Hãng tin Bloomberg ngày 1/9 dẫn tuyên bố của Cục An toàn Hàng không Châu Âu (EASA) cho biết, giấy chứng nhận cấp phép cho nhiều linh kiện máy bay do Công ty AOG Technics có trụ sở tại London, Anh cung cấp đều là giả mạo và những nhà cung cấp đã cung cấp các linh kiện đó đều không đưa ra được các giấy chứng nhận liên quan.
Vụ việc nghiêm trọng hiếm thấy
Bloomberg cho biết hiện vẫn chưa rõ có bao nhiêu bộ phận, linh kiện giả đã được cung cấp hoặc có bao nhiêu máy bay có thể bị ảnh hưởng. Bị ảnh hưởng chủ yếu lần này là động cơ CFM56 do CFM International chế tạo.
CFM International là một công ty sản xuất động cơ hàng không do Công ty General Electric của Mỹ và Tập đoàn Safran của Pháp cùng thành lập. Động cơ CFM56 là loại động cơ phản lực bán chạy nhất thế giới và được lắp đặt trong hàng nghìn máy bay thân hẹp, hiện là loại động cơ chính được các hãng hàng không trên thế giới sử dụng. General Electric và Safran đã hỗ trợ điều tra các tài liệu theo hồ sơ pháp lý và giấy tờ chứng nhận bị cáo buộc là giả mạo và các linh kiện không được phê duyệt.
Theo Bloomberg, trong ngành hàng không, để đảm bảo an toàn bay, mỗi linh kiện đều phải được xác minh rõ nguồn gốc. Do đó, việc các bộ phận linh kiện không có giấy chứng nhận hoặc có khả năng bị làm giả xâm nhập được vào chuỗi cung ứng động cơ là cực kỳ hiếm và cần phải được xử lý ở mức độ khẩn cấp cao nhất.
Cục Hàng không Dân dụng Anh Quốc vào tháng trước đã đưa ra thông báo an toàn cho biết họ đang điều tra "một lượng lớn các linh kiện đáng ngờ chưa được phê duyệt" được cung cấp thông qua Công ty AOG Technics. Người phát ngôn của CFM International cho biết công ty đã phát hiện được 72 tài liệu chứng nhận đủ điều kiện bay giả mạo, trong đó bao gồm 50 serie linh kiện do AOG Technics cung cấp cho động cơ CFM56.
Các Công ty General Electric và Safran đã gửi công hàm ngừng hoạt động cho công ty Anh. CFM International cho biết: “Chúng tôi đã chủ động thông báo cho khách hàng và các nhà máy, công xưởng của mình, đồng thời chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với khách hàng để đánh giá tính xác thực của các linh kiện họ mua trực tiếp hoặc gián tiếp từ AOG Technics”.
Cảnh báo an toàn
Hiện tại, EASA đã yêu cầu các chủ sở hữu máy bay, nhà khai thác, tổ chức bảo trì và đại lý phụ tùng kiểm tra lại hồ sơ về các linh kiện mà họ nhận trực tiếp hoặc gián tiếp từ AOG Technics và khuyến nghị thay thế các bộ phận giả này bằng các linh kiện đã được phê duyệt.
Cảnh báo này được đưa ra vài tuần sau khi các nhà sản xuất máy bay và cơ quan quản lý phát đi cảnh báo, gây ra một cuộc chạy đua toàn cầu nhằm truy tìm các linh kiện do AOG Technics cung cấp và xác định các máy bay bị ảnh hưởng.
AESA hôm thứ Năm (31/8) đã tuyên bố rằng AOG Technics cho đến nay vẫn chưa cung cấp thông tin chi tiết về nguồn gốc thực sự của các bộ phận động cơ giả mạo.
Ông Klaus Muller, cựu quan chức cao cấp từng phụ trách bảo trì của các công ty MTU Aero Engines và Lufthansa, chỉ ra rằng: “Các linh kiện không rõ nguồn gốc là một vấn đề rất then chốt, vô cùng quan trọng trong ngành, cần được xem xét hết sức nghiêm túc”.
Theo dữ liệu do cơ quan chính thức của Anh cung cấp, AOG Technics được thành lập vào năm 2015 và cổ đông chính của công ty là Jose Zamora Yrala, 35 tuổi. Tính đến tháng 2/2022, tài sản hiện có khi đó của công ty là 2,58 triệu bảng Anh.
AESA cho biết họ khuyến nghị thay thế tất cả các linh kiện có khả năng bị làm giả và dựa trên cuộc điều tra, cơ quan này có thể có hành động tiếp theo.
Theo Sohu