Thời gian gần đây, nhiều người dân TP.HCM phản ánh nhận được những cuộc gọi điện thoại tự xưng là cán bộ Công an TP.HCM, nội dung đe dọa, trấn áp dữ dội, yêu cầu phải đọc số chứng minh thư (thẻ căn cước công dân) để đối chiếu với biên lai “phạt nguội” vi phạm giao thông. Nhiều người cho hay rất ngỡ ngàng không biết mình vi phạm bao giờ, tại sao lại có biên lai “phạt nguội” liên lạc tới tận chủ phương tiện như thế?
Bản thân phóng viên cũng từng nhận được những cuộc điện thoại có nội dung tương tự, vì nghi ngờ có thể mắc bẫy tội phạm công nghệ, do việc cung cấp số chứng minh thư (thẻ căn cước công dân) cùng với số điện thoại di động sẽ có nguy cơ liên quan đến việc bị mất tiền trong tài khoản ngân hàng như nhiều người từng phản ánh, cho nên theo kinh nghiệm như nhiều người đã chia sẻ, phóng viên đã ngay lập tức chặn số điện thoại lạ để tới tận cơ quan Công an TP.HCM tìm hiểu xem mình mắc lỗi gì mà có biên lai “phạt nguội”; nếu đúng là có sai phạm thì đóng phạt.
Ngày 7-6, Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC08), Công an TP.HCM cho biết, đơn vị không gọi điện thoại, nhắn tin thông báo “phạt nguội” tới bất cứ người dân nào, mà chỉ gửi phiếu báo xác định hành vi vi phạm kèm thông báo đến người vi phạm bằng phương thức gửi thư gửi bảo đảm qua đường bưu điện.
Công an TP.HCM đề nghị người dân cảnh giác với các cuộc gọi điện thoại liên quan đến vụ việc vi phạm giao thông; tuyệt đối không cung cấp, chia sẻ thông tin cá nhân, lai lịch, số CMND/CCCD, số điện thoại, thông tin tài khoản ngân hàng, thẻ tín dụng (tên người dùng, mật khẩu đăng nhập, mã xác thực giao dịch OTP, địa chỉ email...) cho bất kỳ ai.
Công an TP.HCM đã dùng công nghệ để phạt nguội trên nhiều tuyến đường (Ảnh: Thư Trần) |
Bên cạnh đó, nhằm tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động tuần tra kiểm soát và xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông, góp phần thực hiện hiệu quả phòng, chống ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông và các loại tội phạm hoạt động trên tuyến Quốc lộ 1, đoạn qua địa bàn TP.HCM, đơn vị đã triển khai hệ thống giám sát, xử lý vi phạm tai nạn giao thông trên tuyến đường này.
Theo đó, khi cán bộ chiến sĩ phát hiện hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ của người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ qua hệ thống giám sát thì sẽ tiến hành ghi thu lại, thông báo cho tổ CSGT đang làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát trên tuyến để dừng phương tiện, xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp không dừng ngay được phương tiện vi phạm để kiểm soát, xử lý, đơn vị sẽ gửi thông báo vi phạm cho chủ phương tiện và phiếu chuyển cho Công an cấp xã hoặc Công an cấp huyện.
Nếu quá thời hạn 20 ngày kể từ ngày gửi thông báo vi phạm mà chủ phương tiện, tổ chức, cá nhân có liên quan không đến trụ sở đơn vị để phối hợp giải quyết vụ việc (hoặc thực hiện đóng phạt tại địa phương) thì thông tin của phương tiện vi phạm (loại phương tiện; biển số, màu biển số; thời gian, địa điểm vi phạm, hành vi vi phạm; đơn vị phát hiện vi phạm; đơn vị giải quyết vụ việc, số điện thoại liên hệ) sẽ được cập nhật lên Trang Thông tin điện tử của Cục CSGT để chủ phương tiện, tổ chức, cá nhân có liên quan đến vi phạm hành chính biết, liên hệ giải quyết theo quy định.
Đồng thời, gửi thông báo cảnh báo phương tiện giao thông vi phạm cho cơ quan đăng kiểm (đối với phương tiện giao thông vi phạm là xe ô tô, rơ moóc, sơ mi rơ moóc, xe máy chuyên dùng); đồng thời, cập nhật trạng thái đã gửi thông báo cảnh báo cho cơ quan đăng kiểm trên hệ thống quản lý, xử lý vi phạm hành chính. Khi nhận được thông báo vi phạm giao thông, người vi phạm đến trụ sở đơn vị CSGT gửi thông báo vi phạm để phối hợp giải quyết hoặc thực hiện nộp phạt trực tuyến thông qua Cổng dịch vụ công quốc gia.
Trước tình trạng tội phạm công nghệ lộng hành với muôn vàn hình thức lừa đảo, ứng biến qua rất nhiều nội dung khác nhau, Công an TP.HCM cảnh báo người dân hết sức cẩn thận với các thông tin cá nhân. Khi cần, người dân có thể tới cơ quan Công an trình báo về sự việc và các nội dung đối tượng trao đổi qua điện thoại để nhận được hỗ trợ kịp thời.