"Cơn sóng thần" lừa đảo trên Instagram, Facebook và WhatsApp

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Theo báo cáo của ngân hàng Lloyds, cứ mỗi 7 phút lại có một nạn nhân bị lừa mua hàng trên Facebook hoặc Instagram.

Ảnh: The Guardian
Ảnh: The Guardian

Gã khổng lồ truyền thông xã hội Meta đang phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng từ các nghị sĩ, nhóm người tiêu dùng và ngành ngân hàng Vương quốc Anh về việc không ngăn chặn được “cơn sóng thần” lừa đảo trên Facebook, Instagram và WhatsApp, nơi mà người Anh đang mất đi những khoản tiền “có thể thay đổi cuộc sống” mỗi ngày. Theo ước tính của báo The Guardian, người dân Anh quốc có thể thiệt hại 250 triệu bảng năm 2023.

Báo cáo của ngân hàng Lloyds chỉ ra, cứ mỗi 7 phút lại có một nạn nhân bị lừa mua hàng trên Facebook hoặc Instagram. Một người chia sẻ với The Guardian, bà mất trắng số tiền dành dụm cả đời và chìm vào nợ nần sau khi bị lừa đầu tư. Tổng số tiền bà bị mất là 70.000 bảng. Bên cạnh đó, không ít người mua hàng qua mạng cũng bị mất tiền khi đặt hàng từ các shop không có thật được quảng cáo trên Facebook.

Trong số những trải nghiệm được chia sẻ, khó chịu nhất là của những nạn nhân bị mạo danh WhatsApp, trong đó những kẻ lừa đảo sẽ mạo danh các thành viên gia đình để khiến họ gửi số tiền lớn hơn.

Bà Valerie, 73 tuổi, một trong nhiều nạn nhân, đã gửi 2.000 bảng Anh cho một người giả làm con trai bà. Valerie nói rằng bà ấy sẽ “không bao giờ vượt qua được” nỗi đau đớn khi bị lừa này.

Các chuyên gia cho rằng các vụ lừa đảo bắt nguồn từ nền tảng Meta có thể gây thiệt hại lên tới 250 triệu bảng Anh cho các hộ gia đình ở Vương quốc Anh vào năm 2023.

Nhiều nạn nhân nói rằng rất khó để báo cáo lừa đảo cho Meta. Khi liên hệ, họ chỉ nhận được trả lời tự động, hoặc thậm chí không được trả lời.

Bộ trưởng Kỹ thuật số, Văn hóa, Truyền thông và Thể thao của Vương quốc Anh, Lucy Powell nhận xét ông chủ các mạng xã hội đã trốn tránh trách nhiệm quá lâu.

Bà Lucy nói: “Mặc dù quy mô lừa đảo trực tuyến rất đáng kinh ngạc, chính phủ đã bị lôi kéo khi đưa gian lận và lừa đảo vào dự luật an toàn trực tuyến. Đã đến lúc ngừng cúi đầu trước những lợi ích của cá nhân và đứng lên bảo vệ người tiêu dùng và nạn nhân”.

Dự luật an toàn trực tuyến đang được quốc hội thông qua sẽ yêu cầu các nền tảng công nghệ và mạng xã hội loại bỏ quảng cáo lừa đảo. Chính phủ cũng giới thiệu các biện pháp chống lừa đảo mới, buộc các hãng phải cho người dùng báo cáo lừa đảo dễ hơn và cho phép ngân hàng trì hoãn những khoản thanh toán đáng nghi. Dù vậy, chưa có điều khoản yêu cầu họ bồi thường cho nạn nhân bị lừa đảo.

Robin Bulloch, giám đốc điều hành của TSB, cho biết ông “quan ngại sâu sắc” về mức độ gian lận cao trên các trang web của Meta. Ông nói: “Là ngân hàng duy nhất có bảo đảm hoàn lại tiền gian lận, chúng tôi có cái nhìn sâu sắc về vấn đề này và thật bi thảm khi chứng kiến các hộ gia đình ở Vương quốc Anh mất đi những khoản tiền có thể thay đổi cuộc sống mỗi ngày do không có đủ biện pháp bảo vệ trên nền tảng Meta”.

Meta kiếm được số tiền khổng lồ từ quảng cáo, chỉ riêng các tài khoản dành cho hoạt động của Facebook tại Vương quốc Anh đã cho thấy tổng thu nhập từ các nhà quảng cáo đã tăng hơn 37% vào năm 2022 lên 3,3 tỉ bảng Anh.

Matt Hammerstein, CEO ngân hàng Barclays Anh, cũng đồng tình với quan điểm này. Ông mô tả “nước Anh đang phải chịu đựng đại dịch lừa đảo”. Dữ liệu cho thấy 77% các vụ lừa đảo diễn ra trên nền tảng công nghệ, bao gồm mạng xã hội và chợ điện tử.

Ông nói: “Vì lợi ích của tất cả mọi người mà các công ty công nghệ hiện đang tham gia cuộc chiến này một cách nghiêm túc, để ngăn chặn sự phát triển không kiểm soát của dạng tội phạm này, gây thiệt hại cho nền kinh tế hàng tỉ USD mỗi năm. Nếu họ không tình nguyện hành động, có thể cần phải có một động lực khác để yêu cầu họ tham gia bồi thường cho nạn nhân theo nguyên tắc “người gây ô nhiễm trả tiền”.

Starling Bank đã mô tả Facebook là “công cụ lừa đảo lớn nhất” mà khách hàng của họ phải gánh chịu, tiếp theo là Instagram. Ngân hàng đã rút tất cả quảng cáo trả tiền trên Meta vào tháng 12/2021 để phản đối việc nền tảng không xử lý vấn đề.

“Các biện pháp của chính phủ không đủ quyết liệt, chúng tôi thất vọng vì trách nhiệm bồi hoàn cho khách hàng chỉ thuộc về ngân hàng, trong khi các nền tảng truyền thông xã hội, nơi bắt nguồn của hành vi lừa đảo, lại bị bỏ qua”, đại diện ngân hàng này tuyên bố. “Những nền tảng này, bao gồm cả Meta, thu lợi từ tội phạm nhưng vẫn nằm ngoài tầm với của pháp luật”.

Tổ chức vì người tiêu dùng Which? phát hiện các quảng cáo lừa đảo đầu tư vẫn đang tiếp cận người dùng Facebook, Instagram. Rocio Concha, Giám đốc chính sách Which? cho rằng Meta và các mạng xã hội khác cần “chịu trách nhiệm ngăn chặn lừa đảo”.

Theo ông Concha, điều quan trọng là luật an toàn trực tuyến phải bao gồm “biện pháp bảo vệ người dùng mạnh nhất có thể và được thông qua ngay lập tức. Điều đó sẽ cho Ofcom quyền phạt các công ty mạng xã hội không ngăn chặn được những kẻ lừa đảo tiếp cận những người ngây thơ qua nền tảng của họ”. Concha cũng đề xuất các ngân hàng không nên được miễn trách nhiệm bồi thường cho nạn nhân.

Khi được hỏi về lừa đảo, Meta cho biết gian lận là một vấn đề toàn ngành, với những kẻ lừa đảo sử dụng các phương pháp ngày càng tinh vi. “Chúng tôi không muốn bất kỳ ai trở thành nạn nhân, đó là lý do tại sao các nền tảng của chúng tôi có hệ thống chặn lừa đảo, các nhà quảng cáo dịch vụ tài chính hiện phải được ủy quyền và chúng tôi chạy các chiến dịch nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về cách phát hiện hành vi gian lận”, Meta cho biết trong một tuyên bố.

Theo The Guardian