lớn với nền văn hóa khác nhau và lịch sử khác nhau; vì vậy đôi khi chúng ta có quan điểm khác nhau về một số vấn đề. Nhưng đồng thời, công nghệ hiện đại, sự mở rộng toàn cầu hóa và nền kinh tế toàn cầu hóa đòi hỏi hai xã hội phải nỗ lực hợp tác hơn bao giờ hết, vì hòa bình và thịnh vượng của thế giới phụ thuộc vào sự hiểu biết giữa hai xã hội chúng ta”.
Theo trang Bình luận tin tức Trung Quốc (CRNTT.com) của Hồng Kông ngày 27/3, ông Kissinger đã nói trong cuộc đối thoại nói trên rằng “cuộc cạnh tranh không ngưng nghỉ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ có thể dẫn đến leo thang không lường trước và tiếp theo là xung đột. Trí tuệ nhân tạo và vũ khí tương lai khiến tình trạng này càng trở nên nguy hiểm hơn”.
Henry Kissinger, người chuẩn bị đón tuổi 98, đã đóng một vai trò quan trọng trong việc làm tan băng quan hệ Mỹ - Trung trong nhiệm kỳ Cố vấn An ninh Quốc gia và sau đó là Ngoại trưởng Mỹ cách đây 50 năm. Ông cũng được xem là một trong những người có ảnh hưởng nhất trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Hiện nay Mỹ và Trung Quốc có thể đang tiến dần tới một "cuộc chiến tranh Lạnh mới", Kissinger, người qua lại giữa hai bên, đã nhiều lần đưa ra cảnh báo.
"Mỹ và Trung Quốc ngày càng có xu hướng đối đầu và họ đang tiến hành ngoại giao theo cách đối đầu". Kissinger đã đưa ra cảnh báo như vậy trong một cuộc phỏng vấn với tổng biên tập của Bloomberg News ít lâu sau khi ông Joe Biden được bầu hồi tháng 11 năm ngoái. Ông nói: "Trừ khi có một số cơ sở để hành động hợp tác, nếu không thế giới sẽ trượt vào một thảm họa tương tự như Chiến tranh thế giới thứ nhất".
Trong cuộc đối thoại ngày 25/3, ông Kissinger cho rằng Bắc Kinh không “quyết tâm thống trị thế giới”, mà “họ đang nỗ lực để phát huy năng lực lớn nhất mà xã hội của họ có thể phát huy”.
Kể từ khi Joe Biden lên nắm quyền, ông đã kế thừa thái độ cứng rắn mà chính quyền Donald Trump áp dụng đối với Trung Quốc. Nhóm Biden đặt chiến lược Trung Quốc của mình là cạnh tranh chứ không phải xung đột và tìm kiếm sự ủng hộ của các đồng minh để thách thức Bắc Kinh "trên thế mạnh". Ngoại trưởng Antony Blinken và những người khác cáo buộc Trung Quốc đang thách thức trật tự quốc tế do Mỹ chủ đạo.
Tuy nhiên, theo trang tin Newsweek của Mỹ, ngày 25/3, ông Kissinger đã chỉ ra rằng Washington và Bắc Kinh cần phải học cách hòa hợp để duy trì hòa bình. “Để có một trật tự hòa bình, cần phải có quan điểm nhất quán về các phương pháp quản trị”. Kissinger đặt câu hỏi, “hay là liệu có thể hình thành một trật tự quốc tế, trong đó các nguyên tắc cơ bản trong nước khác nhau về mức độ, nhưng nhất trí về các biện pháp cần thiết để ngăn chặn sự sụp đổ của trật tự quốc tế?”.
Quan hệ Mỹ - Trung hiện nay được cho là "gặp phải khó khăn nghiêm trọng chưa từng có (Ảnh: Đa Chiều). |
Kissinger cho rằng “nếu thêm yếu tố công nghệ, các cuộc cách mạng dân chủ bùng nổ, sự phát triển của trí tuệ nhân tạo, sự phát triển của Internet và nhiều công nghệ khác; nếu bạn tưởng tượng thế giới đang bị cuốn vào một cuộc cạnh tranh bất tận, cuộc cạnh tranh này dù thiết lập trên lợi thế của bên nào, thì sự sụp đổ của trật tự quốc tế là không thể tránh khỏi”,“hậu quả của sự sụp đổ sẽ rất thảm khốc”, Kissinger cảnh báo.
“Nếu chúng ta không đạt được sự hiểu biết với Trung Quốc về điểm này, chúng ta sẽ rơi vào tình thế trước Chiến tranh thế giới thứ nhất, tức là các xung đột thường thấy có thể nhanh chóng được giải quyết, nhưng một trong số đó có thể ngoài tầm kiểm soát”. Kissinger cảnh báo một lần nữa, do cả Mỹ và Trung Quốc đều có vũ khí tối tân, tình hình hiện nay thậm chí còn nguy hiểm hơn. Kissinger chỉ rõ: "Xung đột giữa các quốc gia có công nghệ cao và vũ khí nhắm vào chính họ, nếu không có hiệp định kiềm chế nào đó, có thể tự gây ra xung đột và sẽ không có kết cục tốt đẹp...”.