Mặc dù đã ngừng dự án xây dựng công cụ tìm kiếm kiểm duyệt gây tranh cãi tại Trung Quốc - Project Dragonfly, nhưng theo tiết lộ mới đây của cựu CEO Alphabet Eric Shmidt, ông đã từng ủng hộ Google chấp nhận yêu cầu kiểm duyệt để được tiếp tục hoạt động tại Đại lục. Theo ông Shmidt, nếu duy trì dịch vụ tại Đại lục vào năm 2010 thì Gã khổng lồ Tìm kiếm có thể khiến chính phủ Trung Quốc trở nên cởi mở hơn.
“Vào năm 2010, tôi đã ủng hộ việc ở lại Trung Quốc vì tôi tin rằng họ [chính phủ Trung Quốc] sẽ trở nên tốt hơn, cởi mở hơn”, ông Shmidt nói trong buổi phỏng vấn của BBC. Tuy nhiên, nhà đồng sáng lập Richard Brin đã thuyết phục ông rằng cho phép kiểm duyệt là bước lùi thực sự và Google nên rời khỏi quốc gia tỷ dân.
“Sau một cuộc tranh luận, công ty đã thống nhất chuyển tới Hồng Kông”, ông Schmidt nói. “Chúng tôi không rõ chiến lược đó có hiệu quả hay không”.
Cựu CEO Alphabet thừa nhận rằng ông “không thể nói” công ty đã thực sự kết thúc Dự án Dragonfly hay chưa. Năm ngoái, dự án phát triển công cụ tìm kiếm bị kiểm duyệt tại Trung Quốc đã vấp phải làn sóng phản ứng trong nội bộ công ty. Tuy nhiên, ông Schmidt cho rằng nhân viên làm việc trong dự án nhận thức rất rõ về mục đích thực sự của nó.
“Tôi đã tham gia vào những quyết định đó, nhưng tôi có thể nói với bạn rằng chắc chắn những người đang xây dựng đề biết về [mục đích] của sản phẩm này”, ông Schmidt tiếp tục. “Tại thời điểm này, công ty đã ngừng theo đuổi sản phẩm đó theo yêu cầu của Giám đốc điều hành mới, Sundar [Pichai]”.
Eric Schmidt gia nhập Alphabet với tư cách Giám đốc điều hành vào năm 2001, thời điểm công ty chỉ có vài trăm nhân viên. 10 năm sau, ông đã trở thành Chủ tịch Alphabet và bàn giao vị trí CEO cho nhà đồng sáng lập Larry Page. Năm 2017, ông Schmidt đã tuyên bố từ chức và dự kiến rời khỏi hội đồng quản trị Alphabet vào tháng 6 tới.
Dragonfly không phải là rắc rối duy nhất của Google trong năm ngoái. Hồi tháng 11, nhân viên của hàng loạt văn phòng Google trên toàn cầu đã kéo xuống đường biểu tình, sau khi tờ New York Times báo cáo rằng ban lãnh đạo đã đề xuất một “gói tự giải thoát” trị giá 90 triêu USD cho “cha đẻ” Android là Andy Rubin để ông này rời khỏi công ty và phủ nhận liên quan tới bê bối xâm hại tình dục.
Theo CNBC