Trung tuần tháng 3/2020, hơn 6 triệu cổ phiếu MED của CTCP Dược Trung ương Mediplantex lên sàn HNX với giá tham chiếu 45.000 đồng/cp. Sự góp mặt của một cổ phiếu ngành dược trong lúc bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát đã nhận được sự quan tâm lớn của các nhà đầu tư trên các diễn đàn chứng khoán và mạng xã hội.
Ít ai biết rằng, bên cạnh lĩnh vực dược phẩm, MED còn tham gia đầu tư vào mảng bất động sản, trong đó có vai trò lớn của đại gia Cao Minh Sơn.
Đại gia Cao Minh Sơn hiếm khi xuất hiện trước truyền thông
|
Nắm “đất vàng” nơi doanh nghiệp dược
Theo tìm hiểu của VietTimes, ông Cao Minh Sơn có mối quan tâm khá đặc biệt với nhiều doanh nghiệp ngành dược. Vị doanh nhân sinh năm 1961 từng có khoảng thời gian hơn 2 năm làm Phó Chủ tịch HĐQT của MED.
Năm 2015, ông Sơn cùng ông Lê Tiến Dũng được nhóm cổ đông sở hữu 12,74% vốn điều lệ của MED đề cử vào HĐQT. Trong đó, ông Cao Minh Sơn nhận được sự hậu thuẫn lớn khi là ứng cử viên nhận được nhiều số phiếu bầu nhất, với hơn 5,3 triệu phiếu bầu, để trúng cử vào HĐQT MED nhiệm kỳ 2015 - 2020.
Tại thời điểm cuối năm 2015, cổ đông nhà nước là Tổng Công ty Dược Việt Nam (DVN) chỉ nắm giữ 11,36% vốn điều lệ của MED. Còn CTCP Sông Châu (Sông Châu Corp) của ông Cao Minh Sơn được biết là cổ đông lớn tại MED.
Tới tháng 4/2017, ông Sơn bất ngờ có đơn từ nhiệm vị trí Thành viên HĐQT MED vì một số lý do cá nhân. Nhiều khả năng, vị doanh nhân này đã đạt được mục tiêu tại MED.
Ngày 1/6/2017, thực hiện chủ trương của ĐHĐCĐ, MED đã ký hợp đồng hợp tác kinh doanh số 68 với Sông Châu Corp nhằm hợp tác đầu tư xây dựng tổ hợp công trình trụ sở cơ quan, viện nghiên cứu, dịch vụ thương mại, văn phòng cho thuê và nhà ở để bán Central Residence.
Theo đó, hai công ty đã thành lập Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Smart City (BĐS Smart City) để tổ chức nghiên cứu, lập và thực hiện dự án. Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 2.000 tỷ đồng, xây dựng trên khu đất rộng 35.000 m2.
Điều đáng nói là MED chỉ sở hữu 15% vốn tại BĐS Smart City, trong khi pháp nhân thuộc sở hữu của ông Cao Minh Sơn chiếm tới 85% còn lại.
Thương vụ tại MED có nhiều điểm tương đồng với thương vụ thâu tóm “đất vàng” số 9 Trần Thánh Tông (Hà Nội) mà đại gia cao Minh Sơn thực hiện tại CTCP Dược phẩm Trung ương 2 (Mã CK: DP2) như VietTimes đã đề cập trước đó.
Thêm nữa, nhóm các doanh nghiệp có liên quan đến ông Sơn là CTCP Tài chính Đất Việt (Đất Việt) và CTCP Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Sài Gòn (Mỹ nghệ Sài Gòn) hiện chiếm tới 87,5% vốn điều lệ, nắm tỷ lệ chi phối tại DP2.
Ngoài khu đất số 9 Trần Thánh Tông, DP2 còn bắt tay với các đối tác tư nhân có nhiều liên hệ với đại gia Cao Minh Sơn để đầu tư các dự án đầu tư xây dựng cộng trình nhà ở thấp tầng Đại Mỗ (tại Đại Mỗ, Nam Từ Liêm), dự án Trung tâm văn phòng cho thuê tại số 15 Thể Giao. Bên cạnh đó, DP2 cũng đã giao cho đối tác khu đất số 43 Vĩnh Tuy và đang xin dự án tại khu đất này.
Vị đại gia họ Cao còn nhắm tới quỹ đất của DVN. Được biết, khu đất rộng 3.279,7 m2 của DVN đã được mang góp vốn liên doanh với Đất Việt và CTCP Xây dựng thương mại Sông Hồng.
Khu đất 9.252 m2 tại số 99C Phổ Quang, quận Tân Bình, Tp. HCM (Ảnh: P.D)
|
Sa lầy
Quỹ đất của ông Cao Minh Sơn tiếp tục được mở rộng thông qua việc mua lại CTCP Phát hành Sách Khu vực II qua đó sở hữu khu đất 1.870,5m2 tại 140B Nguyễn Văn Trỗi, Quận Phú Nhuận, Tp. HCM.
Khu đất được quy hoạch chức năng thương mại, dịch vụ, tầng cao tối đa 12 tầng, mật độ xây dựng cao nhất 60%, hiện là nhà hàng Biển Hồ của CTCP Trường Thịnh Invest - thuộc sở hữu của ông Cao Tùng Lâm (SN 1989) - con trai ông Cao Minh Sơn.
Nhà hàng Biển Hồ tại số 140B Nguyễn Văn Trỗi, Quận Phú Nhuận, Tp. HCM (Ảnh: P.D)
|
Việc phát triển quỹ đất của ông Cao Minh Sơn còn phải kể tới việc mua lại CTCP Sản xuất - Xuất nhập khẩu Lâm sản và Hàng tiểu thủ công nghiệp (Upexim). Doanh nghiệp này sở hữu 2 khu đất có vị trí đắc địa tại Tp. HCM, bao gồm: khu đất 622 m2 tại số 4-6 Hồ Tùng Mậu, Quận 1 và khu đất 430 m2 tại số 159 Đồng Khởi.
Bên cạnh đó, nhóm đại gia Cao Minh Sơn đã mua lại CTCP Dệt may Đông Á, qua đó sở hữu luôn lô đất 2 ha tại địa chỉ 185-189 Âu Cơ (Tp. HCM). Khu đất này đã được quy hoạch xây dựng khu nhà ở cao 20 - 25 tầng.
Ngoài ra, đại gia Cao Minh Sơn còn “phủ bóng” lên dự án khách sạn hạng sang 1.500 m2 mặt đường Trần Khát Chân (Hà Nội). Dữ liệu của VietTimes cho thấy, ông Sơn hiện là Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp dự án là Công ty Liên doanh Khách sạn Indochine (Hà Nội).
Dẫu vậy, cập nhật đến cuối tháng 12/2019, cơ cấu sở hữu của Indochine Hà Nội vẫn chưa có nhiều thay đổi, khi Tổng công ty Chè Việt Nam (Vinatea) vẫn chiếm 30% vốn điều lệ, còn đối tác ngoại Mulpha Haute Conture Sdn (Malaysia) nắm 70% vốn còn lại.
Quá trình phát triển quỹ đất mạnh mẽ của đại gia Cao Minh Sơn được hậu thuẫn lớn bởi OceanBank thời đại gia Hà Văn Thắm. Trong đó, nhiều dự án dù vẫn nằm trên giấy, chưa được cấp phép, hay thậm chí không tồn tại vẫn được thế chấp tại OceanBank.
Sau những biến cố với ông Hà Văn Thắm và OceanBank, “hệ sinh thái” của đại gia Cao Minh Sơn cho thấy nhiều khó khăn về dòng tiền, cụ thể là tại Đất Việt.
Dữ liệu của VietTimes cho thấy, kể từ tháng 6/2014, Đất Việt đã không thực hiện các nghĩa vụ liên quan đến khu đất tại số 99C Phổ Quang theo hợp đồng đã ký kết, tạo gánh nặng tài chính ngày càng lớn cho STT.
Tính đến ngày 31/12/2019, STT ghi nhận khoản tiền Đất Việt phải trả theo các quy định trong hợp đồng lên tới 28,84 tỷ đồng. Khoản nợ đọng này nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng lên. Bởi lẽ, dự kiến đến tháng 6/2020, số tiền thuê đất còn nợ liên quan đến khu đất 99C Phổ Quang sẽ phát sinh thêm khoảng gần 2 tỷ đồng.
STT cho biết số tiền thuê đất đã vượt quá khả năng tài chính, nguồn doanh thu từ hoạt động vận tải và dạy nghề của doanh nghiệp này cũng không thể bù đắp nổi. Đại dịch Covid-19 bùng phát khiến mọi hoạt động kinh doanh bị ngưng trệ càng đẩy STT đến sát bờ vực phá sản.
Trong khi đó, năm 2017, Đất Việt cũng bị BIDV siết nợ, rao bán đấu giá khu đất mà doanh nghiệp này sở hữu có diện tích 3.094,2 m2 tại địa chỉ số 151/20, 150/12, 151/6 Khu phố 2, Phường Phú Thuận, Quận 7 với giá khởi điểm 56,5 tỷ đồng./.