Tại sự kiện Ngày IoT Vietnam, các chuyên gia hàng đầu về IoT đã cùng chia sẻ, thảo luận về những xu hướng mới nhất của hệ sinh thái IoT trên thế giới và Việt Nam (Ảnh: Anh Tuấn)
Ngày 13/1/2018, FPT phối hợp với Cộng đồng Maker Hà Nội tổ chức sự kiện Ngày IoT Việt Nam - Vietnam IoT Day thu hút sự tham gia của hơn 200 khách mời là các chuyên gia công nghệ và cộng đồng những người quan tâm đến IoT.
Theo ông Lê Ngọc Tuấn - Trưởng phòng IoT, Ban Công nghệ FPT, đồng thời cũng là Founder Marker Hanoi nhấn mạnh, Vietnam IoT Day là hoạt động thường niên hướng tới mục tiêu kết nối cộng đồng để tạo ra các ứng dụng thông minh hơn cho cuộc sống. Ông Tuấn cho biết: “Việt Nam có đầy đủ các cấu phần để phát triển cộng đồng IoT: công ty công nghệ hỗ trợ, các Co-working, các hệ thống Fablab… Tuy nhiên, các đơn vị cũng chưa kết nối với nhau chặt chẽ. Năm 2017 có gần chục các hoạt động, các cuộc thi về IoT… tuy nhiên vẫn còn rời rạc. Vì vậy, FPT kết hợp với Maker Hà Nội tổ chức Vietnam IoT Day để kết nối các đơn vị với nhau và qua đó thúc đẩy tinh thần sáng tạo và sự phát triển của cộng đồng IoT”.
Chia sẻ tại về xu hướng IoT trên thế giới tại sự kiện, ông Hoàng Minh Chính - chuyên gia điện toán đám mây Microsoft Azure, người có 15 năm kinh nghiệm phát triển phần mềm, tích hợp hệ thống và điện toán đám mây cho biết, IoT không phải là khái niệm mới nhưng thời gian gần đây công nghệ phát triển nhanh chóng nên các ứng dụng IoT đi vào cuộc sống nhiều hơn.
“Quan điểm của Microsoft là IoT không phải cuộc cách mạng về công nghệ mà là cuộc cách mạng về kinh doanh, công nghệ đi theo và hỗ trợ. Ví dụ như Microsoft kết hợp với 1 đối tác ở Newzeland để phát triển hệ thống nông nghiệp thông minh. Ngày nay, nhiều doanh nghiệp trên thế giới đã đầu tư vào IoT với kỳ vọng tạo ra các dịch vụ mới hỗ trợ kinh doanh”, ông Chính cho hay.
Đại diện đến từ Microsoft cũng cho biết, theo IDC, năm 2020 kỳ vọng doanh thu IoT đạt 130 tỷ USD; 80% công ty thấy IoT là động lực dể phát triển doanh số. Vị đại diện này chia sẻ thêm, phát triển sản phẩm IoT có 4 thành phần/giai đoạn gồm: xây dựng/kết nối thiết bị (đến năm 2020 số luợng thiết bị khoảng 30 tỷ thiết bị, theo số liệu của IDC); thu thập thông tin và điều khiển thiết bị, yêu cầu phải có nền tảng CNTT hỗ trợ; thu thập và phân tích thông tin, từ đó dự đoán xu huớng, kết quả; hành động.
Một dự án về IoT có thể gặp các thách thức như khó vận hành, thời gian triển khai lâu, khả năng mở rộng lâu… Cách làm của Microsoft là cung cấp 2 loại dịch vụ gồm Cloud và Edge Intelligence.
Ông Lê Hồng Việt, CTO FPT cho biết: trong khoảng 2-3 năm gần đây FPT đã theo đuổi slogan tiên phong trong chuyển đổi số, trong đó có ứng dụng IoT vào cuộc sống (Ảnh: Anh Tuấn)
Trong phát biểu tại sự kiện, ông Lê Hồng Việt - Giám đốc Công nghệ Tập đoàn FPT chia sẻ, trong khoảng 2-3 năm gần đây FPT đã theo đuổi slogan tiên phong trong chuyển đổi số trong đó có ứng dụng IoT vào cuộc sống, tập trung ở 3 lĩnh vực: năng cao trải nghiệm người dùng, tối ưu hóa sản xuất của doanh nghiệp và đưa ra mô hình kinh doanh mới.
Nhấn mạnh FPT cũng như các đối tác mong muốn xây dựng cộng đồng năng động về IoT, ông Lê Hồng Việt lý giải thêm: “Khi đầu tư vào công nghệ, đơn vị nào cũng mong muốn có kết quả từ công nghệ đó. Khi nói về IoT là kết nối tất cả mọi vât… nhưng ít ai nghĩ đến việc làm cho mọi thứ thông minh hơn để làm gì? Việt Nam đang ở ngưỡng của bẫy thu nhập trung bình, hiện chúng ta không đưa được năng suất lao động cao hơn để vượt lên các nước khác và nếu tiếp tục như vậy chúng ta sẽ già trước khi giàu”.
Giám đốc Công nghệ FPT Lê Hồng Việt cho rằng, mục tiêu số 1 của việc ứng dụng IoT là để tăng năng suất lao động. Và với mục tiêu đó, sẽ cần phải đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển và ứng dụng IoT…
“Chúng ta hãy nhìn vào các bài toán hàng ngày mà chúng ta đang gặp phải, tìm ra điểm kém hiệu quả để tìm kiếm hướng giải quyết. Tháng 7 năm ngoái, một tổ chức làm về hội nghị vật liệu mời FPT đến trình bày về IoT, sau khi tìm hiểu chúng tôi nhận thấy IoT có thể giúp tiết kiệm vật liệu. Ví dụ một cơ quản quản lý đườ̀ng ống nước ở Mỹ ứng dụng IoT giúp tiết kiệm 20% chi phí lắp ống… Chúng tôi mong rằng cộng đồng sẽ tạo ra các sản phẩm IoT để đưa Việt Nam phát triển, mang lại lợi ích cho cộng đồng và từng cá nhân”, ông Việt nói.
Đề cập đến vị trí, xu hướng ứng dụng của IoT trong việc hình thành và phát triển các dịch vụ, ứng dụng trong Smart City, ông Lê Nhân Tâm - Giám đốc Smart Cities Lab, VNPT nêu, khái niệm Smart City được nhắc đến nhiều thời gian gần đây. Theo ông Tâm, độ trưởng thành về Smart City của Việt Nam chậm hơn thế giới từ 1-3 năm. “Các giải pháp hiện nay mà chúng ta đang làm là tập trung giải quyết các bài toán mà chính quyền đặt đề bài. Cơ hội cho Smart City service (dịch vụ công, y tế, giáo dục, du lịch…) vẫn còn rất mở”, ông Tâm chia sẻ.
Nhấn mạnh IoT đóng vai trò quan trọng trong đô thị thông minh, ông Lê Nhân Tâm lý giải: “IoT giúp giám sát, điều khiển, tối ưu hóa hoạt động vận hành, giúp cho mỗi người dân đều có thể sử dụng các thiết bị thông minh và bản thân họ đóng góp như là 1 sensor… IoT cùng với Big Data, AI… tạo ra và giải quyết các bài toán của Smart City, có thể ứng dụng trong quan trắc môi trường, quan trắc ánh sáng đô thị, quản lý rác thải, bãi đỗ xe thông minh…”.
Ông Lê Nhân Tâm cũng cho rằng: “Đô thị hiện nay đang gặp rất nhiều vấn đề. Nếu xác định chúng ta là những người tiên phong trong ứng dụng IoT để giải quyết các vấn đề thì cần bắt tay từ bây giờ và các tập đoàn lớn sẵn sàng hợp tác và hỗ trợ”.
Theo ICTNews